Cách đây 40 năm, Bác Hồ kính yêu - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, người thành lập và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc thống nhất, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đã qua đời. Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào ta ở nước ngoài bản Di chúc thiêng liêng.
Ðó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử bất hủ, biểu hiện tinh thần cách mạng triệt để, tư tưởng, đạo đức và tình cảm trong sáng của Người, là ngọn đèn pha chiếu rọi con đường đoàn kết đấu tranh của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. Bốn mươi năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức sáng ngời và Di chúc thiêng liêng của Người đã dẫn dắt toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tiến lên giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bồi hồi nhớ lại, kể từ khi chấp hành lệnh của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh ra lệnh ngừng bắn trong ba ngày vào thượng tuần tháng 9 năm 1969 để thọ tang Bác Hồ và mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm "Học tập và làm theo Di chúc của Bác".
Thọ tang Bác trong khói lửa chiến trường, ngay trong sào huyệt, trung tâm đầu não của kẻ thù, Ðảng bộ Sài Gòn - Gia Ðịnh đã biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm thực hiện lời thề do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Ðảng, tuyên thệ trước anh linh của Người: "Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước" như mong ước thiết tha của Bác Hồ đã gửi gắm trong Di chúc: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Ðế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Ðồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Ghi sâu lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào Sài Gòn - Gia Ðịnh nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạp bằng muôn trùng gian nguy, chiến đấu ngoan cường, vượt qua giai đoạn ác liệt nhất từ sau đợt II cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đến đầu năm 1970, củng cố thế và lực cách mạng để góp phần đập tan chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của địch, chủ động và tích cực tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất trong mùa Xuân đại thắng 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của "Thành đồng Tổ quốc", góp phần viết nên những trang huy hoàng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ của Ðảng và nhân dân ta. Sài Gòn - Gia Ðịnh được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và bước vào kỷ nguyên mới, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện lời dạy của Bác, sau khi đất nước thống nhất, bằng hành động cụ thể, Ðảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả nặng nề do tàn dư của chủ nghĩa thực dân cũ và mới để lại. Ðồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt: Chính sách cấm vận, bao vây kinh tế của các thế lực thù địch, kinh tế suy kiệt, thiên tai xảy ra dồn dập, chiến tranh trên biên giới Tây Nam, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp,... Chúng ta lại còn phải đấu tranh để khắc phục những lực cản do sự non yếu của chính mình trong tư duy, trong công tác quản lý kinh tế, quản lý đô thị và quản lý xã hội.
Trong bối cảnh đó, Ðảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì tiến hành nhiều cuộc tìm tòi, thử nghiệm, phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới, nhằm "tháo gỡ" khó khăn, vướng mắc, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, tiến hành cải cách mạnh mẽ về kinh tế trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Ðảng; thực hiện mục tiêu ổn định đời sống, ổn định kinh tế - xã hội.
Trải qua hơn 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, đời sống đồng bào thành phố không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhanh và liên tục: Năm 1985 đạt 444 USD, năm 2000: 1.365 USD và năm 2008: 2.500 USD. Nếu nhìn xuyên suốt trong 12 năm, từ năm 1996 đến năm 2008, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hai chữ số (10,2%/năm), quy mô kinh tế của thành phố đã tăng lên hơn 10 lần và nâng mức đóng góp chung vào kinh tế của cả nước từ 13% GDP năm 1985 lên 21% năm 2008. Ðặc biệt, từ cuối năm 2007 đến nay, do tác động tiêu cực của tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động và tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương tập trung mọi nỗ lực triển khai thực hiện sáng tạo các chủ trương, giải pháp của Bộ Chính trị, Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát và sau đó là ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Chúng ta có cơ sở để vui mừng và tự hào về sự phát triển của thành phố qua một vài số liệu thống kê tiêu biểu. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, khoảng 7% dân số cả nước, nhưng đến nay, thành phố đóng góp 21% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, 35% kim ngạch xuất khẩu và hơn 30% tổng thu ngân sách quốc gia.
Nhờ kinh tế tăng trưởng khá nhanh cùng với sự phát triển của kết cấu hạ tầng đô thị, nên các chương trình an sinh xã hội đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả thiết thực. Lĩnh vực hoạt động văn hóa - xã hội có điều kiện để phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và phổ biến pháp luật. Trong những năm qua, Ðảng bộ thành phố đã chi ngân sách cho các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tăng bình quân từ 20% đến 25% mỗi năm. Nhờ vậy, hệ thống mạng lưới trường, lớp được mở rộng không ngừng, số lượng học sinh các cấp đã tăng lên đều đặn, đang phấn đấu phổ cập bậc trung học, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Số lượng giường bệnh tăng hằng năm, xã hội hóa đầu tư cơ sở y tế để mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh trên khắp địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn, góp phần đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống các nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát được củng cố; việc xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa - nghệ thuật đã nâng số người hưởng thụ văn hóa tăng bình quân hơn 30% mỗi năm. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động ở thành phố có sức lan tỏa rộng như: phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Xây dựng nhà tình nghĩa", "Xây dựng nhà tình thương", "Phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng", chăm lo các gia đình chính sách, người khuyết tật,... Ðặc biệt, chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ 121.722 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17% tổng số hộ dân thành phố vào năm 1992; đến năm 2003, thành phố đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ (ba triệu đồng/người/năm); năm 2008 cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập dưới sáu triệu đồng/người/năm cho cả nội thành, ngoại thành và phấn đấu đến năm 2015 thành phố cơ bản không còn số hộ nghèo theo tiêu chí mới là dưới 12 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng bộ thành phố luôn quan tâm lãnh đạo gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong quy hoạch phát triển thành phố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ và lực lượng võ trang vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công", trong nhiều năm qua, Ðảng bộ thành phố luôn tăng cường lãnh đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tham gia các phong trào hành động cách mạng, gắn với phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc về dân sinh; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Như vậy, sau 34 năm kể từ Ngày Giải phóng, thực hiện Di chúc Bác Hồ, thành phố Hồ Chí Minh đã "cùng cả nước" không ngừng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển đi lên. Và "vì cả nước", thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực đóng góp vào quá trình tìm tòi sáng tạo và thử nghiệm vận dụng mô hình cơ chế quản lý mới, nhằm góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành và thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới và nhiều cơ chế, chính sách của Ðảng ta.
Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân hàng đầu giúp cho Ðảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là do chúng ta đã ra sức thực hiện những lời di huấn quý giá trong Di chúc của Bác Hồ về công tác xây dựng Ðảng: "Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" và nguyện "Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Ðảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch".
Quán triệt lời di huấn quý báu trong Di chúc của Bác: "Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân", Ðảng bộ thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng để định hướng lãnh đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.
Ðặc biệt, từ năm 2007 đến nay, cùng với toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân, Ðảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã tự giác và có nhiều nỗ lực thực hiện Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Ðảng bộ, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đã mang lại kết quả bước đầu với những chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân thành phố. Qua học tập, nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cá nhân và tổ chức đề ra tiêu chí đạo đức, chương trình, kế hoạch việc làm cụ thể,... đã tác động mạnh, chi phối tích cực đến hành động của từng người qua hai năm thực hiện Cuộc vận động.
Chuyển biến lớn nhất qua các đợt học tập, là "nỗ lực làm theo" tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên, chất lượng sinh hoạt của chi bộ, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy cũng như thực hiện phê bình, tự phê bình, việc thực hành dân chủ, đoàn kết trong nội bộ được nâng cao.
Việc phòng, chống tham nhũng cũng đã mang lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thu - chi tài chính ở cơ sở, thực hiện các chính sách pháp luật về thuế,...
Về công tác cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc, đến nay, các văn bản pháp quy để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền đô thị văn minh, hiện đại, từng bước được chuẩn hóa. Mô hình "một cửa liên thông", "một cửa điện tử" đã được tổ chức thực thi ở một số quận, huyện, cơ quan, đơn vị,... Hàng trăm cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp được biểu dương khen thưởng vì đã thể hiện tốt quan điểm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân", góp phần củng cố, tạo thêm lòng tin của người dân đối với cơ quan chính quyền các cấp.
Thực hiện lời dặn dò thiết tha trong Di chúc của Bác đối với đoàn viên thanh niên, trong nhiều năm qua, Ðảng bộ thành phố đặc biệt quan tâm việc "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau", thường xuyên giáo dục, xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế, có sức khỏe, tri thức và tác phong công nghiệp trong lao động để trở thành những công dân tốt, những người chủ tương lai của thành phố và đất nước.
Nhìn lại quá trình 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, bên cạnh những thành quả có ý nghĩa lịch sử, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những thử thách không nhỏ: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, năng lực cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng đô thị so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh còn yếu kém, bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn chưa cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, giao thông, ngập nước, môi trường; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; an ninh, trật tự còn diễn biến khá phức tạp.
Xây dựng Ðảng trên một số lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức còn hạn chế; tổ chức bộ máy tuy giảm đầu mối nhưng chưa thật tinh gọn; cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tuy được tổ chức thực hiện khá tốt nhưng kết quả chưa đồng đều. Sự phối hợp triển khai giữa một số tổ chức chính trị và xã hội, ban, ngành chưa được gắn bó, liên kết chặt chẽ. Việc gắn kết nội dung Cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trước mắt, các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ.
Tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch đang gia tăng chống phá sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của dân tộc ta, mưu toan xóa bỏ nền tảng tư tưởng và phủ nhận sự lãnh đạo của Ðảng ta. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xuất hiện dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Nhằm góp phần bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm thất bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch; để xứng đáng thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, thành phố Anh hùng, có vinh dự và trọng trách là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để đền đáp công ơn trời biển của Bác Hồ, Ðảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người bằng hành động cách mạng cụ thể. Ra sức phát huy ưu điểm và thành tích, tích cực khắc phục hạn chế và thiếu sót, nhằm tạo nên những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong cả nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là xây dựng Ðảng. Không ngừng củng cố sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Ðảng bộ, sự đồng thuận cao trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vượt qua thử thách, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và những năm kế tiếp. Tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân, nhằm củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu, xây dựng hệ thống chính trị thành phố ngày càng vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ VIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng và tiến tới Ðại hội Ðảng lần thứ XI, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ IX./.
LÊ THANH HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh