(TCTG)-Mùa xuân này ông đã bước sang tuổi 90, cái tuổi của thời gian đếm ngược, cả cuộc đời chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề; từ đôi bàn tay tài hoa của ông hàng trăm sản phẩm đã ra đời để tiếp nối mạch nguồn những làng nghề xứ Quảng. Gặp lại ông vào những ngày đầu năm, ẩn sau đôi mắt vẫn còn tinh anh là tâm sự đau đáu về nguy cơ thất truyền của làng nghề. Ông chính là Đinh Thẩm, nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà.
Thời vàng son đã qua
Theo gia phả các dòng họ lớn trong làng để lại, làng nghề mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) có lịch sử hình thành đến nay đã trên dưới 300 năm. Thợ mộc Văn Hà nổi tiếng trong việc dựng nhà rường và đóng đồ gia dụng với phong cách riêng độc đáo. Những ngôi nhà “Ba gian hai chái”, “Tam nhị hạ thiên”, “Tam gian tứ hạ”, “Năm gian hai chái cổ lầu”, “Thủy tạ tứ giác”, “Vọng nguyệt”... với hàng trăm cây cột, trính, kèo, trỏng quả, hoành phi, câu đối, tủ, bàn trang trí nội thất… được chạm lộng tinh vi, sắc sảo. Dù trải qua bao thăng tầm thời gian nắng mưa đến nay vẫn còn hiện hữu như minh chứng nét tài hoa của người thợ Văn Hà.
Hàng năm, vào độ cuối tháng giêng, đầu tháng hai cánh đàn ông rời làng đi khắp nơi trong tỉnh từ Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành đến Tiên Phước, Trà My và các vùng phụ cận tỉnh Quảng Ngãi để làm nghề. Chỉ với cái thùng gỗ nhỏ đựng các dụng cụ như cưa, rìu, đục, khoan…. họ len lỏi khắp nơi để dựng nhà rường hoặc đóng đồ gia dụng theo yêu cầu gia chủ. Đến giữa tháng chạp những người thợ lại trở về quê, cứ thế năm này qua năm khác thế hệ nối tiếp nhau…. Nhiều nghệ nhân đã được Triều đình Nguyễn mời ra Huế để thi triển tài nghệ tại chốn kinh kỳ, nhiều sắc phong vẫn còn lưu lại đến ngày nay.
Thời vàng son của làng nghề đã qua, làng mộc Văn Hà ngày nay dường như đã suy tàn nhiều. Theo năm tháng những thế hệ thợ cứ lần lượt ra đi mang những bí truyền của nghề về nơi chín suối. Khắp làng tiếng đục khoan cứ thưa dần, bất chợt nhìn quanh đầu làng đến cuối xóm cũng chỉ còn lại lão nghệ nhân Đinh Thẩm nay cũng đã bước sang tuổi 90 ngày ngày vẫn chăm chút từng đường nét chạm trổ trên những bản lịch, tủ thờ hay câu đối như níu kéo một thời vang bóng; tuyệt kỹ của nghề qua hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ mai một thất truyền. Trẻ em lớn lên bỗng xa lạ với nghề, những dụng cụ của làng mộc gắn với hàng bao thế hệ cha ông trở lên lạ lẫm cùng lũ trẻ, chỉ có tiếng đục khoan của cụ Thẩm vẫn vang lên khô khốc giữa vùng quê vắng lặng.
Đau đáu nỗi lo thất truyền
Ngày nay hậu duệ của nghề mộc Văn Hà hầu như không còn mấy người theo, loanh quanh vài nhà nhưng cũng chỉ làm những đồ dụng thông thường. Sản phẩm độc đáo của làng nghề như chạm khắc kèo cột, trỏng quả … đã không còn được mấy nơi mời làm, còn bàn xoay một sản phẩm độc đáo của làng nghề cũng đã ít nhiều thất truyền.
Năm 2008, 2009 UBND huyện Phú Ninh quyết định khôi phục nghề mộc Văn Hà với việc giao cho HTX Tam Thành 2 đứng ra lập đề án bảo tồn, phát triển làng nghề. Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ kinh phí mở lớp tập huấn đào tạo 30 học viên; lão nghệ nhân Đinh Thẩm cũng hăng hái tham gia vì mong muốn truyền những kinh nghiệm và bí quyết của nghề cho thế hệ trẻ, nhưng lớp học đã kết thúc từ lâu mà số người theo nghề vẫn chẳng là bao. Đến nay, trong số hơn 200 hộ dân của làng chỉ còn chưa đến 10 người làm nghề, đa phần cũng trên 40 tuổi chủ yếu mở trại mộc nhỏ làm những sản phẩm như bàn tủ, giường, quạt lúa, khắc lịch treo tường bằng gỗ hay điêu khắc tượng Phật, thần tài …tất cả chẳng liên quan gì đến sản phẩm đặc trưng của làng.
Anh Trần Ngọc Tuấn một trong những thợ hiếm hoi còn theo nghề cho biết, dù rất đam mê với nghề nhưng cũng đành chịu vì sản phẩm không có đầu ra. Để mưu sinh, công việc chính của anh bây giờ là hớt tóc, thỉnh thoảng có ai đặt tạc khắc tượng thần, tượng phật thì anh làm như cách để đỡ nhớ nghề. Không riêng gì anh nhiều thợ giỏi của làng vì cuộc sống cũng chuyển nghề để mưu sinh, cả làng đã vắng tiếng đục, khoan nay càng thêm hiu quạnh.
Còn lão nghệ nhân già Đinh Thẩm mỗi ngày trôi qua lai đau đáu nỗi lo thất truyền. Tâm sự cuối đời của ông chỉ là niềm ao ước có tiền để dựng một trại mộc tập trung tất cả những thợ trong làng vào vừa làm vừa truyền những bí quyết làng nghề để lỡ mai này có về với ông bà cũng không thẹn nơi chín suối. “Tôi già rồi không biết còn sống được bao lâu nữa, cứ nghĩ đến lúc xuôi tay nhắm mắt làng nghề mai một thất truyền lại thấy có lỗi với tổ tiên” ông trăn trở.
Trong Báo cáo khoa học Tổng kết đề tài “sưu tầm, bảo tồn và phát huy làng nghề mộc Văn Hà” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức mới đây, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không ít tâm sự cho rằng việc phục hồi làng nghề là điều rất xa vời đó không chỉ là vốn, nguồn nhân lực (các thợ lành nghề), vật liệu (gỗ mít)… mà còn là đầu ra khi mà việc dựng nhà rường ngày nay hầu như không còn mấy nơi. Có chăng việc bảo tồn làng nghề mộc Văn Hà nên được thực hiện giống như lưu giữ một nét son đẹp trong tiến trình phát triển các làng nghề xứ Quảng, dù vẫn biết khát vọng khôi phục làng nghề luôn cháy bỏng không chỉ với người dân làng Văn Hà mà cả với chính quyền địa phương sở tại.
Cùng với mộc Kim Bồng, Hội An làng mộc Văn Hà trở thành niềm tự hào của những thế hệ người dân nơi đây qua hàng trăm năm hình thành phát triển, càng khẳng định nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề xứ Quảng trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của vùng đất. Nhưng bảo tồn và phát huy làng mộc Văn Hà như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ có ông, người nghệ nhân già Đinh Thẩm với tâm sự đau đáu nỗi lo thất truyền, phía trước thời gian như càng ngắn lại còn sau lưng là khoảng trống mông mênh. Sẽ đến một ngày đôi tay tài hoa kia cũng dừng lại, chỉ có nét khắc chạm trên các bản lịch, hoành phi sẽ sống mãi với đời như minh chứng cho những tinh hoa làng nghề đã từng một thời vang bóng./.
Vĩnh Lộc (Quảng Nam)