Sau 5 năm thực hiện chủ trương, tất cả 64 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố trong tỉnh Bạc Liêu đã có 280 trí thức trẻ có trình độ đại học về công tác. Phần lớn trí thức trẻ đều được phân công nhiệm vụ đúng ngành nghề đào tạo.
Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2007- 2012) thực hiện chủ trương “ Về việc đưa trí thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn được tổ chức sáng 29/5.
Hiện đã có nhiều trí thức trẻ còn được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn. Trong đó có 9 trí thức trẻ hiện là Phó Chủ tịch HĐND; 7 Phó Chủ tịch UBND; 1 được tín nhiệm bầu vào đại biểu HĐND cấp xã và 25 trí thức trẻ được cơ cấu quy hoạch vào các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn. Từ những kết quả trên, đã góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tạo được nguồn cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, có năng lực để kế thừa cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cách làm và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Đa số các trí thức trẻ sau khi được đưa về công tác đều có tư tưởng chính trị vững vàng và xác định xã, phường, thị trấn là môi trường tốt để cống hiến, trưởng thành. Vì vậy, đa số đều cố gắng, ra sức phấn đấu, cống hiến, vượt qua khó khăn, chịu khó học hỏi, tích cực trong công tác, chấp hành tốt sự phân công của lãnh đạo, hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu khẳng định: Qua 5 năm thực hiện thí điểm đưa trí thức trẻ về cơ sở đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, điều này một lần nữa khẳng định đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Vì vậy, để duy trì và làm tốt chủ trương này trong thời gian tới các ủy, chính quyền cơ sở cần tiếp tục phát huy kết quả trên và quan tâm thực hiện tốt các chính sách để thu hút trí thức trẻ về cơ sở; làm chặt chẽ từ khâu tuyển chọn, bố trí công việc, cơ cấu trí thức trẻ vào bộ máy quản lí cấp ủy, chính quyền; phải lập phương án cho công tác đào tạo thêm về chuyên môn, năng lực lãnh đạo, trình độ chính trị cho các trí thức trẻ; đồng thời, phải kịp thời đề xuất với các đơn vị có trách nhiệm để có chính sách hỗ trợ hợp lí về tiền lương, các khoản trợ cấp, chính sách về nơi ở, sao cho tương xứng với sự cống hiến của trí thức trẻ đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nơi trí thức trẻ đang công tác.
Tham luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng chủ trương đưa tri thức trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và là khâu đột phá trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đây cũng là việc làm quan trọng nhằm tạo nguồn cán bộ dự bị cho các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Tuy vậy, một số đại biểu cũng đã đề cập đến một số khó khăn, hạn chế khi thực hiện chủ trương này, như phân công các trí thức trẻ về cơ sở khi chưa qua tập sự ở các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, thành phố đã tạo một số trở ngại khi về công tác ở xã, phường thị trấn; chương trình, nội dung bồi dưỡng cho các trí thức trẻ trước khi phân công còn đơn giản, chưa trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết; việc xét và đưa trí thức trẻ vào biên chế còn gặp một số trở ngại; một số nơi do kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thực hiện tốt các chế độ chính sách cho trí thức trẻ để họ an tâm ra sức cống hiến./.
Bảo Trân/TTXVN