Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 27/12/2011 10:39'(GMT+7)

Từ quan niệm của Hồ Chí Minh nhìn nhận về sự phát triển văn hóa hôm nay

Múa khèn Mông trong chợ tình Khau Vai (Hà Giang) 2011. (Ảnh: Xuân An/QĐND).

Múa khèn Mông trong chợ tình Khau Vai (Hà Giang) 2011. (Ảnh: Xuân An/QĐND).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sứ mệnh của văn hóa: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”(1). Ý kiến này nêu bật mối quan hệ hữu cơ giữa văn học nghệ thuật với hiện thực cuộc sống, văn học nghệ thuật phải bám lấy hiện thực, lấy đó là đối tượng miêu tả.

Về vị trí, vai trò của văn hóa, ngay trong khi nước nhà khó khăn, Hồ Chí Minh đã thấy văn hóa là mặt trận quan trọng. Người nêu rõ: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”(2). Về quan hệ giữa các phương diện này, Người dứt khoát khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(3).

Khẳng định vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng với tất cả các hình thái ý thức xã hội nhưng Chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra tính độc lập tương đối của văn học nghệ thuật. C. Mác đã chứng minh, trong xã hội loài người có các thời kỳ phồn thịnh của văn nghệ không nằm cùng thời đại phồn vinh về kinh tế. Vận dụng quy luật này vào hiện thực đất nước ta hôm nay để cùng nhau khẳng định: Chúng ta không “đợi” cho kinh tế phát triển mạnh, đi trước rồi mới phát triển văn hóa. Nếu có ai suy nghĩ rằng phải tạo mọi điều kiện cho kinh tế phát triển trước còn văn hóa tính sau (và có nhiều người đã nghĩ như vậy) là hiểu Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh còn phiến diện. Ngay từ đầu những năm kháng chiến chống Pháp (1948), Bác Hồ đã nêu một khẩu hiệu bất hủ: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói ấy của Người đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải xác định một tư cách chiến sĩ. Mà người chiến sĩ trên mặt trận, dù ở mặt trận nào, vấn đề trước hết là tư tưởng. Bác Hồ chỉ rõ: “Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(4).

Đối với một cá nhân, vấn đề tư tưởng lập trường là cả một quá trình phát triển tâm lý, nhận thức, ở thời kỳ này vững vàng nhưng thời kỳ sau có khi lại nghiêng ngả và ngược lại. Do vậy, dễ hiểu có văn nghệ sĩ hy sinh gần cả đời cho cách mạng, cho Tổ quốc, thời kỳ kháng chiến thì bản lĩnh kiên định, có người trực tiếp cầm súng đánh giặc cực kỳ anh dũng, nhưng ở ngày hôm nay thì lại khác, có những tác phẩm, hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Ai quản lý, ai chịu trách nhiệm bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục tư tưởng lập trường cho văn nghệ sĩ? Địa phương, cơ quan chủ quản, các hội chuyên ngành…? Hay có tình trạng thả nổi? Chúng ta phải coi đây là một việc cực kỳ quan trọng. Đó là một trong những nguy cơ từ bên trong. Còn kẻ thù tư tưởng từ bên ngoài, hết sức thâm độc, cả tinh vi, cả trắng trợn đang ngày đêm chống phá chúng ta qua những kênh truyền thông lợi hại rất khó kiểm soát. Chúng ta không thể khoanh tay bị động hoặc tổ chức “đánh trả” sau khi đã “có vấn đề” mà phải có chiến lược bài trừ tận gốc, có chiến lược tăng “sức đề kháng” cho bạn đọc.

Từ quan niệm “Văn hóa xa rời đời sống, xa lao động là văn hóa suông”, Bác Hồ đề ra một hướng đi cho văn hóa: “...chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc thiết thực và rộng rãi, để giúp sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó tôi thiết tưởng các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”(5). Tôi xin phép nhấn mạnh cụm từ: Cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng. 

Văn học hôm nay, bên cạnh những thành công rất đáng khuyến khích cũng có những hạn chế cần khắc phục mà biểu hiện dễ thấy là có những cuốn sách của một số ít cây bút sa vào khai thác những đề tài “giật gân” mang tính câu khách xa lạ với đời sống sinh hoạt tinh thần của người Việt. Những năm kháng chiến, chúng ta đã tổ chức tốt cho văn nghệ sĩ “đi sâu vào quần chúng” bằng những chuyến đi thực tế dài ngày, nhờ đó họ có những tác phẩm để đời. Chủ nghĩa Mác quan niệm hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức. Văn nghệ là một hình thái ý thức nên càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút chất dinh dưỡng cuộc đời. Thoát ly hiện thực, nghệ thuật không thể tươi xanh. Một căn bệnh của văn nghệ ta hôm nay mà rất nhiều người chỉ ra là bệnh nhạt. Một nguyên nhân của căn bệnh nhạt ấy là do thiếu chất muối mặn mòi của đời sống, do nhà văn ít vốn sống, thiếu thực tế.

Từ nhận thức về quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn văn hóa văn học hôm nay, chúng tôi xin rút ra các khuyến nghị:

Một là, quán triệt sâu sắc và cụ thể hơn nữa quan điểm của Đảng, coi đó là linh hồn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Đó là định hướng nền tảng, cần tổ chức quán triệt kỹ, thực hiện đồng bộ ở các tổ chức từ Trung ương đến cơ sở.

Hai là, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, tài trợ cho sự ra đời của các tác phẩm văn học có giá trị. Đồng thời cần chấn chỉnh công tác xuất bản, hạn chế và loại bỏ những tác phẩm đi theo thị hiếu tầm thường.

Ba là, tổ chức văn nghệ sĩ thâm nhập vào cuộc sống nơi vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo, các trọng điểm kinh tế, thậm chí là các điểm nóng tiêu cực để sáng tạo, phản ánh những gì cập nhật nhất, nóng bỏng nhất.

Bốn là, cần có một tổ chức chuyên nghiên cứu những quan điểm, luận điểm phản văn hóa của các thế lực phản động để có những phản ứng kịp thời, định hướng dư luận, vạch trần mặt trái, tạo ra sự lành mạnh, tin tưởng vào đường lối văn hóa của Đảng./.

PGS,TS. Nguyễn Thanh Tú

______________________________


(1),(3),(4),(5) Bàn về văn hóa và văn nghệ - Nxb Văn hóa - Nghệ thuật, 1963, tr16, tr18, tr17, tr16.

(2) Báo Cứu quốc số ra ngày 9-10-1945. Chuyển dẫn từ Hà Huy Giáp - Hồ Chủ tịch với một vài vấn đề văn hóa, văn nghệ - Nxb Sự thật, 1965, tr55


(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất