Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 6/2/2012 21:58'(GMT+7)

Về Hải Phòng dự hội núi Voi

Đây là khu danh thắng, di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1960, đón nhiều du khách địa phương và thập phương về thăm quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống. Hằng năm, cứ vào tháng Giêng, núi Voi mở hội truyền thống với trống rong cờ mở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian hút hồn du khách

Vãn cảnh thiên nhiên huyền bí

Con đường vào khu di tích núi Voi những ngày đầu Xuân mới lúc nào cũng đông đúc người và xe chen chân về thăm khu di tích này. Đến với núi Voi, du khách được nghe huyền thoại về mảnh đất non nước hữu tình. Các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết: “Từ thời đại các vua Hùng đã chọn nơi đây cư trú, tạo nên nền văn minh sồng Hồng và là hành lang giao lưu văn hóa cổ giữa nội địa vùng duyên hải Bắc Bộ, văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hạ Long. Nơi đây khắc ghi nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa, là nơi phát tích của nhiều danh tài, mạc sĩ”.

Trong những năm kháng chiến chống thực đân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Voi là thành lũy bảo vệ thành phố Cảng. Một số di tích, hang động ở núi Voi hiện nay đều gắn liền với các sự kiện trọng đại của thành phố trong quá trình đấu tranh giữ nước, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Tại đây, người dân địa phương vẫn quen gọi hang Thành ủy, nơi làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng và huyện ủy An Lão những nhăm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây nổi tiếng có đội du kích quả cảm, anh hùng. Khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ngày ấy, một nữ dân quân treo mình trên vách đá bắn rơi máy bay Mỹ đã trở thành câu chuyện mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người dân nơi đây.

Đường lên núi Voi. (Ảnh: HH).


Dạo quanh núi Voi, du khách được chiêm ngưỡng những hang động huyền bí với nhiều thạch nhũ lung linh, kỳ ảo. Đó là các hang: họng Voi, Già Vị, Chiêng, Bạch Tuyết…Ở hang họng Voi, du khách có thể nhìn thấy hình thù giống như họng con voi, trong đó, trên các vách đá róc rách có các giọt nước chảy xuống. Theo tương truyền của người dân địa phương, mỗi người há miệng để giọt nước ở vách núi chảy vào miệng sẽ được may mắn, hạnh phúc. Đặc biệt, từ trên đỉnh núi Voi, nhìn ngắm xuống, du khách có thể hồi tưởng được các dấu tích con sông Đào, cây đèn Rạng lái, vàn chúa cả, vàn chúa Thượng, đường cổ nhà Mạc, đây là một phần giang sơn của nhà Mạc còn in dấu tích ở đây không chỉ hấp dẫn cho du khách mà còn có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử. Trên đỉnh núi Voi, có phiến đá lớn hiển hiện ở đây từ lâu đời gọi là bàn cờ tiên.

Với những giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, khu di tích lịch sử núi Voi được UBND thành phố Hải Phòng quan tâm, đầu tư xây dựng để nơi đây trở thành điểm đến trong tua du khảo đồng quê ở thành phố Cảng. Năm 2011, đền thờ nữ tướng Lê Chân ở khu vực núi Voi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước đó, chùa Long Hoa, một di tích trong quần thể núi Voi được đầu tư kinh phí xây dựng hàng chục tỷ đồng. Ngay sau khi chùa hoàn thiện đã diễn ra lễ đúc chuông, rước tượng phật bằng đồng cao, to nhất thành phố với sự tham gia của hàng nghìn phật tử, du khách thập phương. Các con đường vào khu di tích núi Voi được quy hoạch, sửa chữa khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về đây vãn cảnh.

Vui hội truyền thống

Trong 3 ngày 4, 5, 6 tháng 2 (tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), tại khu di tích núi Voi diễn ra ngày hội truyền thống của địa phương. Theo ước tính của Ban tổ chức, có hàng nghìn lượt nhân dân địa phương và khách thập phương về đây vãn cảnh núi Voi, dự lễ hội truyền thống.

Từ cổng núi Voi được trang hoàng lộng lẫy đón chào ngày hội. Ban Tổ chức bố trí bãi gửi xe khá rộng và có quy hoạch đường đi lối lại vào khu danh thắng nên dòng người đổ về đây khá đông nhưng không xảy ra ách tắc. Đúng sáng 13 tháng Giêng, ngày khai hội núi Voi, dàn trống hội của làng văn hóa Lai Thị rộn ràng, dóng lên từng hồi như thúc giục bước chân du khách nhanh đến núi Voi. Đội múa lân Thái Sơn biểu diễn màn múa lân đặc sắc. Đặc biệt, tại lễ đài khai mạc hội núi Voi, đoàn văn hóa nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện dàn dựng và biểu diễn lại sự tích đền hang ở núi Voi.

Hội múa lân đang được chuẩn bị. (Ảnh: HH).


Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách còn được tham gia, chứng kiến nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc. Tiếng trống hội vật dân tộc làm không khí lễ hội thêm sôi động. Lên sới đài có đủ các đô vật ở mọi lữa tuổi. Ai cũng thi đấu nhiệt tình, sôi nổi với mong ước đem đến không khí tưng bừng ngày Xuân. Nam thanh, nữ tú trên địa bàn huyện còn háo hức tham dự vào Hội thi “Thanh niên tài năng, thanh lịch”. “Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, tổ dân phố”. Trong khuôn viên tổ chức lễ hội, các gian hàng văn hóa, ẩm thực truyền thống sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách với các món ăn dân gian do các đầu bếp hàng ngày vốn là nông dân, tranh thủ những ngày hội trổ tài khéo tay nấu các món ăn truyền thống. Lễ hội rộn ràng hơn với các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách về tham dự và cổ vũ như các trò chơi chọi gà, đi cầu thùm, tổ tôm…

Đến với núi Voi những ngày hội, du khách sẽ được thoải mái vui chơi, thưởng ngoạn không khí trong lành của làng quê, tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của quê hương, hòa mình trong không khí lễ hội sôi động của địa phương những những ngày Xuân. Đó là những ấn tượng mà du khách đã đến núi Voi luôn háo hức có dịp trở lại./.

Hồ Hương (Hải Phòng)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất