Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 29/5/2012 11:21'(GMT+7)

Nhà ở vượt lũ giúp ổn định cuộc sống người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long

* An tâm về nguồn nước sinh hoạt

Việc thay đổi chỗ ở bước đầu sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi họ mất đi công ăn việc làm và mảnh đất “cắm dùi” đã gắn bó với họ trong nhiều năm. Đoán trước những mối lo này, chính quyền địa phương các tỉnh ngoài việc bố trí chỗ ở, cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nước sinh hoạt an toàn hơn trong nấu nướng, ăn uống.

Bà Trần Thị Lệ Hoa, ở ấp Nhơn Thuận 1B, vào Khu dân cư vượt lũ Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang cho biết, trước khi chuyển vào cụm dân cư vượt lũ, gia đình bà sống gần bờ sông nên sử dụng nước sông làm nước sinh hoạt, nấu nướng, tắm giặt,.. Mặc dù biết rằng nước sông không được an toàn, nhưng vì thu nhập của gia đình không cao, cũng không ổn định nên phải chịu. Từ khi gia đình chuyển về cụm dân cư này, gia đình được cấp nước sinh hoạt an toàn, sạch sẽ nên cũng đã hạn chế được nhiều bệnh tật.

Cùng ý kiến với bà Hoa, ông Nguyễn Văn Chưa sống chung cụm dân cư này chia sẻ, chúng tôi vào cụm này đều là những người lao động nghèo, cuộc sống khi còn ở gần bờ sông khá vất vả, nên khi vào cụm có chút không quen vì mọi thứ đều phải tính phí, trong đó bao gồm cả nước sinh hoạt. Trước kia tôi chỉ dùng nước sông nên không tốn tiền. Thế nhưng dòng sông hiện nay cũng không còn trong sạch như trước. Được sử dụng nước sạch và an toàn, chúng tôi thấy an tâm hơn về sức khỏe mà chi phí cũng vừa phải so với nguồn thu nhập của chúng tôi.

Khi được hỏi về ý thức với nước sạch của những người dân vượt lũ, ông Nguyễn Vũ Hùng, Trưởng Trạm cấp nước Khu dân cư vượt lũ Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang cho biết, hiện nay, trạm đang cung cấp nguồn nước sạch cho 98 hộ dân của khu dân cư với công suất 10m3/giờ. Khi có nước sạch, đa số các hộ dân đều nhiệt tình hưởng ứng vào yêu cầu lắp đồng hồ nước. Đồng thời, ý thức phải sử dụng nước sạch để đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe của họ ngày càng nâng cao hơn.

* Nâng cao thu nhập, văn hóa cộng đồng

Cụm, tuyến dân cư vượt lũ không những giải quyết vấn đề an toàn sức khỏe, an toàn nguồn nước cho những người dân trở về nơi đây sinh sống, nó còn giải quyết vấn đề mấu chốt của họ, chính là nguồn thu nhập duy trì cuộc sống, con cái đi học an toàn, việc học ngày càng tiến bộ hơn.

Đối diện với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngộ - Chủ tịch UBND xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết, cụm dân cư của xã hoàn thành vào năm 2009, nhưng khi ấy vẫn chưa lấp đầy. Cho đến năm 2011, lãnh đạo xã đã ráo riết tìm cách kêu gọi các hộ di dời vào trong cụm. Đồng thời tổ chức 2 lớp dạy nghề kiếm thêm thu nhập cho các hộ dân, vận động người dân theo học không tốn phí, được bồi dưỡng ăn uống khi tham gia lớp học để giúp họ có nghề mới, có việc làm, kiếm thêm thu nhập hoặc thu nhập thay thế cho việc cũ.
Cô Bùi Thị Thanh, giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Khải, tổ 19, ấp 4, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tỏ ra khá an tâm về chỗ ở mới. Cô chia sẻ, nhà cũ chỉ ở cách cụm dân cư hiện nay 400m, thế nhưng, vào mùa nước lũ, nhà cửa đều bị ngập, dù công việc không bị ảnh hưởng, nhưng sau khi hoàn thành công việc trở về, mọi sinh hoạt trong nhà đều bị xáo trộn vì nước. Từ ngày chuyển vào cụm sinh sống, những mái nhà ngói đỏ mọc lên san sát, người lớn yên tâm lao động, trẻ con chăm lo học tập không còn lo cảnh chạy lũ nữa…

Với bà Nguyễn Thị Bé Năm, ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, sau khi học xong lớp dạy nghề đan giỏ lục bình của xã, ngoài gia công tại nhà, bà còn phân phối lại cho các hộ dân cư khác trong cụm để kiếm thêm thu nhập, khoảng 40.000 đồng/ngày. Từ đó bà trở thành nơi phân phối công việc cho hơn 30 hộ dân trong cụm, tạo thêm thu nhập ngoài việc buôn bán nhỏ, trồng lúa,… Từ khi hình thành cụm, các trường học, khu giữ trẻ cũng hình thành một cách tự nhiên, bà Năm còn có thêm khoản thu nhập từ việc nấu cơm cho khu giữ trẻ trong cụm. So với trước kia, gia đình bà chỉ làm công việc đồng áng, hết mùa lúa lại nghỉ và không có nguồn thu nhập tăng thêm.

Nhớ lại mùa lũ năm 2000, ông Mai Việt Hùng, ngụ tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp không khỏi thở dài. Năm đó, ông sống tại ấp 1, xã Tân Hội Trung (bên bờ sông Hậu) với nghề đánh cá. Thời điểm lũ về, gia đình ông phải kê bàn ghế cao lên để có không gian sinh hoạt, đồ dùng trong nhà không bị ngập nước. Nhưng càng lúc, nước càng dâng cao, trong lúc đang ngồi, chỉ cần giơ tay là có thể chạm tới mái nhà. Kể từ sau năm 2003, chuyển nhà sang nơi ở mới, ông Hùng cũng bỏ nghề đánh bắt cá, chuyển sang sinh sống bằng việc buôn bán nhỏ lẻ. Vì nhà ở gần chợ, nên thu nhập cũng đủ sống, căn nhà mới hiện nay được ưu đãi về vốn vay trả chậm nên cũng xóa tan nỗi lo thiếu tiền xây nhà của gia đình ông.

Riêng anh Trần Văn Chum, tổ 14, ấp 9, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một hộ nghèo, đông con nên để xây căn nhà tại cụm dân cư vượt lũ, anh vay thêm những người thân một số tiền, ngoài nguồn hỗ trợ của chương trình vượt lũ. Công việc cũ của anh là đánh bắt cá bán cho các sạp ngoài chợ, nuôi sống cả nhà. Khi vào cụm, việc làm là vấn đề trăn trở của anh. Hiện nay, tạm thời anh và vợ nhận thêm ớt về gia công cho người khác ngoài thời gian lưới cá. Tuy chưa ổn định việc làm như người khác, nhưng anh cũng nở nụ cười vui vẻ khi nhà cửa an toàn, không còn phải lo lắng cảnh “nhà dột, cột xiêu” nữa, con cái đi học không còn vất vả bởi đường ngập nước như trước. Anh chia sẻ, khi có lớp học nghề khác, anh và vợ cũng sẽ tham gia để chuyển nghề, kiếm thu nhập cao hơn./.

Hồng Nhung – Việt Âu - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất