Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 13/2/2010 22:19'(GMT+7)

Tết xuân đất Việt

Bánh chưng tết. Ảnh minh họa

Bánh chưng tết. Ảnh minh họa

Cái Tết mùa xuân còn đó sừng sững giữa dòng thời gian. Sau hạ, thu, đông, nóng nực rét buốt lại đến cái mùa gió hiu hiu, mưa riêu riêu nắng vàng mật ong, cây cối cựa mình trên đất ấm, chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc vì nhựa sống căng tràn muốn nhô ra thành hoa thành quả. Cái Tết và mùa xuân cứ thế trôi trong thời gian, nhưng vì nó đẹp nó thơ nên quyến rũ không chỉ ong bướm chim chóc mà cả con người. Tiếng ca tiếng hát của con người là nhạc là thơ, là hội hè đình đám biểu tượng của văn hoá. Mỗi khi có gì khó thể hiện những giá trị tinh thần, tình cảm, người ta thường mượn mùa xuân để ví von so sánh. Ngày Tết, mùa xuân có những thông điệp tinh thần giúp con người cảm thụ được đầy đủ cái hay cái đẹp. Đẹp như mùa xuân, vui như Tết. Tết đến xuân về không gian như đẹp hơn, con người như trẻ ra, thơ thới vui vẻ, gặp ai cũng muốn chào, muốn trao nụ cười thân thiện. Vào ngôi nhà thường nhật sinh sống nhưng thấy ấm cúng hơn, trên bàn thờ gia tiên Phật tổ, thần thánh cứ như tất cả về đây chứng giám thành tâm thiện ý của cháu con, phù hộ cho một năm an khang thịnh vượng. Không khí gia đình trong những ngày Tết chỉ có lời khuyên, trên kính dưới nhường, đoàn tụ êm ấm, âm dương không cách biệt. Những ngày này, người ta dễ được tha thứ, chuyện cũ bỏ qua. Người ta kiêng cữ nhiều thứ không phải dị đoan mà kiêng những việc đụng đến niềm tin. Không đánh đổ, đánh vỡ, không quét nhà, không cãi cọ. Những nhà văn hoá chữ nghĩa chọn ngày khai bút “Đầu năm khai bút, bút khai hoa”. Nhà nông chọn ngày động mũi cày, nhát cuốc. Thương gia chọn ngày khai trương. Đã bao năm, đi bao xa, con cháu Việt vẫn hướng về ngày xuân, ngày Tết quê nhà và sau đó là những ngày hội hè rong chơi. Ông bà cha mẹ chăm chỉ cần cù lam làm, nhưng vẫn có những ngày thư nhàn. Có lẽ thế mới sống được, mới yêu cuộc đời được và dường như mới thanh thản. Quanh năm vất vả, quanh năm thư nhàn mà vẫn trọn việc.

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng Năm

Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm

Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

v.v...

Nhưng người xưa sinh hoạt hết sức tiết chế giữ đạo lý, không quá đà. Ra khỏi kinh thành, làng nào cũng có văn hoá làng, có lệ làng, có hương ước, phép tắc gia tộc. Ta thử bước vào cái cổng làng nếm thử hương vị Tết vào ngày Nguyên đán mồng Một tháng Giêng xem sao. Đầu tiên người ta náo nức với đôi câu đối gọi Tết về:

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.

Rồi người ta nhớ Tết, nhớ quê, nhớ những kỷ niệm xưa. Cứ ngỡ mỗi ngày Tết đến mỗi mùa xuân về người đi xa nhớ cố hương. Ai hay cái thương cái nhớ chẳng từ một ai. Hoá ra người ta hay bị ở đây mà nhớ ở đây. Nỗi nhớ ấy mới da diết bâng khuâng làm sao. Cảnh còn, người mất hoặc cảnh cũ tiêu sơ, ly tán mỗi người lận đận một góc trời không bao giờ được gặp nhau nữa. Những lúc nhàn cư cũng nhớ nhau hơn. Trong chiến tranh, trên con đường thiên lý cùng bạn bè nhớ Tết nhớ quê. Giờ ở nhà lại nhớ những mùa xuân biên giới, nhớ những vùng đất đóng quân. Nhớ hoa mận trắng, nhớ cành đào phai bay lả tả trên vai áo lính biên phòng và cô gái Tày. Giờ đây, quanh năm sấp ngửa trên những phố phường chật ních nên Tết đến biết bao người vẫn muốn về quê ăn Tết “Về quê ăn Tết” mấy chữ mới gợi thương gợi nhớ làm sao. Về quê ăn Tết, tảo mộ ông bà, cha mẹ, thăm hỏi họ hàng làng nước, nhớ cái thuở hàn vi quần rách, áo vá, chăn trâu cắt cỏ, nhưng Tết đến là những ngày vui, ngày mong đợi suốt ba trăm sáu nhăm sáng chiều.

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, cứ ung dung, cứ no bụng trong ba ngày Tết quên đi nỗi lo giêng hai. Tết đến với hương trầm nhang nến, bánh trái, hoa quả với sự đoàn tụ của ba bốn thế hệ trước bàn thờ tổ tiên. Tết làm cho anh em gần gũi, cha con thân kính, họ hàng nhích lại gần nhau, thương yêu nhau hơn. Lòng người được sưởi ấm sau những dâu bể trầm luân của kiếp người. Sang năm mới, người ta chúc nhau nhà nhà no ấm phát lộc, phát tài, làng nước yên vui. Bắt đầu từ lời chúc đầu năm con cái đã muốn hiếu hạnh ngoan ngoãn, bố mẹ ông bà thấy mình rộng lượng hơn, gần gũi hơn với con cháu. Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết, dù nghèo khó đến mấy cũng cố gói mấy đồng bánh chưng, đụng một phần ba, phần tư con lợn, rồi muối sẵn vại dưa hành. Đảo qua chợ mua vài bức tranh, sắm mâm ngũ quả. Sáng ba mươi, bàn thờ sáng rực những ngọn nến hồng. Dưới bếp nồi bánh chưng sôi ùng ục toả mùi thơm sang tận nhà bên, mùi nếp cái hoa vàng với đậu thịt toả lan.

Đáng chú ý nhất vẫn là mùi lá chanh, lá sả, hương nhu trong chậu nước mùi của các bà giục chồng, con tắm gội tất niên. Trước kia cả tháng giờ đây cũng nửa tháng một tuần, các bà, các chị bận rộn một cách vui vẻ cho đến chí kỷ ba mươi, cái ngày vui nhất của Tết nguyên đán, đám thiếu nhi xúm quanh cỗ tam cúc hay bàn tú lơ khơ vui vẻ thua được. Các cô gái quê ngắm vuốt mảnh quần, tấm áo mẹ vừa mua cho. Bắt gặp cái nhìn của đám con trai lại e lệ nhìn đi nơi khác. Vất vả nhất có lẽ là nồi bánh chưng nó sôi ùng ục suốt ngày. Người canh nó cũng vất vả nào củi, nào trấu nào gốc tre, nùn rơm... Đàn em gái má đỏ hây hây quây quanh nồi bánh.

Sáng mồng Một, cả làng dậy muộn, mở mắt ra, ai cũng tưởng nhà mình và cả mình nữa có gì mới mẻ, thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn. Cỗ bàn cúng sáng mồng Một cũng thịnh soạn hơn, tươm tất hơn, người ta mong cả năm đầy đủ sang trọng như thế. Cúng cấp xong hạ lễ cả nhà ăn uống một bữa thịnh soạn rồi quần áo chỉnh tề đi lễ Tết. Trên con đường làng lát gạch nghiêng, người đông nườm nượp, áo trắng, áo hoa, áo xanh, áo hồng. Rồi còn cả áo the khăn xếp, quần áo tân thời phấp phới sắc màu. Già, trẻ ai cũng nhanh mồm nhanh miệng chào hỏi trước. Trẻ con được mừng tuổi những đồng tiền mới coong. Ngoài đền, ngoài đình các cụ áo hồng, áo tía thi nhau “hưng bái” dưới bàn thờ đức Thánh Trần, bà Liễu Hạnh, ông Thành hoàng... Giọng đọc văn tế trang nghiêm, rành rẽ khó quên. Sân đình trống nổi thùng thùng mời gọi các đô vật vào sới. Các đô vật cởi trần, trời lạnh cũng vẫn cởi trần, đóng khố ngũ sắc xanh đỏ tím vàng đen. Nghề chơi cũng lắm công phu, cũng phải có luật. Luật của vật là như thế. Đôi đô vật đầu tiên vào sới đi song song vào cửa đình vái Thành hoàng, thần linh rồi ngửa hai bàn tay đi quanh sới chào mọi người. Khán giả hâm mộ nhất vẫn là đám thanh thiếu niên. Các cô, các chị cũng thích xem, nhất là các bà, các cô có đô vật là người nhà. Mỗi khi hai đô vật móc khố nhau, họ ngoảnh mặt đi bấm miệng ngượng nghịu cười. Các đô vật biểu diễn màn giáo đầu bằng động tác đi gần người đánh trống rồi quay ngoắt lại giữa sân. Cả hai chào nhau rồi lùi về vỗ đùi đánh đét một cái lên trung bình tấn, bước lên vài bước chạm vào nhau rồi lại lùi ra, bấy giờ mới lao vào nhau bắt đầu cuộc tỉ thí các miếng đỡ, miếng đánh, những mẹo lừa giở ra cho hết, cốt giành được chiến thắng, làm sao cho đối phương lấm lưng trắng bụng mới thôi.

Cuốn hút nhất có lẽ vẫn là dưới những gốc đu. Tết đến làng nào mà chả có đu. Trong cuộc vui chơi ngày Tết, đu là nơi trai gái được kề vai sát cánh gần gũi nhiều nhất. Người trông những đôi nhún nhảy đẹp bay bổng cũng sướng cả con mắt. Quần áo đôi đu dan díu đa tình quấn quít lấy nhau, thì thầm những lời hẹn ước. Chả thế mà bà chúa thơ Nôm đã phải kêu lên:

“Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”.

Trai gái làng, những người đến tuổi cặp kè thường rủ nhau hẹn nhau ở đó. Và đây cũng là tình trường lắm đa đoan. Chiếm được đu rồi nhưng không phải chàng trai cô gái mình yêu họ cũng không cùng đánh đôi. Những lời mời gọi, những cái nguýt dài, nụ cười và sự hờn giận có cả. Người ta tròn xoe mắt dõi theo đôi mảnh quần hồng, đôi hàng chân ngọc “càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm” đến mê say. Họ hẹn nhau, họ chờ nhau trên trời chỉ có gió mới nghe thấy được. Có Tết, đu cũng sinh tai vạ. Bổng mãi lên, vút mãi lên nhoang nhoáng đến loá mắt ông già, dựng tóc trẻ con. Bỗng phựt một cái, cô gái hoảng hốt một tay giữ quần, tay kia níu đu. Các chàng trai đua nhau đón đỡ nàng ẵm vào chỗ kín đáo để sửa lại áo khăn. Thế là ra giêng, hai họ lại được ăn trầu uống rượu. Cái không may mà may ấy ít khi xảy ra, nhưng các trai làng lại cứ mong nó xảy ra với những người đẹp.

Xuân là gì, theo nghĩa gốc của chữ này là trai gái vừa lòng nhau. Cái thời trăng gió của ông bà ta thường diễn ra ở Tết lễ, hội hè. Nhiều cặp nên vợ nên chồng, thuỷ chung son sắt năm sáu mươi xuân kể từ xuân ấy, tết ấy. Những lời to nhỏ trên đu tưởng chỉ gió mới biết, ai hay yêu nhau khó giấu nên chỉ vài đêm chèo mùa xuân đã thấy họ líu ríu chen vai thích cánh bên chiếu chèo. Những chiếc chiếu hoa cạp điều trải ra sân đình đón dàn nhạc sáo, nhị, hồ sình... Các nhạc công, chân xếp bằng tròn, những ngón tay như múa trên phím. Một vị chức sắc cầm trống chầu. Tờ rung tung cốc, tờ rung tung beng... nhộn cả lên. Diễn trò gì, trai gái cũng mê. Họ vừa xem vừa trêu ghẹo nhau. Những người gặp hàng ngày ở làng ở xóm nhẵn mặt bỗng một phút lên vai lên vế. Anh thợ cày thành tướng soái, bác khán, bác nhiêu lên ngôi vua. Rồi cô tý, cô tẹo suốt ngày mò cua bắt ốc bỗng thành công chúa, cô hàng xén lên ngôi hoàng hậu. Chẳng phải con quan mà lên vua lên chúa sướng chưa? Nhiều người phút đầu không nhận ra người thân của mình, khi nhận ra cười đến chảy nước mắt. Cô bạn đen nhẻm bỗng mặt hoa da phấn, môi son má hồng; đôi mắt hiền khô bỗng lúng liếng đa tình khiến chức sắc cầm chầu quên cả cắc. Mỗi lần cắc là những đồng tiền thưởng lại keng trên chiếc mâm đồng.

Đêm xuân mưa bụi bay, mặc kệ cả làng vẫn mải mê theo chàng Kim Nhan, theo cô Thị Mầu, cả những bà già lưng còng chống gậy mắt cập kèm cũng dò dẫm đến sân đình thương xót nàng Tiểu Kính mắc hàm oan. Hết đám thôn Đoài lại đến thôn Đồng, bước chân cứ rầm rập người trảy hội, người đến đám. Tan đám rồi vẫn rầm rập những lời bình phẩm, cãi cọ, khen vai này hay, chê vai kia dở. Các bà, các chị khen Thị Kính. Đám đàn ông trai tráng mê tít Thi Mầ. Người từng trải khuyên: Yêu Thị Màu nhưng nên cưới nàng Thị Kính. Đám trẻ con đang buồn thiu vì hết Tết thì đã nghe các bậc đàn anh rủ nhau đi hội. Giêng hai lắm hội. Hội nào cũng thi cũng hát cũng trao duyên:

Hát cho lở đất long trời

Cho đời biết mặt, cho người biết tên

Hát từ chợ Phủ hát lên

Hát suốt tỉnh Bắc qua miền tỉnh Đông

Hát cho cạn cả dòng sông

Cho non phải lở, cho lòng phải say...

Sau Tết, suốt mùa xuân, các làng vào đám các làng mở hội. Cho đến khi lúa chiêm vào mẩy, tu hú gọi mùa vải chín, tiếng hát mùa xuân mới chấm dứt đợi ngày này năm sau.

Có lẽ làng quê Việt có Tết, có xuân, có hội hè, đình đám để chuyên chở tiếng hát, lời ca, nói lên tâm tư tiếng lòng và các cuộc thi để rèn trí, luyện tài người Việt.

Dọc các làng quê, nơi nào cũng có tiếng hát. Hát chung, hát riêng. Quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, trống quân cò lả... Hội cũng có nhiều hình thức: hội pháo, hội trống, tung còn, chọi trâu, đặc biệt hội thi nõn nường. Cái hội con người nhất đã khiến người dự hội và không được dự hội, cho đến già vẫn nhớ “Ba mươi sáu cái nõn nường, cái để đầu giường, cái để đầu tay” và còn cả những cuộc thi thổi cơm, thi nấu xôi, thi đánh vật, thi kéo co, thi đá cầu... Các hình thức phong phú của văn hoá dân gian đã tạo nên văn hoá dân tộc.

Xã hội hiện đại, con người sống bằng kinh tế và khoa học nhiều hơn bằng tâm linh tâm thức, tâm hồn đạo nghĩa. Văn hiến cổ xưa, sinh hoạt cộng đồng làng xã dân tộc mai một. Người hiện đại đang có tâm lý sống với “làng xã toàn cầu” nhờ phương tiện thông tin nghe nhìn. Nhưng cái văn hoá truyền thống và tâm hồn con người Việt thì có gì thay thế được. Đất trời có muôn mùa xuân, muôn cái tết. Hồn Xuân, vía Tết còn mãi mãi ám ảnh ngự trị trong đầu ta, trí ta lại truyền cho con cháu ta. Chỉ buồn một nỗi, mùa xuân còn mãi với trời đất, còn ta chỉ có một tuổi trẻ, một mùa xuân. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Vì thế nên đến đền, đến phủ thấy mọi người xuýt xoa lễ bái xin Ngài một quẻ đầu năm xem hung cát thế nào. Lá thẻ bằng bàn tay con trẻ mà kẻ cười người khóc. Xem thẻ đủ biết con người nhỏ bé giàu lòng tin vào mình và cũng tin cả vào những đấng vô hình đang chi phối. Như thế để liệu liệu mà sống cho có đạo lý, nghĩa tình và luôn luôn tâm niệm “xem trong thiên hạ có người có ta”. Có nhân định, có thiên định, có quy luật khách quan bên vận động chủ quan./.

Nhà văn Trịnh Đnh Khôi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất