Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 27/4/2012 10:45'(GMT+7)

Dũng sĩ diệt Mỹ ở tuổi 14 và câu chuyện xúc động về tấm ảnh Bác Hồ

Đồng đội bùi ngùi bên những kỷ vật (đồng chí Lê Bá Dương đứng thứ tư từ trái sang)

Đồng đội bùi ngùi bên những kỷ vật (đồng chí Lê Bá Dương đứng thứ tư từ trái sang)

Sự trở về kỳ diệu của một bức ảnh

Có những hiện vật, chỉ cần nhìn vào chúng, người ta có thể hình dung ngay được sự khốc liệt của cuộc chiến, mà ở đó, chủ nghĩa yêu nước, anh hùng được tỏa sáng. Một trong những kỷ vật như thế là bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt viết bằng máu của cựu chiến binh Lê Bá Dương.

Đó là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đen trắng khổ nhỏ, để vừa trong một cuốn sổ. Điều đặc biệt ở bức ảnh là trên đó ghi những dòng quyết tâm thư giữ chốt đến cùng của những người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải (thuộc Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) trong những phút cam go nhất trong trận đánh ở cao điểm 544 (thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vào tháng 6/1971. Trong trận đánh đó, 4 chiến sĩ của ta quần nhau với 2 đại đội địch trong một ngày. Hai người đã hy sinh. Trước khi phát tín hiệu để pháo bắn vào, chấp nhận hy sinh cùng trận địa, Trung đoàn phó Lê Bá Dương lấy máu mình viết lên tấm ảnh Bác, rồi truyền lại cho đồng đội.

Sau khi các đồng chí của ta tấn công vào điểm chốt, nghĩ rằng hai đồng đội của mình đã hy sinh, nhưng may mắn thay cả hai người chỉ bị thương nặng mà thôi. Đồng chí chính trị viên đại đội lấy bức ảnh trong túi áo của đồng chí Lê Bá Dương truyền lại cho các anh em trong đơn vị truyền tay nhau. 


Năm 1972, mọi người dùng tấm ảnh này trưng bày trong đại hội chiến sĩ thi đua, nhưng thời gian sau, bức ảnh bị thất lạc. Sau đó, rất tình cờ trong một một đợt vận động viết lại những kỷ niệm về trung đoàn, một đồng chí trong trung đoàn đã tìm thấy bức ảnh giắt trong cuốn sổ tay đã gửi trả lại cho chủ nhân. Cựu chiến binh Lê Bá Dương đã tặng bức ảnh quí giá đó cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với mong muốn để thế hệ trẻ hiểu được về một thời sống và chiến đấu của thế hệ cha anh một cách chân thực nhất.

Dũng sĩ diệt Mỹ ở tuổi 15

Lê Bá Dương quê ở Nghệ An. Ông sinh ngày 10/4/1953. Để được đi bộ đội, ông tìm cách sửa lý lịch để trốn gia đình và địa phương và tôi đi bộ đội đúng 15 tuổi không hơn không kém một ngày. Vì là trẻ nhất trung đoàn nên Lê Bá Dương được mọi người âu yếm gọi là "chú út trung đoàn". Lúc đó thời gian huấn luyện rất ngắn. 49 ngày sau khi nhập ngũ, ông tham gia một trận đánh của Trung đoàn ở ở phía Tây Đông Hà- Quảng Trị. Trung đoàn đánh vào hai đại đội địch và tiêu diệt gần hết một đại đội Mỹ. Lê Bá Dương được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2. Các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong... lúc đó viết về Lê Bá Dương như một điển hình.

Trong cuộc đời quân ngũ, ông 14 lần bị thương. Đặc biệt, trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, ông có mặt trong đội hình Sư đoàn 390, tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Đến năm 1990, Lê Bá Dương rời khỏi quân đội rồi đi làm báo.

Nhớ lại phút giây nghe tin chiến thắng ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Lê Bá Dương cho biết: Tất cả những người lính đều rất khát khao chiến thắng để đến cái đích cuối cùng. Khi nghe quân ta thắng trận, niềm vui vỡ oà không có bút nào tả được. Niềm vui như được nhân lên trong sự bất ngờ. Những người lính chiến đấu trong miền Nam không nghĩ cuộc chiến kết thúc nhanh đến thế. Điều này thể hiện sự sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân đội.

Năm nào cũng vậy, vài những ngày tháng tư, cựu chiến binh Lê Bá Dương lại về bên dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Từ hành động của Lê Bá Dương, tỉnh Quảng Trị đã phát động trở thành một nét văn hóa của địa phương: thả hoa trên dòng Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh.

Năm 1987, trở về chiến trường xưa, sau lễ thả hoa tưởng nhớ đồng đội ông đã xúc động viết bài thơ "Lời người bên sông" với 4 câu thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. Những câu thơ này đã được khắc trên bia đá ở bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn.

Dịp 30/4/2012 này, cựu chiến binh Lê Bá Dương đứng lên tổ chức cuộc vận động "Đưa quê hương vào cho đồng đội". Hơn 600 cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị sẽ cùng trở về chiến trường xưa. Người ít tuổi nhất là 60, cao tuổi nhất là 82, nhiều thương bệnh binh và người thân trong gia đình. Họ sẽ mang theo những nắm đất, những chai nước từ giếng trong vườn nhà, hoặc từ dòng sông quê hương để hoà vào đất, vào cát ở chiến trường Quảng Trị, để thêm ấm lòng những đồng đội năm xưa./.

- Mai Hồng-

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất