Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 14/2/2010 8:13'(GMT+7)

Bản sắc nằm trong mỗi người

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, năm nay 92 tuổi, người như một pho sách, một bảo tàng sống và là một vị sứ giả của văn hóa Việt Nam. Bất chợt một ngày trong chuỗi thời gian lặng lẽ và bận rộn, ông dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện.

Tiếp biến văn hóa... quan trọng lắm!

PV: Thưa ông, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thì cái nào là thuần túy, cái nào là pha trộn?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phải khẳng định thế này, bản sắc văn hóa dân tộc luôn biến diễn, còn - mất luôn đi song hành với nhau. Không cái nào là thuần túy, là pha trộn cả. Bản sắc văn hóa của dân tộc mình vay mượn của người khác, thì mình tiếp thu và biến đổi nó. Gọi là Tiếp biến văn hóa. Cái này quan trọng lắm! Tiếp của người khác và biến thành cái của mình. Ví dụ như Nguyễn Du, tiếp biến từ câu chuyện của Trung Quốc thành tác phẩm Truyện Kiều của Việt Nam, nổi tiếng cả thế giới mấy trăm năm nay. Vậy nên, văn hóa luôn phải mở cửa, đón nhận cái mới. Nền văn hóa đóng là nền văn hóa chết.

PV: Với những nhận định đó, thì “vốn” bản sắc văn hóa Việt Nam có, là những gì thưa ông?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Fermi chuyên về tâm lí chữa bệnh và đã từng chữa cho nhiều người bệnh ở Việt Nam, qua quá trình nghiên cứu, ông ta tổng kết: Bản sắc văn hóa của Việt Nam gồm một số biểu hiện văn hóa, gộp lại tạo thành Hồn Việt Nam, Biểu tượng Việt Nam. Trong một số yếu tố làm thành Hồn và Biểu tượng Việt Nam thì có: Ngôn ngữ Việt; Giá trị của gia đình; Tết của người Việt và Tín ngưỡng dân gian (trong đó có thờ mẫu).

PV: Tết-hiểu thế nào để nhận biết được đó là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thưa ông?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Qua cái Tết người ta nhận thấy rất nhiều yếu tố đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tôi có ông bạn, trước là Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Ông ta rất yêu văn hóa Việt Nam, từng nói rằng, những lễ hội dân gian của bất cứ dân tộc nào cũng thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc của họ. Nên ông ta nói, ở Việt Nam lễ hội dân gian biểu hiện rõ nhất là Tết.

Ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng, Tết không phải của dân tộc ta mà là của Trung Quốc, ta bắt chước. Nói như thế là không hiểu rõ. Như nói ở trên, tức là không có một nền văn hóa thuần túy nào, mà đó là tiếp biến, là vay mượn...Khi mượn của dân tộc khác một nét gì đó, mình cải biến nó thành cái của mình. Khi được toàn dân tộc ứng dụng thì đó là cái của mình. Tết, mùa Xuân không chỉ có Trung Quốc, mà tất cả các dân tộc đều có Tết. Nói đi cũng phải nói lại, trong Tết dân tộc của ta có cái giống Trung Quốc, nhưng có cái không giống.


Cúng tất niên chiều 30 tết.
Quan trọng là giữ được phần hồn

PV: Vậy nét khác biệt ấy để đưa đến bản sắc Tết của dân tộc ta là gì thưa ông?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Thứ nhất là yếu tố Con người với Thiên nhiên. Nước ta cơ bản là làm lúa, vất vả, nông dân suốt đời làm mùa (trước kia 90% là làm nông). Sau vụ mùa mới được nghỉ ngơi để chờ đợi mùa Xuân sang. Tết là thời gian người nông dân và đất đai nghỉ và ăn mừng (yếu tố rất dân tộc).

Thứ hai là Con người với nhau. Nước ta thuộc hệ thống nền văn hóa đề cao tinh thần cộng đồng. Tết là dịp gia đình, làng xóm sum họp, chào hỏi nhau (Bản sắc là chỗ ấy). Vì thế thời Cụ Hồ còn sống, tất cả mọi người đều mở đài nghe Cụ đọc thơ Tết, lúc 12 giờ đêm-Giao thừa. Hay có thể nói, Tết là dịp tất cả mọi người “Đồng cảm”.

Thứ nữa là tục thờ cúng gia tiên, người ta tin (ngày Tết) ông bà ông vải về ăn Tết. Đây là sự biểu hiện sự thông cảm của người sống và người chết. Dù ở xa đến đâu, người Việt vẫn muốn trở về cúng ông bà ông vải (Chính là Hồn Tết). Hồn đó mới quan trọng. Người ta đi xe đạp, đi BMW, đạp xích lô...điều đó không quan trọng, mà quan trọng là giữ được Hồn Tết.

PV: Như ông nói, Hồn Tết mới là quan trọng. Vậy cái Hồn đó thể hiện như thế nào để chúng ta có thể nhìn thấy được?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Hồn được giữ trong những phong tục mà chúng ta dễ bắt gặp, đặc biệt là rất thuần Việt. Đó là bánh chưng. Đây là bản sắc của ta, chứ không phải của Trung Quốc. Đã Tết thì phải có bánh chưng. Nên dân gian mới có câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo/Bánh chưng xanh”. Bánh chưng là biểu hiện của nền văn minh lúa nước từ thời vua Hùng để lại từ câu chuyện của biểu tượng trời tròn đất vuông.

Thứ nữa là Trầu cau-thể hiện mối tình, nó gắn với tục cưới xin vào dịp cuối năm và đầu năm vui vẻ hạnh phúc. Vậy nên trên bàn thờ, hoặc trên bàn trà các gia đình, dịp Tết thường có trầu cau. Tiếp đến là Cúng mẫu, trời đất và đi chùa. Rồi tục thờ lửa-ông Táo. Ở Trung Quốc, La Mã, châu Âu cũng đều thờ. Lửa tượng trưng cho tẩy sạch những nhơ bẩn, thay đổi sang dịp mới, năm mới trong sạch, vậy nên mới có tục ông Táo lên giời là để báo cáo những công việc mà chúng ta làm trong năm qua. Tục thờ lửa, thờ ông Táo của chúng ta còn có ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỉ…

Giao thừa cũng là một phong tục, khi mùa Xuân tới, những gì khô héo sẽ mất và xuất hiện những gì là tốt đẹp, thời khắc Giao thừa là thời khắc chuyển giao sang năm mới hoàn toàn đổi mới (là yếu tố mang tính nhân văn). Và thời khắc này người ta cũng tin vào sự cải thiện mới của con người. Tại sao người ta lại nói Tết không được nói tục, đó chính là ý nghĩa nhân văn khi con người cố gắng đẹp và thiện.

Theo tôi, trong tất cả lễ hội dân gian trên thế giới, không có lễ hội nào có ý nghĩa nhân văn giống Tết của người Việt chúng ta.


Gói bánh chưng ăn tết-một nét đẹp
tinh thần của người Việt

PV: Với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thì Tết của chúng ta có còn giữ được bản sắc?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Nếu hiểu Hồn Tết, Hồn dân tộc thì Hồn của nó vẫn còn. Hơn một triệu người Việt sống ở phương Tây, đô thị, công nghiệp phát triển như thế mà Tết họ vẫn nao nao ngóng mong về quê hương. Tôi còn nhớ, hồi tôi ở Paris, ở trong một nhà người Việt, họ gói bánh chưng bằng ni-lông. Như thế có nghĩa, họ vẫn giữ cái Hồn cốt của nó, mà chỉ mặc cho nó “cái áo” khác.

Bản sắc-sức mạnh ở bên trong

PV: Việt Nam đang tăng cường đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, sức hội nhập của chúng ta với bạn bè trên thế giới là vô cùng lớn. Vậy chúng ta phải làm gì để giữ gìn được bản sắc dân tộc, thưa ông?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Cái lo lắng nhất của tôi là đạo đức xã hội hiện nay xuống cấp. Bởi vậy, giữ Tết, giữ được Hồn dân tộc thì sẽ chống lại những duy vật bình thường. Nhưng trước hết thì chúng ta cần phải củng cố gia đình. Bố mẹ phải là người làm gương cho con cái. Thực tế thì việc làm này Việt Nam làm tương đối dễ hơn phương Tây, vì chúng ta còn thờ ông bà ông vải. Ở phương Tây thì tôi biết nhiều gia đình cũng chú trọng gìn giữ bản sắc bằng cách viết gia phả, việc này tương đương với thờ cúng tổ tiên của chúng ta. Gia đình tôi cũng đã tiến hành việc viết gia phả, và thường xuyên tổ chức gặp mặt gia đình. Quan trọng là mỗi con người phải có tâm thì ắt sẽ có phương pháp để gìn giữ được bản sắc.

Xin cảm ơn nhà văn hóa Hữu Ngọc!

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất