Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 15/2/2012 21:49'(GMT+7)

Bản lĩnh văn hoá và “bộ lọc” trong quá trình hội nhập

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đã từng có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề: ngoài toàn cầu hóa về kinh tế, có toàn cầu hóa về văn hóa hay không? Trả lời cầu hỏi này, cần phải đặt văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế và chính trị, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại. Trong tổng thể đó, văn hóa không thể tránh khỏi sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, có điều là ở mức độ tác động khác nhau mà thôi. Xin được đề cập một số nội dung sau:

Bản lĩnh văn hóa Việt Nam trước thách thức của quá trình toàn cầu hóa

Bản lĩnh văn hóa có thể hiểu là sức đề kháng của một dân tộc trước sự tác động của các nền văn hóa khác, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Phát huy bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, chính là việc nuôi dưỡng và bồi đắp sức sống cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trước sự tác động đa chiều của thời đại.

Toàn cầu hóa vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa. Vì thế, hơn lúc nào hết, dân tộc ta phải tỏ rõ quyết tâm, ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, phát huy bản lĩnh văn hóa đã được hun đúc, bồi đắp qua hàng ngàn năm.

Trong quá khứ, nền văn hóa nước ta luôn đứng trước những thách thức quyết liệt. Các thế lực xâm lược luôn tìm cách áp đặt vào Việt Nam các sản phẩm văn hóa ngoại lai, âm mưu đồng hóa để dễ bề cai trị. Nhưng bản sắc văn hóa người Việt có sức đề kháng mạnh mẽ, làm thất bại mọi âm mưu đồng hóa của các thế lực thù địch. Cùng với chiều dài lịch sử, dân tộc ta luôn tỏ rõ bản lĩnh văn hóa của mình. Bản sắc ấy tồn tại cho đến ngày nay, trở thành nền tảng tinh thần của người dân, của dân tộc Việt Nam.

Ở thời đại mới, những cuộc “xâm lăng văn hóa” mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn với nhiều con đường, hình thức khác nhau. Cùng với quá trình toàn cầu hóa sẽ có nhiều cái lạ, nhưng không phải cái lạ nào cũng xấu; sẽ có nhiều cái mới, nhưng không phải cái mới nào cũng tốt. Lối sống thực dụng, sùng bái vật chất, ích kỷ, sa đọa, tàn bạo, lạnh lùng… không phải là truyền thống của văn hóa người Việt, nhưng nó đang từng ngày, từng giờ hình thành và phát triển ở nước ta, đe dọa sự sống còn của bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta không vững vàng thì sẽ chịu những hậu quả khó lường, nhất là đối với thế hệ trẻ, với văn hoá dân tộc tưng lai.

Trước đây, ở một số nước châu Á đã từng xuất hiện khuynh hướng cho rằng: muốn phát triển đất nước, muốn hiện đại hóa thì phải vứt bỏ những gì mang tính quốc gia - dân tộc để đi theo “phương Tây” - nơi có nền kinh tế phát triển. Những ai có quan niệm trên chắc không nhận thức được rằng: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… hiện là những “con rồng châu Á”, đã và đang khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế không phải bằng con đường “Tây hóa” mà bằng chính bản lĩnh dân tộc, tinh thần và bản sắc văn hóa của họ.

Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu chiến lược của mọi quốc gia, nhưng chủ thể kinh tế lại là con người, mà thước đo trình độ phát triển con người là văn hóa. Vì thế, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa. Nếu coi nhẹ việc phát triển văn hóa, dễ dẫn đến tình trạng đánh mất mình, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Ngay cả một số quốc gia tiến bộ phương Tây cũng thừa nhận: những tiến bộ về kinh tế làm tăng mức sống nhưng đôi khi lại gây rối loạn cuộc sống của chính con người và môi trường.

Lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, “bộ lọc” cho quá trình hội nhập

Giao lưu là quy luật phát triển của văn hóa. Trong bối cảnh mới hiện nay, văn hóa cần phải mở rộng hơn nữa để tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại, làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Điều gây bàn luận nhiều nhất hiện nay là chúng ta cần tiếp thu cái gì? và tiếp thu như thế nào?

Bảo vệ và phát huy bản lĩnh văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại là hai mặt thống nhất của một vấn đề. Trong quá trình giao lưu, phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, làm “bộ lọc” cho quá trình giao lưu, tiếp biến đó. Đồng thời, tích cực lĩnh hội những yếu tố văn hóa tiến bộ, phù hợp để làm giàu cho bản sắc dân tộc mình.

Bên cạnh đó, để bản sắc văn hóa dân tộc trở thành “bộ lọc” tốt, phải xác định rõ ranh giới giữa tinh hoa văn hóa và các yếu tố lạc hậu trong văn hóa truyền thống. Tinh hoa văn hóa có tính bền vững truyền từ đời này sang đời khác, sống mãi với một dân tộc. Nhưng do sự hạn chế có tính lịch sử, văn hóa quá khứ chứa đựng những yếu tố lạc hậu, trở thành vật cản của sự phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, một khi buông lỏng quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, thì lập tức mặt trái của cơ chế thị trường tạo điều kiện cho những mặt trái của văn hóa quá khứ, (như hủ tục, lệ làng, mê tín dị đoan, tư duy tiểu nông, lối sống lạc hậu…) phát triển nhanh chóng. Cùng nằm trong khuôn khổ của văn hóa quá khứ, nên việc tìm ra ranh giới này không phải là đơn giản, dễ nhầm lẫn hoặc rơi vào máy móc, làm tổn hại đến giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì thế, việc xác định ranh giới đó là rất cần thiết, nhằm góp phần làm sáng rõ giá trị đích thực của bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi thời đại.

Theo quan điểm của GS. Đinh Xuân Lâm (Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS,TS. Bùi Đình Phong (Học viện CT-HC Quốc gia HCM), trước sự tác động của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa tác động đến bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta phải có thái độ “biết mình biết ta” để giữ gìn và chắt lọc, biết “mở cửa”, “đóng cửa” thì ắt thành công (1).

Biết mình, tức là nhận thức về mình. Không ai có thể phủ nhận được sức mạnh và giá trị trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng những giá trị đó là vô biên hay vẫn có giới hạn? Có những khuyết tật trước đây chưa bộc lộ hay bộc lộ ít, do tính chất của lịch sử, nhưng trong thực tế hiện nay, nó lại bộc lộ rõ rệt hơn. Nếu như chúng ta không can đảm nhận ra sự thật, bảo thủ trì trệ với tất cả những gì mình đã và đang có thì rất nguy hại đến giá trị thực thụ của nền văn hóa dân tộc. Nó không những không bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc mà còn làm hao mòn những giá trị đó đi.

Biết ta, tức là phải nhận thức đầy đủ bối cảnh quốc tế mới sẽ còn nhiều biến động. Đó là quá trình phát triển nhanh, mạnh và toàn cầu hóa trên lĩnh vực thông tin, khoa học và công nghệ, thương mại và dịch vụ… Nó tạo ra khả năng trao đổi trí tuệ, thông tin nhanh nhạy, với một phạm vi rộng và phong phú từ nhiều nguồn. Mặt khác, bối cảnh quốc tế đó cũng sẽ là nguy cơ làm đồng hóa nền văn hóa thế giới, đe dọa và làm suy giảm khả năng sáng tạo những giá trị văn hóa tích cực của từng quốc gia dân tộc. Nền kinh tế thị trường, trong xu thế toàn cầu hóa có xu hướng biến di sản văn hóa trở thành hàng hóa, kể cả con người.

Một dân tộc chỉ biết mỗi “làm giàu” là dân tộc thiếu chiều sâu. Mục tiêu mà Đảng ta đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là sự kết hợp các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém; ngược lại, có một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kinh tế và văn hóa phát triển hài hòa trong sự phát triển của xã hội, để kinh tế không phá hoại văn hóa và văn hóa không cản trở sự phát triển kinh tế. Làm thế nào để kinh tế thị trường và bản sắc văn hóa dân tộc không mâu thuẫn với nhau, không kìm hãm sự phát triển lẫn nhau. Giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ là động lực lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước; cho Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh!./.

Hồ Thanh Hải

______________________

(1) http:// thongtinphapluatdansu.wordpress.com

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất