Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 16/1/2012 22:28'(GMT+7)

Bài toán khó trong bảo tồn dân ca, nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Con Cuông - Nghệ An

Tiết mục văn nghệ của các cháu học sinh dân tộc Thái (Môn Sơn - Con Cuông - Nghệ An) mừng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tiết mục văn nghệ của các cháu học sinh dân tộc Thái (Môn Sơn - Con Cuông - Nghệ An) mừng trường đạt chuẩn quốc gia.

Con Cuông (Nghệ An) là huyện miền núi vùng cao biên giới, có 7 dân tộc anh em Thái, Kinh, Đan Lai, Tày, Hoa, Khơ Mú và Ê Đê cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Con Cuông là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào như: truyện dân gian, truyện cổ tích, trường ca, những làn điệu dân ca như khắp, xuối, nhuôn…cùng các nhạc cụ như: khèn, bè, pí, xi xa lo, boong bu, tập tính…được sáng tạo trong lao động, sinh hoạt lễ hội dân gian của đồng bào Thái, thể hiện nếp sống văn hoá tâm linh và văn hoá cộng đồng.

Cùng với dòng chảy của thời gian, sự phát triển của xã hội hiện đại, văn hoá các dân tộc không chỉ khép kín trong cộng đồng, tộc người, vùng miền… mà đã có sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Văn hoá Thái nói riêng, văn hoá đồng bào các dân tộc khác nói chung đều chịu ảnh hưởng, tác động của văn hoá phương Tây, một số thanh niên miền núi hiện nay không còn gắn bó với nền văn hoá cội nguồn, bị cuốn hút bởi những trò chơi giải trí thiếu lành mạnh từ văn hoá ngoài luồng. Hơn nữa, chương trình sinh hoạt Đoàn, hội, đội... hầu hết đều vắng bóng các tiết mục hát dân ca Thái và các loại nhạc cụ dân tộc. Bởi vậy mà cội nguồn văn hoá truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Khi trao đổi với Nghệ nhân Vi Văn Minh (Bản Tờ, xã Yên Khê - Con Cuông), ông trăn trở: Hiện tại chỉ còn rất ít người trẻ học hát ru và các làn điệu ca khác của dân ca Thái, đa số các cháu thích hát các loại nhạc mới, các bài hát “giật gân”. Chúng tôi lo rằng chỉ ít năm nữa các làn điệu dân ca cổ truyền không những chỉ của dân tọc Thái mà cả các dân tộc khác cũng bị mai một

Bảo tồn vốn cổ - bài toán khó

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc, từ đầu năm 2008 đến nay, huyện Con Cuông đã thành lập các câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, dân ca Thái ở các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, Lạng Khê... Thành viên của câu lạc bộ là những nghệ nhân cao tuổi và hội viên hội phụ nữ có năng khiếu thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ cổ. Các thành viên hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Điều đó chứng tỏ phong trào gìn giữ các thể loại âm nhạc dân ca dân tộc ở huyện Con Cuông, đang được khôi phục dần theo chiều hướng tích cực.

Nghệ nhân Lương Văn Qui, 58 tuổi, dân tộc Thái là người luôn say mê với cây đàn Xi Xo và những bài hát, điệu múa Thái. Đây là một bài khắp với nội dung ướm ý, ướm duyên sâu lắng được ông sưu tập:

Nam: em ới!... khi ta nhỏ ta lấy quả bưởi làm trâu để dắt, quả dưa làm em để bế, đôi ta lấy lòng lạt tre để làm vòng cổ cùng đeo. Anh thích em từ khi còn bé, anh yêu em nhưng bố mẹ em chưa bằng lòng.

Nữ : anh ơi…! khi ta nhỏ ta lấy quả bưởi làm trâu để dắt, quả dưa làm em để bế, đôi ta lấy lòng lạt tre để làm vòng cổ cùng đeo, Em cũng muốn về làm dâu nhà anh, nhưng tại trời không xe duyên…”.

Theo tiếng đàn xi xo của ông, các điệu múa của các bà, các chị thêm uyển chuyển. nhịp nhàng, các mẹ, các chị, các em đẹp hơn trong chiếc áo cóm cúc bạc và chiếc váy thổ cẩm. Những điệu múa, bài hát và các loại nhạc cụ dân ca, dân tộc Thái được ông sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy lại cho các con, các cháu, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần.

Nghệ nhân Lương Văn Qui - Hội viên CLB dân ca Thái Bản Tờ, xã Yên Khê - bày tỏ: Nét đẹp truyền thống này đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào Thái. Điệu múa Lăm Vông là đặc trưng của đồng bào Thái huyện Con Cuông, trong các ngày lễ, tết của bà con, điệu múa này không thể thiếu, khi người ta vui múa bên nhau, chúc tụng những chén rượu nồng mang hương vị núi rừng.

Điều đáng nói ở đây, các câu lạc bộ được thành lập ra nhưng còn gặp nhiều khó khăn như: Người biết chế tạo các loại nhạc cụ dân tộc, hoặc thể hiện các làn điệu lăm, khắp, xuôi, nhuôn ngày càng ít đi, các nghệ nhân tuổi càng cao, trí nhớ càng kém, nên việc truyền đạt có phần hạn chế.

Ngoài ra đa số các câu lạc bộ chưa thu hút được các bạn trẻ tham gia sinh hoạt, nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kinh phí và thời gian.

Trong những năm gần đây, huyện Con Cuông luôn cố gắng khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Điều đó được thể hiện qua các phong trào sinh hoạt, thi hội diễn văn hoá, văn nghệ dân gian, múa hát dân ca, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc, các chương trình văn nghệ quần chúng, mang tính cộng đồng cao. Bước đầu, những hoạt động này đã có tác động vào công cuộc xây dựng bản làng văn hoá, thực hiện nếp sống mới trên quê hương Con Cuông - Nghệ An./.

Phùng Văn Mùi
Huyện uỷ Con Cuông - Nghệ An

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất