Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 13/2/2012 21:33'(GMT+7)

Chuyện về O Nhạn- người phát thanh viên ở vĩ tuyến 17

O Nhạn hiện nay.

O Nhạn hiện nay.

Tiếng nói từ lũy thép

Bám trụ đất lửa 20 năm với vai trò là một phát thanh viên, phóng viên kiêm biên tập viên, người con gái mang tên Nguyễn Thị Kim Nhạn đã trở thành linh hồn của đài truyền thanh Vĩnh Linh. Hình ảnh người con gái hiên ngang đó đã được ghi lại trong những cảnh đầu của bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Người dân hai bờ sông Bến Hải yêu quý, gọi cô bằng cái tên trìu mến “O Nhạn”. Nay O đã 80 tuổi nhưng ký ức của những ngày tháng hào hùng nơi tuyến lửa trong o vẫn còn vẹn nguyên….

Năm 1956, sau khi Đài truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập, O Nhạn được tuyển vào đài. “Trong thời gian tập kết ra Bắc cùng gia đình, tôi học lớp sư phạm và theo nghề dạy học. Khi đài Vĩnh Linh thành lập, không có người đọc, tôi vào thử giọng và làm việc luôn. Giọng Huế mình đọc nhẹ và yếu lắm, mấy anh trong đài phải thường xuyên động viên: “O đọc mạnh lên, tùy chương trình, bản tin mà thay đổi sắc thái cho phù hợp”. Cuối cùng, yêu cầu nào tui cũng đáp ứng được, chỉ có những sắc thái của giọng Huế khi phát âm từ anh, ăn, muốn… thì không cách chi sửa được”, O cười.

Hàng ngày, O Nhạn phụ trách đọc các chương trình chống càn, dồn dân; chương trình binh vận; Nhắn tin về Nam… Mở đầu chương trình bao giờ O cũng đọc câu khẩu hiệu: Đây là đài truyền thanh Vĩnh Linh. Vĩnh Linh là tuyến lửa ác liệt nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vĩnh Linh là lũy thép kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc… Tiếng loa cất lên như tiếng sấm rền, khiến kẻ thù cay cú, chúng dọa giết, dọa cắt lưỡi O Nhạn nhiều lần khiến bà con lo lắng. Những khi O Nhạn về xã dự họp hoặc ra mặt trận tác nghiệp, người dân, chiến sĩ gặp O đều tay bắt, mặt mừng: “O Nhạn đây à!”

Đài thiếu cán bộ nữ, một mình O Nhạn nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng O không bỏ sót chương trình phát thanh nào. Có ngày cao điểm, O thực hiện 7-8 buổi phát, mỗi buổi khoảng 1 giờ 30 phút. Những khi làm chương trình đột xuất theo yêu cầu của trên, O đọc suốt 3 tiếng liền, con nhỏ phải bồng theo, nhờ các anh ở phòng kỹ thuật trông giúp. Có khi làm phát thanh lưu động trong tiếng bắn phá của đạn pháo, cả ê-kíp vừa phát, vừa di chuyển tránh thương vong, cả đêm không có chi vô bụng, may nhờ bà con mang khoai tới cho anh em cầm cự. “Đói, khổ vậy nhưng khi đọc là mình quên hết, phải thể hiện bản tin một cách truyền cảm, bình tĩnh. Bà con nghe giọng mình họ sẽ yên lòng nên anh em quyết tâm không để đứt sóng”, O Nhạn bồi hồi nhớ lại.

Làm việc cường độ cao, có giai đoạn, O Nhạn bị tắt tiếng, nhiều khi cơ miệng cứng lại, không thể đọc các từ có chữ c, tr… Đó là một trong những triệu chứng chung của một vài phát thanh viên thời kỳ ấy, lập tức O được cử ra Đài Tiếng nói Việt Nam chữa bệnh và học điều chỉnh lại cơ miệng trong vòng nửa tháng.

Ký ức không phai

Tùy theo diễn biến trên chiến trường và chỉ đạo của cấp trên mà đài giới tuyến thực hiện những chương trình khác nhau. Những cuộc đấu loa dữ dội trên mặt trận thông tin ở cầu Hiền Lương là một trong những ký ức khó phai của những ai từng là dân giới tuyến. Địch cay cú, nhiều lần quyết triệt phá trạm thu phát của đài. Tháng 2 năm 1965, giặc Mỹ và tay sai tổ chức bắn phá 82 lần xuống thị trấn Hồ Xá, đường dây tải điện bị hư hỏng nên hệ thống loa ở sông Bến Hải không hoạt động được. Chúng lu loa trên đài của chúng: “Phóng viên, phát thanh viên đài Vĩnh Linh chết hết! Con Nhạn chết rồi”. Sợ bà con bờ Nam hoang mang, Bí thư Hồ Sỹ Thản lúc ấy chỉ đạo đài phải làm ngay một chương trình lưu động đập tan âm mưu của kẻ thù. O Nhạn ngồi dưới một bờ kè chờ sẵn, còn đồng đội thì xách loa chạy ra điểm cao nhất ở Hói Cụ bên bờ Bến Hải để bà con nghe được rõ. Khi O vừa cất lời: “Mời các bạn nghe chương trình phát thanh lưu động” thì nghe tiếng lao xao bên bờ Nam. Một đồng chí chạy đến bên O thì thào: Bà con hô: Đài quốc gia nói láo! O Nhạn còn sống”! O đọc to lên! Dân mình ra nghe đông lắm. “Nước mắt tôi trào ra vì cảm động và sung sướng. Bên ngoài, tiếng súng bắn qua ngày càng nhiều, tôi giữ bình tĩnh, cố đọc to hơn”, O Nhạn hồi tưởng, đôi mắt rưng rưng…!

Tiếng nói của khát vọng độc lập tự do qua giọng đọc truyền cảm của người con gái Huế như luồng sét đánh vào tâm lý của những người lầm lạc đang cầm súng chống lại đồng bào mình. Bà Ngọc, một người quê ở Vĩnh Linh lúc ấy kể rằng, một số cảnh sát ngụy háo hức đứng xem văn nghệ, nghe chương trình “Nhắn tin về Nam”. Một anh lính tên Thắng đã ôm súng vượt sông Bến Hải về với nhân dân. Để có được những thành quả trong công tác binh vận đó, ít ai biết người con gái Huế ấy đã nén chặt trong lòng bao nỗi đau thời chiến để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà cách mạng giao phó. Một người con trai của O bị bom đánh sập hầm chấn thương, không thể nói và nghe được. Vì không có điều kiện đưa con ra Hà Nội điều trị sớm và phải duy trì công tác phát triển đài, O tạm gác tình riêng, bám trụ đất thép. Đến nay, dù các con đã lớn và lập nghiệp nhưng vợ chồng O Nhạn vẫn sống với người con trai này như để bù đắp lại những thiệt thòi mà con phải gánh chịu. Sự hy sinh của các kỹ thuật viên, lãnh đạo đài trong cùng một ngày khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại là hình ảnh cứ mãi đeo bám bà cho đến ngày giải phóng. Đau thương, mất mát nhiều lắm nhưng tiếng nói của đài giới tuyến vẫn vang lên như sứ mệnh lịch sử giao phó.

Vĩnh Linh đã trở thành quê hương thứ hai của O Nhạn, nơi lưu giữ một thời tuổi trẻ đã sống, chiến đấu quên mình. O nói: “Nếu không có bà con nhường nhà làm hầm nuôi tôi; các chiến sĩ nhường vị trí an toàn trên trận địa để tôi tác nghiệp thì tôi không có được ngày hôm nay. Chỉ tiếc là công lao của đài chưa được công nhận cho tương xứng với những gì mà anh em đã cống hiến. Mỗi lần về nhà chứng tích lịch sử bên cầu Hiền Lương, tôi cảm giác lòng trỗi dậy một nỗi buồn không nói nên lời”./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất