Thứ Sáu, 22/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 23/6/2011 10:56'(GMT+7)

Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng

Nội dung cuốn sách được sắp xếp theo trình tự thời gian, không chỉ có những mẩu chuyện mà còn có rất nhiều thư, thơ, bài nói, bài viết… trên nhiều cương vị, với nhiều bút danh khác nhau, thể hiện tấm lòng thương yêu, sự quan tâm sâu sắc và ghi lại khá đầy đủ lời dạy của Bác về nhiệm vụ giáo dục thiếu nhi. Bên cạnh đó, nhiều lời kể của các tác giả khác có nội dung phù hợp cũng được tập hợp trong cuốn sách này.

Cuốn sách bắt đầu bằng sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trên đường vào phía Nam Tổ quốc để tìm đường cứu nước đã dừng chân tại Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh vào cuối năm 1909. Kết thúc cuốn sách là sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp ra Nghị quyết về việc Đoàn, Đội được mang tên Bác Hồ.

Theo tác giả, yêu thương thiếu nhi, Bác không coi các em như những “con nít” tầm thường. Đối với Bác, thiếu nhi là những đứa cháu thân yêu, được Bác dành cho những cử chỉ chăm sóc ân cần trìu mến; thiếu nhi là những người “khách nhỏ” được Bác cư xử thân ái và bình đẳng. Thiếu nhi đối với Bác cũng là những người công dân nhỏ tuổi sẽ là người chủ tương lại của đất nước mà Bác hết lòng quý trọng và tin tưởng. Ở đây, thể hiện tư tưởng nhân đạo, dân chủ, tự do và bình đẳng của Bác Hồ đối với thiếu nhi.

Bác hình dung con trẻ như cái mầm, cái búp, luôn luôn cần đến sự bảo vệ và chăm sóc đúng đắn để phát triển đúng hướng. Bác nói: “Cái mầm có tốt thì cây mới vững, cái búp có mạnh thì hoa mới tươi, quả mới tốt. Con trẻ là cái mầm, cái búp của dân tộc, con trẻ có được nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới có thể tự cường, độc lập” (Báo Việt Nam độc lập, ngày 21-9-1941). Vì vậy, ngay từ năm 1956, Bác đã chủ trương: “Muốn phát triển đại học và chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp II, cấp I và cấp vỡ lòng”… Những lời dạy này của Người đã trở thành nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục thiếu nhi. Bác luôn nhắc nhở mọi người, mọi giới cần quan tâm phối hợp để giáo dục thiếu nhi, nhất là các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Trong thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và đại học nhân dịp khai giảng năm học 1968-1969, Bác viết: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó, các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”. Ba tháng trước khi mất, Bác còn dặn dò chúng ta: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”. “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Lời dặn dò đó trong bài viết cuối cùng của Bác về thiếu nhi, có thể xem như Di huấn của Người về nhiệm vụ giáo dục các cháu.

Với hơn 300 trang sách, nội dung cuốn sách cho ta thấy, ở bất cứ đâu và lúc nào, Bác Hồ cũng thể hiện sự quan tâm đến thiếu nhi và mong muốn mọi người cùng có trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu nhi. Việc nghiên cứu và phổ biến những tư liệu về Bác Hồ với thiếu nhi của tác giả, chắc chắn sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, học tập và sinh hoạt của thiếu nhi. Đây là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết !

Phạm Ngọc Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất