Tiếp tục và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, mấy thập niên qua, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vẫn không ngừng tìm tòi, thử nghiệm nhằm nhận thức và tái hiện chân dung nhiều chiều con người mới của thời đại, mà trong đó, tiêu biểu nhất là hình tượng nhân vật người cộng sản, mang đậm dáng vẻ riêng của bản sắc văn hóa dân tộc và cốt cách của con người Việt Nam tôi rèn suốt tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước kiên cường.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, sân khấu Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình, hòa nhịp với không khí náo nức của cả dân tộc, kịp thời cho ra mắt một số vở diễn bề thế, chững chạc như Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, Ðầu quân vào Nam của Thâm Tâm, Tô Hiệu của Nguyễn Công Mỹ,... thể hiện dáng vẻ người chiến sĩ cộng sản đã sống và chiến đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và hạnh phúc, no ấm của nhân dân. Bước vào khói lửa kháng chiến, không chỉ kịch nói và cải lương, hai loại hình năng động tuy khả năng tiếp cận, bao quát nhịp biến chuyển gấp gáp của hiện thực xã hội mà cả tuồng, chèo vốn mang tính ước lệ, cách điệu cao, rất khó khăn khi khai thác đề tài cuộc sống đương đại, cũng bắt tay vào thử nghiệm và cách tân nghệ thuật để sớm cho ra mắt những tác phẩm thể hiện nhân vật người cán bộ Ðảng và quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng, đứng lên làm cuộc đổi đời, như trong vở tuồng Cờ giải phóng (1947) của Tống Phước Phổ, Chị Ngộ của Nguyễn Lai (1953) hay vở chèo Chị Trầm (1953) sáng tác tập thể, rồi tiếp đến là Cô gái sông Lam của Nguyễn Trung Phong, Chị Tâm bến Cốc của Tào Mạt, xuất hiện đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Nét đặc sắc của các tác phẩm này là sự miêu tả nghệ thuật về nhân vật người cộng sản trong sự gắn bó biện chứng với quần chúng nhân dân, tính lý tưởng hòa quyện với sự sinh động nghệ thuật, sự tìm tòi biên kịch với khả năng trình diễn và nhiệt tình công dân trong ý thức, tình cảm nghệ sĩ biểu diễn, nên có tác động mạnh mẽ và thấm thía tới công chúng đông đảo.
Với thời gian, lý tưởng và sự hy sinh của Ðảng ta ngày càng được khẳng định là nhân tố có vai trò là động lực quyết định mọi thắng lợi của cách mạng dân tộc, đồng thời giúp cho đội ngũ nghệ sĩ "sáng mắt, sáng lòng", từ đó nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn bức chân dung đa dạng người cộng sản. Trong điều kiện như vậy, nhiều tác phẩm sân khấu khắc họa rõ nét, sinh động, bao quát mà cũng chân thật hơn, bổ sung cho nhau tạo thành công mới trong quá trình tìm tòi, khám phá, tái hiện hình tượng người cộng sản. Từ chỗ thể hiện nhân vật đảng viên như nhập vào nền cảnh chung, thấp thoáng hiện ra trong thời khắc nghiêm trọng để động viên quần chúng hoặc gián tiếp toát lên từ khí thế phong trào cách mạng, đến chỗ ra đời nhiều tiết mục thuộc các kịch chủng, khắc họa trực diện nhân vật người cộng sản. Từ việc sân khấu hóa tiểu sử sống của các chiến sĩ cộng sản và những lãnh tụ của Ðảng mà tên tuổi đã được ghi vào sử sách, đến vươn tới những khái quát nghệ thuật về hình tượng người cộng sản trên nhiều lĩnh vực và vị trí công tác khác nhau. Ðó là hình tượng người cộng sản trong thời kỳ hoạt động bí mật, dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp, qua các vở kịch của Học Phi, như: Một đảng viên, Ni Cô Ðàm Vân, Cô hàng rau hoặc sáng tác của những tác giả khác như: Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Ðêm Tiền Hải, Ngọc trai đỏ, Ngọn lửa truyền đời sau trên sân khấu cải lương; Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ, Người con gái sông Cấm trên sân khấu chèo; Ba Tơ khởi nghĩa, Tình mẹ, Sáng mãi niềm tin trên sân khấu tuồng... Ðó là hình tượng người cộng sản qua vóc dáng người lính cầm súng ngoài mặt trận, ngày đêm đối mặt giữa sự sống và cái chết ở loạt vở diễn Ðại đội trưởng của tôi, Tổ quốc, Tiếng hát của Ðào Hồng Cẩm, Quê hương Việt Nam của Xuân Trình, Con nhím Ðiện Biên của Nguyễn Khắc Phục, Tiếng cồng định mệnh của Chu lai, Những dấu chân thời gian, Những cuộc gặp gỡ muộn mằn của Tạ xuyên, Bản hùng ca linh thiêng của Xuân Ðức... Hoặc hình ảnh người cộng sản trong tư thế của người lao động mới đang chiếm lĩnh tri thức khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý để vận dụng vào sản xuất có hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển thời đại trong các vở diễn Lập xuân, Ðợi đến ngày mai, Xóm vắng của Xuân Trình, Những người bóc đá, Kỷ niệm những ngày nghiệt ngã, Ðất nghịch của Hồng Phi, Ðất chuyển của Ðăng Thanh, Vàng, Khi tình yêu lên tiếng của Thanh Hương...
Từ chỗ hướng quan sát vào hoàn cảnh rộng lớn mang ý nghĩa sử thi, qua đó đặc tả tư thế lịch sử của người cộng sản như trong các vở diễn Bão táp của Nguyễn Bắc và Tô Hoài miêu tả không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, vở Hẹn ngày trở lại của Lưu Quang Vũ dựa theo tác phẩm văn học của Nguyễn Huy Tưởng nói về cuộc chiến đấu dũng cảm của Trung đoàn Thủ đô ngày đầu toàn quốc kháng chiến,... đến loạt tiết mục thể hiện hình ảnh người cộng sản giữa muôn mặt của đời thường với nội dung phong phú của nhiều vở diễn tái hiện nhân vật người cán bộ, đảng viên trong các cương vị công tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau. Có thể là một lãnh đạo tại một cơ quan cấp bộ trong vở Tình xuyên đại dương, tại một tỉnh trong các vở Chợ đời, Rừng cháy, Vú cát hoặc một vị thẩm phán trong vở Nhân danh công lý, hay một cựu chiến binh sau bao năm xông pha trận mạc, nay trở về quê quán, tìm cách hòa nhập với người thân giữa bối cảnh thời kinh tế thị trường với những xáo trộn phức tạp ở tiết mục Nửa ngày về chiều (kịch nói), Ai tỉnh ai điên (cải lương)... Bên cạnh đó, còn có một số vở diễn mang tinh thần phê bình và tự phê bình đi vào phân tích, mổ xẻ một số biểu hiện tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Ðó là nhân vật Ðoàn Xoa từng có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng vì bằng lòng với vinh quang quá khứ, không nhận thức được đòi hỏi mới của đời sống đang không ngừng biến chuyển, loay hoay ở cách nhìn, cách nghĩ hôm qua để rồi trở thành lạc hậu, cản trở sự phát triển trong vở kịch giàu tính chính luận Mùa hè ở biển của Xuân Trình; hoặc một đảng viên đang giữ trọng trách trong một lĩnh vực nhạy cảm, buông thả trong sinh hoạt, trong tình cảm, mà từng bước bị kẻ xấu lung lạc, khống chế, đánh mất dần phẩm chất, thậm chí là vi phạm pháp luật, để rồi phải nhận hình phạt đích đáng trong vở kịch Những quân bài định mệnh của cây bút nữ mới Phan Gia Liên, và vở Người thi hành án tử của Phạm Văn Quý, tiết mục tham gia Hội diễn kịch 2009 tại TP Hồ Chí Minh...
Có thể nói, trong sự phát triển của sân khấu Việt Nam hiện đại, việc thể hiện hình tượng Ðảng như là nhân tố giữa vai trò là động lực quyết định cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử vẻ vang, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai bằng ngôn ngữ nghệ thuật sống động trực tiếp của sân khấu, là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ, một trách nhiệm đặt ra trước đội ngũ nghệ sĩ để tiếp tục vươn lên, từ ý thức công dân đến tài năng nghề nghiệp, để không dừng lại với những tác phẩm đã có mà hướng tới những sáng tác mới với chiều sâu về tư tưởng - nghệ thuật.
NGUYỄN VĂN THÀNH
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sân khấu
(Nguồn: ND)