Người ta cho rằng chữ Tết là có nguồn gốc từ chữ Xuân Tiết (tên gọi Tết theo âm lịch của người Trung Hoa). Chữ Nguyên đán cũng là từ Hán Việt, "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm.
Ý nghĩa lớn nhất về Tết đối với người Việt là sự sum họp gia đình và tưởng nhớ tới tổ tiên cùng những người thân đã mất. Tết thường được nghỉ 7-10 ngày và là cơ hội duy nhất để những người con trong gia đình dù ở đâu cũng cố tụ về với gia đình của mình.
Tết ở Việt Nam có biết bao truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cần gìn giữ cho muôn đời con cháu.
Đó là sự đoàn kết trong gia đình, họ tộc, làng mạc. Với các gia đình ở nông thôn thì ngày Tết thật rôm rả. Người khắp tứ xứ về với gia đình và có dịp đi thăm hỏi họ hàng, láng giềng và bà con lối xóm. Người ở thành phố thì phần lớn cũng dành thời gian trước Tết về tảo mộ ở quê nhà, vừa là sửa sang mộ phần cho người quá cố, vừa là có dịp thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, bà con, làng mạc. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng về nước đông nhất vào dịp này trong năm và thường phải tìm cách mua vé từ rất sớm qua nhiều đường bay khác nhau .
Việc quét vôi, sửa sang, dọn dẹp nhà cửa trước Tết, thu gọn lại đồ đạc, quần áo, sách vở trong nhà là một phong tục tốt. Ngày nay cần mở rộng ra việc làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhất là khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt bọ gậy để chống muỗi gây sốt rét, sốt xuất huyết là chuyện rất nên làm tại mọi khu dân cư.
Tục cúng giỗ là nghi thức tâm linh để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, cũng là dịp tỏ lòng thành kính với Thượng đế (ông Trời) mà qua Tết Ông Táo (23 tháng Chạp) đã nhờ Vua bếp cưỡi cá chép lên “báo cáo” về tình hình năm cũ và cầu mong cho những ngày tốt lành cho năm mới.
Dịp Tết Ông Táo, người ta thường mua hai mũ, mũ Ông mũ Bà và cá chép để cúng sau đó thả cá xuống ao hồ. Riêng chuyện vứt bao nilông đựng cá trên bờ ao hồ là chuyện phải khắc phục ngay để bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường. Lễ Trừ tịch còn được gọi là Lễ Giao thừa, là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Giao thừa là lúc thần cũ trao nhiệm vụ cho thần mớị. Lễ Giao thừa thường được cử hành trịnh trọng từ trong nhà ra đến đình chùa. Dân ta ngày trước, trong giờ phút Giao thừa thường đánh chuông trống, nổ pháo ròn rã. Bàn thờ Giao thừa của làng xóm hoặc đình làng cũng như tại các gia đình được thiết lập giữa trời.
Mâm cỗ cúng ngày Tết thường được chuẩn bị công phu để các bà nội trợ trổ tài và cũng là niềm vui chung của nữ giới. Trước đây hầu như nhà nào cũng tự gói bánh chưng và coi đó là một niềm vui cho cả người lớn lẫn con trẻ khi được thức cùng cả nhà canh nồi bánh. Bây giờ thời gian ít ỏi và để hợp lý hóa người ta thường mua bánh của các cửa hàng sản xuất hàng loạt nhưng có đủ tín nhiệm. Ngay các thứ giò chả, bóng, gà, cá, xôi gấc, chân giò, măng... người ta cũng mua sẵn ngoài thị trường rồi nấu nướng hay làm nóng lại tại nhà. Điều này không phải là làm mất đi truyền thống mà là sự thích nghi với sự phân công trong điều kiện mới của xã hội.
Mâm ngũ quả thì không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở và tùy từng vùng mà chọn 5 loại quả khác nhau.
Ở miền Bắc thường dùng nải chuối xanh lót dưới như bàn tay che chở. Phía trên có quả bưởi to hay quả phật thủ vàng tươi đặt chính giữa. Xen vào là 3 loại quả khác có màu sắc tươi thắm như cam, quít, hồng, hay hồng xiêm, na, táo, lê... Ở miền Nam có câu “Cầu sung vừa đủ sài” cho nên nhiều nhà dùng các quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Thực ra thì nhiều nơi thường bày dưa hấu và các thứ quả khác, nhiều nhà cũng không câu nệ là phải đúng 5 loại quả mà có thể bày nhiều hơn, cốt sao cho đẹp là được.
Ở nông thôn, nhất là trên miền núi, nhiều gia đình trồng cây nêu trước sân nhà. Đó là một cành tre cao, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo trên đó nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo từng địa phương, phong tục, dân tộc. Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết là nhằm ngăn ngừa không cho quỷ dữ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi sinh sống. Bây giờ phong tục này không phải nhà nào cũng làm vì xã hội đã an toàn rồi và mọi người cũng ít mê tín hơn xưa.
Phong tục hái lộc đêm Giao thừa cũng đã được cải tiến để tránh chuyện hái cành lá bừa bãi nơi đền chùa. Người ta bán các cành khế ngọt hay các cây mía đỏ cho mọi người mua trước khi về xông nhà. Tại Hà Nội trước đây đêm Giao thừa nào nhân dân cũng tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm và lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua loa phát thanh với thái độ vô cùng hân hoan, thành kính, rồi đốt pháo tưng bừng. Ngày nay nhân dân thường nghe chúc Tết của Chủ tịch nước qua tivi và nghe tiếng pháo nổ (đã ghi âm) qua đài.
Phong tục treo tranh Tết, treo chữ xin từ các thầy đồ từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền. Có thể treo tranh Đông Hồ, treo tranh Hàng Trống. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào ngày Tết. Đây là một việc làm thể hiện sự trọng chữ nghĩa và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Sinh viên thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người buôn bán xin chữ Lộc, chữ Tín. Gia đình thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm...
Riêng tục đốt vàng mã thì đã đến lúc cần sớm xem xét lại. Người xưa chỉ đốt tượng trưng những tờ vàng mã với ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất. Vậy mà ngay từ thời ấy nhà khoa học lão thành Nguyễn Công Tiễu cũng đã có bài viết trên báo Khoa học phê phán mạnh mẽ về sự lãng phí phi lý đó. Bây giờ người ta đua nhau đốt cả complet, cravat, ô tô, xe máy, biệt thự lớn bé... thì thật càng phi lý. Việc lấy đồng USD in thêm chữ “Ngân hàng địa phủ” và in ra hàng loạt để đốt cũng là điều không thể chấp nhận được.
Việc lì xì ngày Tết cũng cần được chấn chỉnh lại. Người xưa chỉ có người lớn tặng phong bao cho con trẻ bằng những tờ tiền lẻ, với ý nghĩa để tiền bạc sinh sôi, đời sống ngày càng sung túc. Ngày nay tục lì xì đã bị biến tướng vì người lớn thường thưởng những món tiền lớn và trẻ em bóc ra thấy ít thì không bằng lòng ra mặt, rồi chỉ lấy tiền còn vứt phong bao ngay tại chỗ (!). Có người còn đèo con đi khắp mọi nhà, coi như là một đợt ... tăng thu nhập. Thật không thể chấp nhận được. Đấy là chưa kể đến một tệ nạn rất còn phổ biến (tuy đã bị nghiêm cấm trên hình thức) là chuyện hối lộ quan chức bằng những số tiền lớn (thường là ngoại tệ) và những loại rượu ngoại, bánh mứt ngoại rất đắt tiền. Người nhận và cả người tặng đều đã mắc tội nhận và đưa hối lộ mà nhẽ ra phải được xử theo Bộ luật Hình sự. Đó là một trong những hành vi chạy chức, chạy quyền rất cần lên án và đòi hỏi phải được chấm dứt ngay.
Việc đến thăm và tặng hoa hay tác phẩm của mình cho các thầy cô giáo cũ và mới thì lại là một truyền thống tốt đẹp cần duy trì (Mồng một nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy). Nếu thây cô giáo cũ ở xa thì nên có thư chúc Tết với những lời thành thực tri ân để ghi nhớ công ơn người đã dạy dỗ mình nên người. Điều này khác hẳn với việc lấy tiền công quỹ gửi khắp nơi một cách rất lãng phí các thiếp chúc Tết đắt tiền mà nhẽ ra chỉ cần gửi một bưu thiếp qua E-mail là đủ. Trên Internet có thể chọn dễ dàng những thiếp chúc Tết rất đẹp, có khi có cả nhạc và hình động nữa.
Các chợ Tết và các chợ hoa là những nét đẹp truyền thống rất đáng duy trì. Ngày Tết các gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng mong mua được bộ quần áo mới cho con trẻ và mua các thực phẩm dành cho những ngày không có chợ. Ngày nay người trồng hoa đã làm ra được những cây đào, cây mai bằng cách ghép mắt cây hoa đẹp vào các gốc đào, gốc mai cổ thụ để cho thuê bày trong mấy ngày Tết , thay việc phải mua khá đắt tiền rồi sau Tết lại chỉ làm khổ cho các công nhân quét rác. Tùy theo từng khuôn khổ mỗi nhà mà chỉ nên mua một cành đào hay một cành mai, một cây quất và một bó hoa violet là đẹp lắm rồi (và cũng là để ủng hộ cho nông dân trồng hoa). Không nên tiêu pha quá lãng phí và nhất là không nên coi việc đưa các chậu hoa lớn đến nhà các vị lãnh đạo coi như việc để tỏ lòng biết ơn (!).
Các việc kiêng khem ngày Tết
có những điều tốt cần gìn giữ và cũng có những điều phi lý nên loại trừ. Kiêng khem tốt là nên cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa nên phát tang vội mà cần chuẩn bị để sáng mùng Hai làm lễ phát tang. Người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình. Người ta cũng thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết. Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay...
Những điều kiêng kỵ không có cơ sở khoa học là phong tục kiêng kỵ người khác đến xin lửa nhà mình,kiêng cho nước đầu năm vì sợ mất lộc. kiêng quét nhà vì nếu không thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì cho rằng thần Tài sẽ đi mất (!), kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt...vì sợ bị xúi quẩy. Ngày mồng 5 tháng giêng là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành...
Một chuyện mới xuất hiện những năm gần đây là nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ, muốn đi du lịch nước ngoài trong những ngày nghỉ Tết. Điều này rất dễ hiểu vì ngày nay là thời hội nhập thế giới, biết bao điều hấp dẫn bên ngoài biên giới. Tất nhiên là tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà cũng chỉ nên đi thăm các nước gần gũi cho đỡ tốn kém.
GS – TS Nguyễn Lân Dũng