Sáng 20/8, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng lý luận Trung ương khai mạc tại Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Kỳ họp. Các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cùng 35 đồng chí là lãnh đạo, quản lý, chuyên gia am hiểu sâu sắc lĩnh vực liên quan về chủ đề của Hội thảo đã tham gia thảo luận.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, tác động và phương pháp giải cứu cuộc khủng toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận cơ bản, mang tính định hướng lâu dài cho quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các tham luận tại Hội thảo cũng đi sâu tìm căn nguyên sâu xa, gốc rễ về phương diện lý luận cũng như xác định tầm vóc lịch sử của cuộc khủng hoảng.
Theo các đại biểu, cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này có sức tàn phá và tác động mạnh mẽ, có thể so sánh sự ảnh hưởng của nó với cuộc đại suy thoái thời kỳ 1929-1933. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này, lại có những đặc trưng nổi bật trên nhiều phương diện, đó là cơ chế lan truyền, sức lan tỏa, đặc điểm cấu trúc phức tạp…
Nhiều đại biểu nhận định: Phải chăng sự khác biệt của cuộc khủng hoảng lần này là sản phẩm của quá trình toàn cầu hóa?. Nếu đúng như vậy, thì cơ chế vận hành, nguyên nhân và hậu quả cuộc khủng hoảng sẽ có rất nhiều đặc trưng mới, đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế cần tập trung làm rõ để có quyết sách đối phó hiệu quả.
Đề cập đến những “ Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu“, TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế không thể đảo ngược. Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế có sức sống, có động lực khuyến khích sáng tạo và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, hợp lý. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, dù còn nhiều bất định cả về thời điểm chạm đáy và những hệ quả nó, đã mang lại cho các nước cả những thách thức và cơ hội.
Là một nước đang phát triển tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần chủ động lựa chọn những biện pháp, chính sách nhằm tận dụng những cơ hội, đối phó với những thách thức từ cuộc khủng hoảng. Dưới góc độ chính sách, lựa chọn chính sách chỉ phù hợp nếu có sự bám sát và thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước (nhất là những động thái của các nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam cũng như các định chế tài chính lớn, có lợi ích ở Việt Nam) đánh giá và dự báo diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng chính sách thích hợp và kịp thời.
GS .TS Nguyễn Văn Nam ( Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã trao đổi về các mô hình lý thuyết về khủng hoảng tài chính và yêu cầu bổ sung khung lý thuyết mới cho hệ thống ngân hàng- tài chính Việt Nam qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008...
Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu và thành viên Hội đồng như: “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và các lý thuyết kinh tế” của GS.TSKH Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương); “Lý thuyết Cầu hiệu quả của J.M.Keynes với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay” của PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Viện Khoa học xã hội Việt Nam); “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế - Những thách thức về lý thuyết kinh tế” của TS Lê Đăng Doanh (Viện Nghiên cứu phát triển); “Khủng hoảng kinh tế thế giới và bài học cho Việt Nam” của TS Lê Hồng Nhật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)...
Kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc đến ngày 21/8./.
TG- VOVNews