Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 29/5/2012 16:6'(GMT+7)

Vì thế giới ngày mai hãy chung tay chăm sóc trẻ em

 Đứa trẻ  nào sinh ra cũng đều là một thiên thần nhỏ, được chăm sóc bao bọc chở che của người lớn. Nhưng có những trẻ sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh, bị các chứng bệnh nan y, hiểm nghèo như ung thư, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm chất độc da cam …“Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có”. Câu nói giản dị mà sâu sắc vang trên khắp hành tinh, thấm vào mọi quốc gia, lắng đọng trong từng ngôi nhà và trong tim mỗi chúng ta.

Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành quả khích lệ: Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đều tăng, gần 90% các tỉnh, thành phố đã đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em cũng đã được các cấp các ngành, gia đình quan tâm…

Trên thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam trẻ em được ví như “búp trên cành”. Đây không chỉ là cách nói hình ảnh mà thực sự đã trở thành hành động của cả xã hội, trong mỗi gia đình và trong từng người làm cha làm mẹ. Quan tâm, chăm sóc, giáo dục con trẻ chính là nuôi dưỡng, vun đắp những búp măng non hôm nay.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước quốc tế Bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam lại có hẳn một ủy ban Chăm sóc bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Đâu chỉ vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Tết Trung thu, ngày khai trường hay những ngày hè, trẻ em mới được chú ý, mà chăm lo, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên, hàng ngày. Xã hội ta đã có biết bao phong trào, tổ chức, đoàn thể và cá nhân nâng bước, dìu dắt những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn. Những ngày tháng 6 này, khắp nơi đều tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em tại địa phương. Thông qua việc phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng các ngành chức năng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tháng hành động vì trẻ em nhằm kêu gọi sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tháng hành động vì trẻ em tập trung vào các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ bất bình đẳng, thêm các chính sách đầu tư cho trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng khó khăn. Một số địa phương còn tập huấn cho cán bộ phụ nữ, Đoàn thanh niên về việc phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ em thực hiện quyền tham gia, bày tỏ ý kiến của mình. Giám sát việc khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Bảo hiểm Y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Tổ chức trại hè, thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nghiên cứu đề xuất những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, chăm sóc hỗ trợ trẻ em - đặc biệt trẻ em nghèo ,trẻ em ở vùng sâu vùng xa - nhằm tạo cơ hội cho trẻ em phát triển bình đẳng, được tham gia các hoạt động văn hoá lành mạnh và hưởng các dịch vụ xã hội, trợ cấp đỡ đầu, nhận nuôi dưỡng. Chương trình phẫu thuật, phục hồi chức năng. Vận động các tổ chức cá nhân ủng hộ nguồn lực phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. Xây dựng các mô hình điểm về công tác bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các điểm vui chơi giải trí cho các em. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị trường học để tạo mọi điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn ,trẻ em nghèo ,trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển bình đẳng. Tổ chức các hoạt động từ thiện tặng quà cho nhiều cơ sở trường học. Cấp học bổng, phẫu thuật, mắt, môi, dị tật cho hàng trăm trẻ... Nhiều địa phương đã quan tâm tạo điều kiện xây dựng cho các em có chỗ vui chơi an toàn ,trẻ em nghèo dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ chống suy dinh dưỡng… Biết bao hoạt độngn có ý nghĩa đang diễn ra không chỉ trong tháng 6 mà hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt nam với mọi con người Việt nam tiếp nối truyền thống nhân ái.

Hơn bao giờ hết, trẻ em cần môi trường sống, chỗ vui chơi. Đây chính là điều kiện để trẻ phát triển toàn diện. Trách nhiệm của những người lớn chúng ta là phải tạo ra những điều kiện tốt nhất, môi trường lành mạnh cho trẻ em vui chơi phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách. Với hệ thống điểm vui chơi cho trẻ em còn thiếu như hiện nay, cần huy động mọi nguồn lực, tập trung ưu tiên cho thực hiện mục tiêu chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, đặc biệt là xây dựng các điểm vui chơi, Nhà văn hoá thiếu nhi đáp ứng nhu cầu về tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, đồng thời hình thành thêm những khu vui chơi giải trí đa dạng. Tiếp tục xây dựng đầu tư xây dựng củng cố Nhà văn hoá, thư viện, điểm vui chơi ngoài trời. Xây dựng những ngôi trường riêng biệt dạy cho các trẻ em khuyết tật học chữ ,học nghề và có điều kiện hoà nhập với cộng đồng, để ở đó các em thiếu may mắn về cơ thể tìm thấy những niềm vui, quên đi những mặc cảm có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Cần chung tay giúp đỡ trẻ em

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn những chuyện đau lòng, đáng buồn. Vẫn còn trẻ em sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn, chưa được ăn no mặc ấm, chưa được đi học, phải lao động quá sức mình, thậm chí có nơi có lúc còn xảy ra tình trạng bạo hành hay buôn bán trẻ em. Khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ”... có lẽ ai cũng biết, cũng thuộc nằm lòng. Nhưng mỗi chúng ta hãy tự soi lại mình xem đã giúp đỡ trẻ em được đến đâu.

Công viên, cung thiếu nhi, sân chơi chung của các khu dân cư... ở một số nơi bị chuyển mục đích thành nơi kinh doanh. Tình trạng thiếu sân chơi bãi tập, nơi tổ chức các hoạt động tập thể thu hút trẻ em là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ tìm vào những thú vui thiếu lành mạnh, chơi game, điện tử, bỏ học kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Đây không còn là cảnh báo mà là thực trạng đáng báo động hiện nay. Người lớn không thể ngoảnh mặt trước tình cảnh trẻ em thành phố vừa thiếu không gian, vừa thiếu cả thời gian để vận động, vui chơi trong trường học. Xã hội không thể làm ngơ khi ở đâu đó, những đứa trẻ bé bỏng, nhỏ dại, lẽ ra phải được ăn học, được che chở, bảo vệ lại trở thành những đối tượng bị ngược đãi, hành hạ. Lá chắn pháp luật bảo vệ, che chở các em. Nhưng mỗi người hãy tự nhìn lại xem chúng ta đã thực sự làm được gì cho các thế hệ con em của chúng ta? Mỗi người đều tự xác định việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi chúng ta. Vấn đề tạo môi trường an toàn cho trẻ em hiện nay là điều mà không chỉ gia đình mà cả xã hội rất quan tâm .Sự mất an toàn đối với trẻ em,nạn bạo hành xâm hại tình dục,tai nạn thương tích gia tăng trẻ phải làm việc quá sức,bị bóc lột sức lao động, bị lừa bán…đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng tai nạn thương tích vẫn còn. Trẻ em bị điện giật, đuối nước và bị thương do các tai nạn khác. Nước ta sông hồ nhiều ,diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn, ao chuôm ngay gần nơi sinh hoạt rất nguy hiểm với các em. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn môi trường sống cho các em. Bên cạnh đó, những vụ việc đau lòng như các bé bị bỏ rơi, bị cha mẹ bạo hành... dường như cũng xuất hiện nhiều hơn khiến dư luận bức xúc,

Rồi thiếu hệ thống trường mầm non trong khi các trường đại học mở ra ồ ạt. Vẫn còn những em thơ không được đến các trường mầm non, mẫu giáo mà phải gửi trong các nhóm trẻ gia đình do hệ thống trường mầm non công lập quá tải nên chỉ ưu tiên nhận các cháu 5 tuổi. Tình trạng thiếu trường mầm non, ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp khiến không ít bậc phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để xin cho con đi học mẫu giáo. Có người nói rằng bây giờ người lớn dành nhiều thứ cho mình quá mà quên các em. Vì thế nên chung cư mới không có nhà trẻ, vườn trẻ không đủ sân chơi cho các em, cá biệt vẫn còn có nơi không có cầu để các em sang sông đi học, phải bơi qua sông đến trường...

Khẩu hiệu “ Nói không với tiêu cực học đường” đã được thực thi, vậy mà nhiều trường vẫn dạy thêm, bắt học sinh học thêm bằng nhiều cách. Đâu đó vẫn có những giáo viên tìm mọi cách ép các cháu học thêm. Nhà trường mải chạy theo thành tích, tìm đủ mọi cách bắt phụ huynh học sinh “tự nguyện” đóng tiền...

“Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ” . Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà còn là sứ mệnh mỗi chúng ta luôn phải hướng tới và thực thi trong cuộc sống, để “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em. Đây là dịp để các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và toàn xã hội dành sự quan tâm và ưu tiên cho trẻ em. Hãy tạo điều kiện tốt nhất để các em được phát triển toàn diện. Mục đích cần đạt được là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ đó, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Mặt khác, thông qua tháng hành động này còn nhằm tiếp tục nâng cao trách nhiệm của gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin, tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội.

Các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi gia đình luôn đặt vấn đề quan tâm, chăm sóc trẻ em lên hàng đầu. Toàn xã hội luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đảm bảo cho trẻ phát triển đầy đủ về thể lực và tinh thần. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của cộng đồng xã hội và gia đình. Đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, giữ vai trò quan trọng và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Mỗi chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em mà mình có vì trẻ em hôm nay, cho thế giới ngày mai./.

Huy Lân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất