Càng gần đến Đại hội XI của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch càng trở nên quyết liệt hơn với những thủ đoạn vừa ngấm ngầm, vừa công khai, trắng trợn, hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng triệt để lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế và sơ hở của ta trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chúng lợi dụng việc xử lý chưa tốt của một số cấp chính quyền, một số cán bộ và cơ quan chức năng trong những vụ việc cụ thể để xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật, gây tâm lý bất mãn, chống đối Đảng và Nhà nước, chống đối chế độ trong một bộ phận nhân dân và cả trong cán bộ, đảng viên.
Chúng ta đều biết rằng, muốn phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố sự đồng thuận xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Không có đoàn kết và đồng thuận, không có ổn định thì không thể phát triển. Các thế lực thù địch cũng hiểu rất rõ điều đó, cho nên chúng dùng mọi cách, sử dụng mọi biện pháp có thể để gây mất ổn định, tạo ra trong xã hội tâm lý bất mãn, chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch tìm mọi cách tiếp cận với những người chúng gọi là “dân oan”, lôi kéo, tạo ra lực lượng chống đối chính quyền, chống đối chế độ. Các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Đảng nhân dân hành động”, “Viễn tượng Việt Nam”, “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam”… ở nước ngoài tập trung chỉ đạo các đối tượng trong nước, phát triển lực lượng nòng cốt trong số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá cách mạng nước ta. Chúng tìm cách tiếp cận và “hỗ trợ” một số công nhân ở các khu công nghiệp đình công, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện. Chúng sử dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng Internet để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phê phán sự điều hành của Chính phủ; kích động tư tưởng chống đối; khai thác những vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội để kích động khiếu kiện, biểu tình, phá rối an ninh, trật tự xã hội. Âm mưu, thủ đoạn chống phá này thật nguy hiểm.
Càng gần đến Đại hội XI của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch càng trở nên quyết liệt hơn với những thủ đoạn vừa ngấm ngầm, vừa công khai, trắng trợn, hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng triệt để lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế và sơ hở của ta trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chúng lợi dụng việc xử lý chưa tốt của một số cấp chính quyền, một số cán bộ và cơ quan chức năng trong những vụ việc cụ thể để xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật, gây tâm lý bất mãn, chống đối Đảng và Nhà nước, chống đối chế độ trong một bộ phận nhân dân và cả trong cán bộ, đảng viên. Điều nguy hiểm là, những thủ đoạn chống phá của chúng dễ làm cho không ít người lầm tưởng rằng đó là những hành động “vì dân”, “vì nước”; là sự “đồng cảm” với nỗi “oan trái” của nhân dân, là hành động “đứng về phía nhân dân”, “bảo vệ nhân dân”, song thực chất là làm cho dân “xa” Đảng và đối lập với Đảng.
Trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, có nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nảy sinh, Đảng và Nhà nước ta đã và đang cố gắng giải quyết để đưa đất nước tiến lên, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Những khuyết điểm, hạn chế của chúng ta là những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình đi lên. Không phải vì những khuyết điểm, hạn chế cụ thể nào đó; không phải vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; cũng không phải vì việc giải quyết chưa tốt vụ việc nào đó mà có thể phủ nhận toàn bộ những kết quả và thành tựu đổi mới, gieo rắc tư tưởng bất mãn chế độ, chống đối Đảng và Nhà nước.
Đảng ta đã từng nhận thức rõ mối nguy hại của tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển đất nước. Đồng thời, Đảng cũng đã và đang thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp kiên quyết thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà gần đây nhất là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục những hạn chế và yếu kém, nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để tiến hành sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Cần nhận rõ rằng, những hoạt động biểu tình, khiếu kiện của nhân dân, công nhân, nông dân theo pháp luật, về bản chất, không phải là những hành động chống đối chế độ, chống đối chính quyền, mà chính là nhằm làm cho việc thực hiện pháp luật của Nhà nước được tốt hơn, nghiêm minh hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng và thực sự của người dân. Có điều là, trong các hoạt động biểu tình, khiếu kiện ấy, nếu để kẻ xấu kích động, lôi kéo, dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật, gây rối, mất trật tự an toàn xã hội, chống đối chính quyền thì lại là điều nguy hiểm. Chắc chắn rằng, tuyệt đại đa số nhân dân ta không mong muốn như vậy, và cũng rất cảnh giác, không làm như vậy.
Song, sự chống phá của các thế lực thù địch là hết sức tinh vi. Chúng cố tình “khuếch đại”, “thổi phồng” những khuyết điểm, hạn chế, sơ hở của các cấp chính quyền, của Đảng và Nhà nước, coi các khuyết điểm, hạn chế đó trở thành vấn đề thuộc bản chất của chế độ, không thể sửa chữa. Và theo chúng, muốn sửa chữa được thì chỉ có thay đổi chế độ! Chúng len lỏi vào trong công nhân, trong nông dân và người lao động, trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo để kích động, lôi kéo và cả “hỗ trợ” về vật chất và tinh thần, làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân dễ dàng mắc mưu của chúng.
Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là toàn Đảng, toàn dân ta càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ nghĩa yêu nước, tình yêu chế độ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, vào tiền đồ tương lai của đất nước, đồng lòng, đồng sức thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo đó, chúng ta cần phải tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, nhất trí cao với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sức mạnh để vô hiệu hóa sự chống phá của các thế lực thù địch. Kiên quyết vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn xấu thổi phồng những sơ hở, yếu kém, hạn chế của Đảng, Nhà nước ta, của các cấp chính quyền, nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định, an ninh của đất nước. Cùng với điều đó, cần chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo quần chúng nhân dân, làm “mất” cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, cần chú ý phát hiện sớm và giải quyết khẩn trương, kịp thời, đúng đắn các vấn đề bức xúc, các điểm “nóng” về khiếu kiện, đình công…, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và người lao động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội đất nước.
Đại tá, PGS.TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
(Nguồn: QĐND)