Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 13/9/2009 13:0'(GMT+7)

Bài học về chiến lược đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Người thấu hiểu sâu sắc rằng, để phát huy được vai trò của hệ thống chính trị trong việc thực hành dân chủ, thì đại đoàn kết toàn dân là một nhân tố quyết định và phải được thực hành ngay trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc bất di bất dịch khi thực hiện đại đoàn kết toàn dân là đảm bảo lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân Việt Nam. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó vừa là truyền thống dân tộc, là chân lý, là ngọn cờ, và là nguyên tắc của đại đoàn kết. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mục tiêu lý tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập, tự do và CNXH; cùng phương châm: dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết; tất cả do con người, vì con người là mẫu số chung, là điểm quy tụ khối đoàn kết. Bác thường nhắc nhở: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ…Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”1. Chính vì vậy, ngay sau cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh chiêu tập quan lại cũ triều Nguyễn, như cựu hoàng Bảo Đại, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn…tham gia chính quyền mới, tạo điều kiện cho họ đóng góp tài lực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Chính sự bao dung, độ lượng của Hồ Chí Minh đã cảm hoá, mở rộng con đường cho họ trở lại sum họp trong đại gia đình Việt Nam. Đối với các trí thức người Việt được đào tạo ở nước ngoài, như kỹ sư Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước... thì tấm gương vì nước, vì dân cùng với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nó tạo động lực để họ tự nguyện từ bỏ cuộc sống vật chất đầy đủ, trở về nước góp tài lực cùng cả dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp chống xâm lược, giành độc lập, tự do và xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân.

Trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đoàn kết tôn giáo. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3-9-1945), khi đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VN DCCH, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ ra tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Để làm được điều đó, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải khai thác điểm tương đồng để khắc phục, giải quyết những yếu tố mâu thuẫn giữa những người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo; giữa những người có tôn giáo khác nhau. Nghĩa là, phải tìm được điểm chung nhất có khả năng vượt qua được những khác biệt về tư tưởng, quan điểm, chính kiến tôn giáo để mọi người thống nhất đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu cho mục tiêu, lí tưởng của dân tộc, của cách mạng. Mặt khác, phải biết khai thác, kế thừa những giá trị tích cực của các tôn giáo, tranh thủ giáo sĩ, quan tâm đến giáo dân; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; độ lượng, vị tha với người lầm lỗi; đấu tranh kiên quyết với bọn phản động âm mưu chia rẽ lương-giáo, lợi dụng tôn giáo chống phá Nhà nước Việt Nam.

Cùng với đoàn kết tôn giáo, đoàn kết đồng bào các dân tộc cũng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh đoàn kết đồng bào các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam không những phát huy vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, giành độc lập, thống nhất đất nước, mà còn có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội mới, hướng tới xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu và sự ngăn cách giữa các dân tộc; đồng thời, mang lại hạnh phúc, no ấm và sự tiến bộ, văn minh cho tất cả đồng bào các dân tộc. Để làm được điều đó, đoàn kết dân tộc, nhất là đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số phải xuất phát từ tình cảm của những người ruột thịt và trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”2.

Một điều quan trọng nữa để đoàn kết toàn dân là tập hợp mọi lực lượng yêu nước trong một tổ chức mặt trận thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng mà tổ chức các hình thức mặt trận tương ứng, như: Mặt trận Dân chúng thống nhất đấu tranh phản đế (6-1936), Mặt trận Dân chủ thống nhất (3-1938), Mặt trận Thống nhất phản đế Đông Dương (11-1939), đỉnh cao là Mặt trận Việt Minh (5-1941). Lấy mục tiêu giải phóng dân tộc lên trên hết, Mặt trận Việt Minh là nơi tập hợp sức mạnh dân tộc để Đảng ta lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, lập nên Nhà nước VN DCCH. Nó là sự phát triển tiếp nối của các hình thức mặt trận trước đó và là bộ phận quan trọng để hợp nhất và phát triển thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng ta đã khéo tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đoàn kết dân tộc để đấu tranh chống đế quốc và phong kiến”3.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân: đại đoàn kết toàn dân lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện nghiêm túc chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, luôn đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Sức mạnh của dân tộc chỉ được phát huy cao độ trong điều kiện: khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dựa trên nền tảng liên minh chặt chẽ giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức rộng rãi, là cơ sở xã hội, là “cái cốt vật chất” nhằm tổng hợp và chuyển hoá sức mạnh tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành sức mạnh vật chất nhằm thực hiện các nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước. Xây dựng và củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vững chắc cũng là việc làm có ý nghĩa then chốt để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân gắn liền với việc phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành viên của Mặt trận, đồng thời là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới được phát huy; trong đó, đoàn kết nội bộ Đảng là chỗ dựa, là cơ sở để đoàn kết toàn dân. Vì thế, phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng ta thành một đảng cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; trong đó, cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải bằng những hành động và chính sách cụ thể. Trước đây, để thực hiện đại đoàn kết, Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi mà rất chú trọng đến lợi ích của nhân dân. Người nói: “ Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh”4. Nghĩa là, đối với nhân dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá… Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hi sinh sống chết giết giặc... Ngày nay, trong điều kiện của nền kinh tế mở cửa, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng xen lẫn thách thức làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải kịp thời đề ra và thực hiện tốt các chính sách đối với từng giai cấp, tầng lớp xã hội, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo; thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật; coi trọng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; thực hiện đa dạng hoá các thành phần kinh tế, khuyến khích làm giàu chính đáng song song với chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, “xoá đói giảm nghèo”; thực thi các chính sách trọng dụng nhân tài, khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước... đang là những việc làm được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, thực hiện nhất quán. Đảng ta đã chỉ rõ: “Chăm lo thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xử lý đúng đắn, kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Điều hoà hợp lý lợi ích xã hội của các tầng lớp dân cư, các vùng, miền, lĩnh vực; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là bộ phận có nhiều khó khăn trong công nhân, nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa”5. Có như vậy mới thực sự củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ khi Đảng ta ra đời, tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh đã trở thành bộ phận quan trọng trong xây dựng đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; đóng góp to lớn vào sự thành công của cách mạng Tháng 8-1945, thắng lợi của hai cuộc chiến tranh giải phóng và đi lên xây dựng CNXH. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh càng toả sáng. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là sự kế tục và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới./.

ThS. ĐINH NGỌC QÚY
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh

(Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất