Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 7/1/2012 16:29'(GMT+7)

Nâng cao tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn âm nhạc

Tất nhiên, không thể phủ nhận thời gian qua vẫn xuất hiện những điểm sáng mang đến nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà: Một Tùng Dương ngày càng chín trong phong cách biểu diễn; một Uyên Linh đang dần trưởng thành, một Lê Cát Trọng Lý làm thành hiện tượng âm nhạc với các sáng tác trong sáng, tự nhiên như gió, như nước... Những người trẻ ấy đã chinh phục đông đảo khán giả bằng chính cống hiến nghệ thuật của mình. Song những nỗ lực ấy dường như trở nên quá yếu ớt trước đà tuột dốc khó phanh của đời sống âm nhạc đương đại với vô vàn chuyện phản cảm. Thực trạng ấy đã quá rõ ràng, nên xin được bàn nhiều hơn đến những nguyên nhân.

Về mặt chủ quan, không thể không đề cập đến những yếu tố thuộc về chính đội ngũ sáng tác âm nhạc, bởi tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn thể hiện trước hết trong giai điệu, ca từ. Nói đến nhạc Việt hiện nay, người ta có xu hướng chê nhiều hơn khen bởi xuất hiện quá nhiều nhạc nhái, nhạc chợ. Nói như nhạc sĩ An Thuyên, âm nhạc nước ta đang ở trong một "vùng trũng", khi mà cái hay thì đã cũ, mà cái mới thì chưa hay. Thêm vào đó, việc sáng tác âm nhạc phổ biến theo tiếng gọi của nền kinh tế thị trường tất yếu tạo thành lỗ hổng về chất lượng sáng tác âm nhạc. Hay sao được khi âm nhạc cũng trở thành hàng hóa để mua bán, trở thành cần câu cơm, để rồi thậm chí có người sáng tác những ba bài nhạc chỉ trong một ngày và sau đó, tự xưng mình là nhạc sĩ. Kéo theo đó là những bài hát loanh quanh vài giai điệu, chẳng rõ nội dung mà phần nhiều là những tiếng gào, hét, thét, hú...

Nếu như nhạc sĩ là người sáng tạo nên tác phẩm âm nhạc thì ca sĩ chính là người mang đến sức sống cho tác phẩm âm nhạc ấy. Một sáng tác có được công chúng yêu mến hay không phụ thuộc phần lớn vào tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn của ca sĩ, từ giọng hát đến phong cách, sự biểu cảm. Nhưng có một thực tế là để mau chóng nổi tiếng, một số người đã cố tình vi phạm những quy chuẩn thẩm mỹ về thời trang, về cách diễn. Thậm chí, họ còn cố tình tìm đến những thứ nhạc chợ, nhạc nhảm, lợi dụng truyền thông, lợi dụng dư luận để tạo xì-căng-đan. Công chúng thì không quan tâm là do vô tình hay hữu ý, chỉ biết rằng đó luôn là đề tài nóng được đưa ra bàn luận trong những cuộc nói chuyện, và vô hình trung, ý đồ đánh bóng tên tuổi của ca sĩ đã thành công.

Bên cạnh những yếu tố chủ quan thuộc về người sáng tác và trình diễn, sự lệch lạc thẩm mỹ trong biểu diễn âm nhạc hiện nay còn có căn nguyên sâu xa từ những yếu tố khách quan. Trong bối cảnh thế giới phẳng, nhạc Việt đã mau chóng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố của âm nhạc phương Tây. Ðiển hình là sự vay mượn các yếu tố văn hóa Ðông-Tây và xu hướng đời thường hóa nội dung chuyển tải trong các tác phẩm âm nhạc. Ðây là dấu hiệu tích cực để âm nhạc gần hơn với cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, sẽ là đi ngược lại quy chuẩn thẩm mỹ. Bởi sự vay mượn quá đà sẽ dẫn đến hình thành những tác phẩm cóp nhặt theo kiểu na ná giống nhau, sự đời thường hóa quá đà cũng sẽ dẫn đến việc coi trọng những yếu tố nhìn nhiều hơn nghe trong nghệ thuật biểu diễn. Và rõ ràng, âm nhạc Việt Nam đang bộc lộ những dấu hiệu khó cưỡng lại của sự quá đà này. Cuộc sống liên tục chuyển mình, những quy chuẩn đạo đức, thẩm mỹ nói chung và quy chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn nói riêng vì thế cũng có nhiều thay đổi để phù hợp thời đại. Song như thế nào là phù hợp, đây là câu hỏi không dễ trả lời. Ranh giới giữa sáng tạo và phản cảm đôi khi rất mong manh, chỉ cần bước khẽ qua cũng đã tạo thành những thảm họa trong âm nhạc.

Hơn nữa, trên thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay, thị phần chủ yếu hướng đến giới trẻ ở độ tuổi teen-lứa tuổi còn chưa chín chắn trong suy nghĩ và khá thoáng trong tiêu xài cũng như cảm thụ âm nhạc, dẫn đến dễ bằng lòng với những sáng tác, cách thể hiện kém chất lượng. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân cổ súy cho dòng nhạc chợ và phong cách diễn gây phản cảm. Thiết nghĩ, dù thời thế có thay đổi đến đâu thì yếu tố sáng tạo cũng cần bảo đảm quy chuẩn thẩm mỹ, mà quy chuẩn ấy nằm trong sự cho phép của những yếu tố thuộc về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, nằm trong nếp nghĩ, nếp sống của dân tộc.

Ngoài ra, cũng cần khách quan thừa nhận rằng, góp phần làm bùng nổ những xì-căng-đan gây sốc trong đời sống âm nhạc là sự giúp sức không nhỏ của báo chí truyền thông, nhất là loại hình báo mạng. Xu hướng thương mại hóa hoạt động truyền thông khiến báo chí không ngừng tìm kiếm những thông tin lạ, độc nhằm ăn theo hội chứng đám đông. Vì thế, những câu chuyện hậu trường, những chuyện riêng tư, những tai nạn trong biểu diễn... trở thành nguồn đề tài gây sốt mà báo chí săn đón. Khi có một sự cố gây phản cảm của ca sĩ xảy ra, hàng trăm báo đua nhau đưa tin, phân tích, bình luận với những dòng tít đầy úp mở: Ca sĩ này lộ trên hở dưới, ca sĩ nọ mặc quần như không... Ðó cũng chính là lúc các tờ báo đã tự "lá cải hóa" nội dung thông tin của mình, vô tình tiếp tay cho ý đồ muốn được đánh bóng thương hiệu của nghệ sĩ.

Thực trạng trên là câu hỏi mà trách nhiệm trả lời phần lớn thuộc về những cơ quan quản lý âm nhạc. Sự chồng chéo, lỏng lẻo trong cơ chế quản lý dẫn đến sự thiếu kiểm soát khi cấp phép cho những tác phẩm nhạc chợ. Các chính sách về vấn đề bản quyền cũng chưa được coi trọng dẫn đến sự ra đời của nhiều tác phẩm mang danh đạo nhạc. Việc tổ chức những chương trình âm nhạc hiện nay không chỉ thuộc về các đài truyền hình, các cơ quan Nhà nước, mà còn thuộc về các đơn vị tư nhân, các đơn vị tổ chức sự kiện, các quán cà-phê... Bởi những đơn vị này cũng được cấp phép để tổ chức biểu diễn và đây chính là không gian góp phần để những tác phẩm nhạc kém chất lượng và các hiện tượng tạo xì-căng-đan trong biểu diễn bùng nổ. Hiện trạng này là hệ quả tất yếu của khâu kiểm duyệt thiếu chặt chẽ trước khi diễn ra chương trình biểu diễn. Thậm chí, ở nhiều sự kiện lớn, buổi chiều diễn ra chương trình mà buổi sáng, những người thực hiện còn chưa chốt được hết các nghệ sĩ sẽ hát gì, diễn gì. Trong một số chương trình, ca sĩ còn nổi hứng hát thêm nhiều bài mới hoặc bài tự sáng tác mà chưa hề qua kiểm duyệt.

Ðể nâng cao tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn âm nhạc, trước hết, cơ quan quản lý cần thống nhất một bộ phận có chuyên môn cao để thẩm định, đánh giá chất lượng những tác phẩm âm nhạc mới trước khi cho công bố, tránh tình trạng chồng chéo quyền hạn trong việc cấp phép biểu diễn. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một quy chuẩn về trang phục biểu diễn, đẩy mạnh khâu kiểm duyệt trước sự kiện để tránh những sự cố không như ý xảy ra trong quá trình biểu diễn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có những chế tài đủ mạnh, có quy định rõ ràng cả về mặt kinh tế và tác nghiệp để xử lý chính xác, triệt để những vi phạm trong vấn đề bản quyền sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, từ đó tạo hiệu ứng răn đe và định hướng thẩm mỹ trong biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra và kiểm duyệt trước và sau sự kiện cũng cần được đẩy mạnh. Cùng với Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin có chọn lọc, tập trung tuyên truyền cho những sự kiện, chương trình âm nhạc có chất lượng, có giá trị nghệ thuật và phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc. Từ đó, góp phần định hướng cho công chúng trong việc thưởng thức âm nhạc.

Tất cả những biện pháp nói trên cần được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành có liên quan. Ðể đẩy lùi những bất cập trong đời sống âm nhạc, nhất thiết cần cụ thể hóa những quy chuẩn về việc cấp phép biểu diễn, xử lý vi phạm bản quyền, vi phạm biểu diễn... nói trên thành những quy định rõ ràng trong một bộ luật riêng về biểu diễn nghệ thuật. Song thiết nghĩ, bên cạnh khả năng thực thi mang tính dứt khoát, mạnh mẽ của luật, yếu tố chính quyết định giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật biểu diễn vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự trau dồi kiến thức, đạo đức nghề nghiệp của những người nghệ sĩ.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất