Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 6/2/2010 9:16'(GMT+7)

Xã hội hoá phim truyền hình -một xu hướng tất yếu

Cô gái xấu xí- phim xã hội hóa. Ảnh minh họa

Cô gái xấu xí- phim xã hội hóa. Ảnh minh họa

 

Mặt khác, việc quy định 50% thời lượng phim Việt trên sóng buộc các Đài truyền hình phải mở rộng sự hợp tác làm phim theo hướng xã hội hóa. Sự tham gia của các hãng phim tư nhân làm cho các hãng phim Nhà nước không còn ở thế “độc tôn”, đem đến luồng sinh khí mới cho đời sống phim truyền hình cả nước, tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phim; công chúng có nhiều điều kiện để chọn cho mình món ăn tinh thần ưa thích bởi các phim được sản xuất đa dạng về đề tài, phong phú về cách thể hiện.

Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định 38/2002/QĐBHTT quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim tư nhân. Quyết định này là văn bản pháp lý để nhiều doanh nghiệp tư nhân lúc đó đang ở bước đầu thăm dò, tìm hiểu, tiếp cận chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh, có cơ sở để đầu tư và phát triển vào lĩnh vực "nghệ thuật thứ bảy". Ngay sau thời điểm này, đã có ba đơn vị sản xuất phim tư nhân là Hãng phim Việt của công ty BHD, Hãng phim Phước Sang, Hãng phim Thiên Ngân được thành lập. Đến nay, cả nước có hàng chục hãng phim tư nhân đang hoạt động. Tại phía Nam, màn ảnh HTV được đánh giá là thông thoáng hơn khi đã có rất nhiều đơn vị tư nhân tham gia làm phim để cùng phát sóng. Có đơn vị như Lasta, đã sản xuất trên 300 tập phim/năm. Ngoài HTV, các đài TH Bình Dương, Cần Thơ... cũng hợp tác với các nhà làm phim tư nhân, liên tục "xuất xưởng" các series phim Việt. Những cái tên như: BHD, Phước Sang, Thiên Ngân, Chánh Phương, Senafilm, Lasta... đã trở nên quen thuộc với các khán giả truyền hình phía Nam. Ở phía Bắc, các Hãng phim tư nhân được thành lập cũng khá nhiều, nhưng chỉ vài hãng hoạt động hiệu quả, ví dụ như Đông A Pictures. Hàng loạt dự án phim thành công của hãng này như: Chàng trai đa cảm (20 tập) được xem như viên gạch đầu tiên xây nên ngôi nhà xã hội hóa trong sản xuất phim truyền hình của VTV, tiếp đó là dự án 50 tập kịch bản Chồng con dựa theo những tác phẩm của nhà văn Trần Tiêu, 30 tập Tiếng dương cầm trên biển...

Phải khẳng định rằng, sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức sản xuất và quảng bá sản phẩm của các hãng phim tư nhân đã tạo cho phim truyền hình xã hội hoá một diện mạo mới, một đẳng cấp mới đầy hấp dẫn và thuyết phục. Loạt phim phóng sự truyền hình có tính đột phá và hấp dẫn do các công ty Truyền thông tư nhân phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh như Mê Kông ký sự, Huyền bí sông Hằng, Ký sự hỏa xa... và đang triển khai hàng trăm tập ký sự Con đường vĩ đại về hành trình cứu nước của Bác Hồ và Con đường tơ lụa về lịch sử giao thương và văn hóa vùng Tây Á đã cho thấy quá trình xã hội hoá điện ảnh và truyền hình ngày càng có hiệu quả văn hoá và xã hội. Những loạt phim tài liệu này đã được phát hành đĩa DVD rộng rãi ở trong và ngoài nước, được các kênh truyền hình trung ương và địa phương phát sóng nhiều lần. NSƯT Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã khẳng định: Xã hội hóa phim truyền hình ngày nay đã trở thành một xu hướng tất yếu, nhờ đó mà chúng ta có thể tập hợp và tận dụng được nguồn lực dồi dào trong xã hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập, TFS đã thực hiện việc xã hội hóa trong làm phim truyền hình. Để chất lượng phim truyền hình ngày một nâng cao cần có sự chung sức, chung lòng, giữa các bên liên quan, cần tìm được tiếng nói chung để không chỉ họ có lợi mà khán giả cũng được xem những bộ phim có chất lượng, mang hơi thở gần gũi với cuộc sống.

Cũng trong xu hướng đó, ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã ủng hộ việc nhiều đơn vị ngoài đài tham gia làm phim truyền hình, nhưng cũng nhấn mạnh các đơn vị sản xuất phim phải cùng chung quan điểm rằng: nếu vì lợi ích thương mại mà không chú trọng chất lượng, thì đó là cách ngắn nhất để cho chủ trương "xã hội hóa" sản xuất phim “chết yểu”. Trong cơn sốt làm phim nhiều tập hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, kịch bản càng nhiều tập càng dễ lọt qua khe cửa hẹp của khâu thẩm định. Thời phim Việt lên ngôi cũng là thời sản xuất phim truyền hình chiếu giờ Vàng đã trở thành cái đích duy nhất của rất nhiều đơn vị xã hội hóa. Và để đạt tỷ lệ quy định phim Việt lên sóng, để dễ kéo quảng cáo, độ dài kịch bản cũng là một yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất. Đã qua cái thời các đạo diễn tự hài lòng với mình vì phim làm ra kiểu gì cũng được phát sóng. Chính yếu tố cạnh tranh đã kích thích họ sáng tạo và tìm tòi cách thể hiện mới mẻ. Xã hội hóa phim truyền hình đã tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh, tạo ra một thế hệ các đạo diễn trẻ với nhiều phương pháp làm phim. Sự hợp tác giữa hãng phim tư nhân và Nhà nước sẽ xóa bỏ cách hiểu mặc nhiên: tư nhân sản xuất phim giải trí, Nhà nước sản xuất phim chính luận. Giữa hai dòng phim không còn ranh giới - đó mới là tương lai thực sự của phim truyền hình.

Những năm trước đây, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) là đài đầu tiên có hẳn “Giờ vàng phim Việt”, mà những bộ phim chiếu trong giờ vàng này, đều là kết quả từ sự hợp tác, liên kết với tư nhân. Nhìn một cách công bằng, nhờ có “Giờ vàng phim Việt” mà phim Việt đã “đẩy văng” phim nước ngoài khỏi khung giờ đẹp nhất (từ 20h đến 22h trên kênh HTV7). Cũng nhờ có tư nhân tham gia làm phim ào ạt, mà khung 18h trên HTV9 (vẫn được xem là giờ và kênh không có mấy người xem) trở nên “đắt hàng”. Từ năm 2007 và nhất là từ 2008, giờ vàng 20h10’ trên VTV1 và 21h trên VTV3 với hai dòng phim chính luận và xã hội hóa đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Dòng phim chính luận với Ma làng, Luật đời, Chạy án, Ngõ lỗ thủng… và sắp tới đây là Bí thư Tỉnh ủy. Dòng phim xã hội hóa với Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc, Nhà có nhiều cửa sổ, Những người độc thân vui vẻ, Lập trình trái tim, Đại gia đình…, mỗi dòng có đặc trưng và sức hấp dẫn riêng và có lớp khán giả riêng. Qua đó, khẳng định sự thành công của giờ vàng phim Việt, khẳng định lối đi đúng hướng trong việc mở rộng, phát triển, huy động nhiều nguồn lực của xã hội đối với hoạt động sản xuất phim.

Các đài có thêm phim để phát sóng, công chúng có cơ hội để lựa chọn, nhưng con đường xã hội hóa cũng ghi nhận nhiều điều đáng lưu tâm. Nhìn vào chương trình phim của các đài truyền hình trung ương và địa phương chúng ta đều thấy số lượng phim dài tập của nước ngoài, nhất là của Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm số lượng lớn, phim Việt dường như chỉ ở con số khiêm tốn. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua và tương lai cũng chưa có cơ sở chắc chắn để hy vọng một diện mạo mới cho phim truyền hình Việt Nam trên sóng của các đài truyền hình trong nước, chưa tính đến thị trường khu vực và quốc tế. Phim truyền hình dài tập của Việt Nam đã được các nhà sản xuất mang đi chào hàng ở một số chợ phim quốc tế, nhưng chưa có hiệu quả. Hiện đa số các đài địa phương đều đua nhau chiếu phim dài tập của nước ngoài, không mặn mà lắm trong việc trao đổi và mua bán phim với nhau. Hàng ngàn phim mà Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất hơn 20 năm qua hầu như chỉ chiếu một vài lần ở một đài. Phim do HTV sản xuất hầu như cũng chỉ chiếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lân cận. Những hãng phim tư nhân làm phim truyền hình dài tập hầu như chỉ được quyền phát sóng trên một đài. Như vậy, thiệt thòi lớn nhất thuộc về khán giả và sau đó là nhà sản xuất. Nguồn phim đã không nhiều lại càng bị hạn hẹp hơn do thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các đài. Phim nước ngoài càng có nhiều cơ hội “tung hoành” trên sóng của các đài truyền hình cả trung ương lẫn địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu, thói quen của khán giả.

Một điểm đáng chú ý là quảng cáo với vai trò là ông chủ, là mạnh thường quân của phim truyền hình dài tập. Có thể nói, thời buổi quảng cáo trăm hoa đua nở như hiện nay, bật lên bất cứ kênh nào cũng có thể gặp quảng cáo. Mỗi tập phim truyền hình dài tập phát sóng thường chỉ ngắn 45-50 phút, nhưng luôn bị cắt làm nhiều đoạn bởi quảng cáo. Đó như một phần “hệ quả” của phương thức xã hội hóa việc sản xuất phim theo kiểu dùng spot quảng cáo để trả tiền sản xuất phim. Trước đây, đã có lúc chỉ cần cắt ngang bộ phim một lần để chen một vài đoạn quảng cáo, đài truyền hình đã bị báo chí phê phán là phạm luật. Luật quảng cáo cấm phá vỡ sự toàn vẹn của tác phẩm điện ảnh khi phát sóng. Khán giả có khi vì quảng cáo quá nhiều đã chuyển sang xem kênh khác. Đến bây giờ thì quảng cáo chen ngang trong một bộ phim đã trở thành chuyện bình thường, thậm chí không ít tác giả phim không phải chờ mong khán giả xem phim của mình mà chỉ quan tâm xem phim khi chiếu được bao nhiêu quảng cáo. Càng nhiều, chứng tỏ phim đã thành công, không bị lỗ, có thể chờ đợi sự đầu tư cho phim tiếp theo. Nhưng cũng không có nghĩa nhiều quảng cáo thì hãng phim tư nhân thu được nhiều tiền, bởi đã có quy định, nếu bộ phim thu được nhiều quảng cáo hơn định mức thì lợi nhuận sẽ thuộc về đài. Chủ một đơn vị tư nhân kinh doanh truyền hình cho biết: “Nhà đài luôn nắm phần cán, còn chúng tôi là người giữ đầu lưỡi. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, phần thiệt thòi luôn về phía chúng tôi”. Tư nhân phải trang bị máy móc, thiết bị, thuê người sản xuất hoặc phải bỏ tiền mua bản quyền khai thác format phim, còn nhà đài chỉ việc phát sóng, sau đó trả lại bằng quảng cáo. Có một số hãng phim tư nhân đã đầu tư lớn trong việc xây dựng trường quay phim truyền hình. Hiện nay, đài qui định một tập phim khoảng 200 triệu. Phim phát giờ nào, giá quảng cáo tính theo giờ đó. Ví dụ, phát trong giờ vàng, 50 triệu/spot quảng cáo (30 giây) (giá cả này còn tùy thuộc vào thời điểm nào của buổi chiếu và thời gian nào trong tuần); vậy một phim, đài trả lại cho chủ đầu tư 4 spot quảng cáo. Để được chiếu trong những giờ đẹp, chủ đầu tư thường phải cam kết với nhà đài, ngoài những spot quảng cáo của họ được hưởng, họ sẽ tìm thêm cho đài 4 hoặc 5 spot khác. Nếu phim (chương trình) hay, nhà đầu tư có nhiều khách hàng, họ sẽ có nhiều quảng cáo và những quảng cáo dư ra sẽ thuộc về đài. Với những trường hợp tư nhân “thầu” toàn bộ kênh, đài tính giá trị tổng cộng một năm, còn lời hay lỗ đơn vị đó tự chịu. Phim hay và thu hút nhiều quảng cáo tới đâu, thì họ cũng chỉ được nhận đúng với qui định của đài. Chính vì vậy, đầu tư cho truyền hình, cũng như làm phim truyền hình là một bài toán khó khăn và là chuyện đầu tư lâu dài, không thể ăn xổi. Chỉ những ai có kinh nghiệm, có bản lĩnh mới trụ lại được. Vì lợi nhuận, các đơn vị đầu tư luôn tìm cách hạ giá thành sản xuất so với mức quy định của đài. Do đó, số tập phim càng dài, thì số tiền dư ra càng lớn và đó là cách để họ tính được phim của mình lời hay lỗ. Vì thế, để sớm có tiền quay vòng, nhiều chủ đầu tư bằng mọi giá, mọi cách để chương trình của mình được phát vào giờ đẹp (dễ lấy quảng cáo), phim sản xuất càng nhanh càng tốt để “lấp sóng”, trung bình một tập phim truyền hình hiện nay chỉ quay trong vòng vài ngày. Và đó chính là nguyên nhân vì sao phim truyền hình hiện nay càng ngày càng xuống cấp trầm trọng về nội dung và thường kéo dài thêm nhiều tập, đôi khi vô thưởng vô phạt.

Chất lượng nghệ thuật của phim truyền hình cũng được dư luận báo chí và người xem quan tâm, lên tiếng cảnh báo. Thời gian qua, nhiều bộ phim xã hội hóa, phim Việt hóa (phim mua format của những bộ phim truyền hình ăn khách ở nước ngoài) chất lượng không đồng đều. Bỏ tiền ra đầu tư làm phim, bỏ công ra đi lôi quảng cáo để thu hồi vốn, nếu có nhiều quảng cáo lại không được chia lợi nhuận nên các nhà đầu tư dần dần thoái chí. Đạo diễn, biên kịch thấy phim của mình có nhiều quảng cáo nhưng không hề được tăng thêm nhuận bút hay tiền thưởng, nhiều giám đốc hãng phim tư nhân cũng không hề vui khi phim mình làm ra được nhiều doanh nghiệp quảng cáo. Vì vậy, sự nghiệp xã hội hóa truyền hình theo lối “mỡ nó rán nó” vẫn tiếp tục có nhiều bất cập về cả kinh tế và nghệ thuật.

Tuy vậy, sự đóng góp cho điện ảnh và truyền hình của các hãng phim, công ty truyền thông tư nhân là điều đáng ghi nhận. Diện mạo mới, sức sống mới, cạnh tranh mạnh mẽ, đa dạng thể loại, cách thể hiện… là những điều mà phim xã hội hóa mang lại cho đời sống văn hóa của đông đảo các tầng lớp khán giả. Trong các kỳ liên hoan phim và liên hoan truyền hình gần đây, phim tư nhân đã chiếm một tỷ lệ đáng kể và đã có những giải thưởng của Ban giám khảo, đã thu hút được người xem. Đây là kết quả tất yếu của quá trình thực hiện xã hội hóa điện ảnh. Xã hội hóa điện ảnh và truyền hình cũng đòi hỏi các cấp, các cơ quan nhà nước phải đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Một mặt, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, mặt khác cần tạo điều kiện thông thoáng, cởi mở cho các đơn vị sản xuất tư nhân. Điều tiết, định hướng là điều quan trọng của các cơ quan quản lý, nhưng cũng cần tạo mọi điều kiện để các hãng phim chủ động, có điều kiện phát triển phù hợp với năng lực sản xuất, đáp ứng được nhu cầu xem phim ngày càng cao của khán giả. Làm thế nào để có phim hay là cái đích mà các nhà làm phim hướng tới. Điều này không phụ thuộc vào đó là phim của các hãng Nhà nước hay tư nhân, phim chính luận, nghệ thuật hay phim giải trí, dài tập hay ngắn tập, phim thu hút được nhiều quảng cáo hay không. Được khán giả đón nhận là giá trị cuối cùng mà mỗi bộ phim và các tác giả trông đợi./.

Trần Thị Phương Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất