Lễ hội làng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kéo dài từ ngày 11 tới 13 tháng Giêng. Để tổ chức thành công 3 ngày lễ hội, mỗi gia đình, mỗi ngõ xóm phải chuẩn bị mọi việc từ 6 tháng trước.
Theo truyền thuyết, 3 vị Thành hoàng làng là 3 vị dũng tướng đã cùng Phù Đổng Thiên Vương giúp vua Hùng Vương thứ 6 đánh đuổi giặc Ân, sau đó lập nên núi Chúc Sơn trang tức làng Chúc Sơn bây giờ. Sau khi các vị quy hóa thân, nhớ công ơn nên bà con nhân dân lập đình thờ. Đình Nội thờ Đức Thánh Cả, đình Xá thờ Đức Thánh Hai và Đức Thánh Ba, cả 2 đình được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Lễ hội làng Chúc Sơn được tổ chức 3 năm một lần, đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhất của làng, nên công tác chuẩn bị lễ hội rất được chú trọng. Một trong những việc quan trọng nhất là củng cố các đội phục vụ lễ hội như đội múa rồng, đội đánh trống cái, trống con, đội dâng hương, đội quan kiệu. Trong đó đội quan kiệu bà con hay gọi là đội Hùng Đô là quan trọng nhất. Đội này gồm 70 thanh niên trai tráng luyện tập rất công phu, họ phải thay nhau khiêng 3 kiệu rất nặng chạy vòng quanh sân đình, rồi chạy từ đình Nội lên đình Xá. Trong thời gian chuẩn bị lễ hội cho đến hết hội những thành viên trong đội phải sống trong sạch, trai giới, thì mới đủ tư cách khênh kiệu cho Thánh ngự.
Ông Đào Xuân Hải - Phó chủ tịch UB MTTQ thị trấn Chúc Sơn làm trưởng ban tổ chức lễ hội làng Chúc Sơn được 11 năm nay cho biết, người dân làng Chúc Sơn cư trú ở khắp mọi miền đất nước, dù có xa mấy cũng về tham dự lễ hội, họ rất phấn khởi chờ đón lễ hội của làng. Nhờ lễ hội mà mọi người quan tâm tới nhau hơn, kề vai sát cánh, ghé vai chung sức làm lễ hội như lo toan công việc của nhà mình.
Chúc Sơn có trên 1.000 hộ, trong đó có 70 % số gia đình sống bằng nghề buôn bán và dịch vụ thương nghiệp, số gia đình khá giả ở Chúc Sơn khá nhiều. Do địa bàn của làng nằm sát ngay đường quốc lộ số 6 nên bà con có điều kiện buôn bán giao thương, mở cơ sở sản xuất kinh doanh rất đa dạng.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Ban công tác Mặt trận tập trung vận động từng gia đình "nói không” với tệ nạn xã hội. Đây là một phong trào rất khó đối với địa bàn phát triển kinh tế đa dạng như ở Chúc Sơn. Tuy nhiên bà con nhân dân trong làng luôn ủng hộ chủ trương này của Mặt trận. Sẽ không có bình yên, hạnh phúc nếu trong làng có người nghiện hút, trong nhà có người đam mê cờ bạc. Thông qua những buổi họp trong từng ngõ xóm, bà con hiểu được rằng không nên bao che cho con cái nếu chúng dính vào tệ nạn xã hội. Không ông bố bà mẹ nào lại không cảm thấy xấu hổ, đau lòng nếu con mình bị đưa ra kiểm điểm trước dân vì hành vi vi phạm hương ước và pháp luật.
Một trong những việc mà Mặt trận cơ sở của làng đã làm được trong những năm qua là vận động nhân dân tham gia xây dựng bản hương ước làng. Dựa trên cơ sở bản hương ước cũ, bà con đã bổ sung những điều mới phù hợp với cuộc sống hiện đại. Truyền thống ứng xử với thiên nhiên, đối xử với nhau đã trở thành hồn cốt của hương ước làng. Đến Chúc Sơn, nhất là vào ngày lễ Tết hay lễ hội, du khách sẽ cảm thấy ấm lòng bởi những nụ cười mến khách của người dân nơi đây. Trong những ngày diễn ra hội làng vào bất cứ nhà nào, du khách cũng được mời uống nước, mời cơm một cách chân tình.
Hoạt động văn hóa văn nghệ ở làng Chúc Sơn rất sôi động. Với sự nhiệt tình của Ban công tác Mặt trận mà làng đã thành lập được một đội hát quan họ với gần 100 người tham gia. Đây là đội văn nghệ "nổi” nhất trong vùng, ngoài phục vụ những sự kiện của làng, các nghệ sĩ nơi đây còn đi biểu diễn phục vụ các làng khác.
Đến lễ hội làng Chúc Sơn du khách thấy rất thoải mái vì công tác tổ chức rất bài bản, quy củ, không có hiện tượng chen lấn, không lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc ăn tiền, bói toán. Công việc tiếp nhận tiền ủng hộ, tiền công đức được Ban tổ chức lễ hội mà nòng cốt là Ban công tác Mặt trận thực hiện rất nghiêm minh. Chính vì thế nhiều năm nay không xảy ra kiện cáo xung quanh việc tổ chức lễ hội.
Chúc Sơn đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Ai cũng tự nhủ, xin hẹn mùa lễ hội sau sẽ trở lại.
Lê Tự/ĐĐK