64 năm trước, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, lập nên Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, mở ra một trang mới cho lịch sử Việt Nam. Ðất nước đi vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và tạo tiền đề đi tới chủ nghĩa xã hội.
Với khoảng 20 triệu dân, năm nghìn đảng viên (một số còn bị giam trong nhà tù đế quốc), một đảng 15 tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân cả nước, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công.
Gần hai phần ba thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học và tinh thần của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong tình hình hiện nay. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công được 15 năm, Bác Hồ đã tổng kết: "Hồi khởi nghĩa, Ðảng ta chỉ non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo được nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Ngày nay, hàng ngũ Ðảng ta đã tăng gần 100 lần, nghĩa là độ nửa triệu đảng viên. Chúng ta lại có hơn 60 vạn đoàn viên Ðoàn Thanh niên Lao động. Chính quyền nhân dân ta vững chắc, quân đội nhân dân hùng mạnh, Mặt trận dân tộc rộng rãi. Công nhân, nông dân và trí thức ta được rèn luyện thử thách và tiến bộ không ngừng... Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.5).
Qua các thời kỳ cách mạng đội ngũ Ðảng ta ngày càng hùng hậu. Tuy nhiên, bài học quan trọng hàng đầu không phải là số lượng mà là bài học về tư duy, nhận thức mang tính khoa học và cách mạng, đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ðảng ta không chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên" (Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.222).
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chính là để nâng cao chất lượng của người cán bộ, đảng viên "hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân". Chính cái chất của người đảng viên đem lại cho họ vinh dự và trách nhiệm là những người ưu tú của dân tộc, để "đảng viên đi trước làng nước theo sau". Mọi việc thành hay bại đều do cán bộ, đảng viên tốt hay xấu. Mặt khác cũng phải thấy rằng, so với quần chúng nhân dân đông đảo thì đảng viên chỉ là số nhỏ. Vì vậy, nếu không có nhân dân ủng hộ, giúp sức thì đảng viên không làm được gì hết. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng "sáng kiến và lực lượng của nhân dân ta rất dồi dào và to lớn. Khi tư tưởng đã thông suốt thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc to lớn mấy cũng làm được".
Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta bắt tay vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, sau đó tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Một nhận thức hết sức quan trọng, có tính cơ bản xuyên suốt tiến trình cách mạng đi tới thắng lợi cuối cùng là "thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều" (Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.4). Từ nhiệm vụ đập tan, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân đến nhiệm vụ xây dựng đất nước, theo Hồ Chí Minh đó là cả một cuộc chiến đấu gian nan. Tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc chiến đấu này không phải chỉ ở chỗ mặt trận kinh tế hết sức mới mẻ; ở chỗ Ðảng, Nhà nước và nhân dân chưa có kinh nghiệm; ở chỗ các thế lực thù địch chống phá..., mà một điều đáng chú ý là ở lực cản của tư duy cũ. Những vấn đề về Ðảng cầm quyền mà cốt lõi là đường lối đúng và gắn bó mật thiết với dân; Nhà nước pháp quyền mà hạt nhân là tính tối thượng của pháp luật và quyền lực ở nơi dân; Chính phủ là công bộc của dân, mà quan trọng nhất là cán bộ thực hiện trách nhiệm chính trị trước dân, v.v. còn rất mới mẻ trong mạch nguồn tư duy của chúng ta khi Nhà nước vừa ra đời năm 1945. Ðó chính là những điều Bác nói về sự "chưa có kinh nghiệm". Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà ngày 17-9-1945, Người viết: "Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng, kinh nghiệm chúng ta còn ít, mà công việc thì nhiều" (Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.20).
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cuộc chiến đấu khổng lồ" (Xem Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.505). Những gì đã cũ kỹ theo quan niệm của Hồ Chí Minh chứa đựng cả tư duy, nhận thức, tư tưởng, thiết kế tổ chức. Vì vậy, "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng" và "đầu tiên là công việc đối với con người" (Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.503).
Một bài học của Cách mạng Tháng Tám là huy động sức mạnh và khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân tộc. Trong khó khăn, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc và những người đảng viên phải bình tĩnh, không dao động và say sưa chiến thắng, biết tìm thấy sức mạnh từ dân, coi chủ nghĩa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính là một động lực lớn của đất nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người còn lại dặn lại chúng ta: "Ðể giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân" (Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.505).
Từ cuối năm 2007 đến nay, chúng ta đang chịu tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này còn kéo dài trong một vài năm tới. Trong nước, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra; cùng với những khó khăn do các vấn đề xã hội bức xúc và do các thế lực thù địch can thiệp, chống phá. Tuy nhiên, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều gam mầu sáng. Bài học lớn từ tinh thần của Cách mạng Tháng Tám là cùng với việc chủ động kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế đồng thời có những biện pháp tích cực bảo đảm an sinh xã hội. Ðảng ta nhận thức sâu xa và hoàn toàn đúng đắn rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm,... nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả sẽ "giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, với chế độ" (Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H, 2009, tr.200).
Dưới sự lãnh đạo của một Ðảng vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc; cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nhìn thấy cơ hội trong thách thức, biến thách thức thành cơ hội, nhận thức và hành động theo quy luật trong xu thế của thế giới, là những bài học quý báu mà Cách mạng Tháng Tám truyền lại cho hôm nay./.
(Theo: PGS,TS BÙI ĐÌNH PHONG/Nhân dân)