Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc. “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” - đó là mục tiêu hướng tới trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và cũng là nguyện vọng của toàn thể nhân dân.
Đã thành thông lệ suốt 15 năm qua, tháng 6 hằng năm được chọn làm tháng cao điểm hành động Vì trẻ em. Xuất phát từ nhận thức chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng chính là chăm lo cho tương lai của đất nước, của dân tộc, trong những năm qua, nhiều hoạt động, chương trình tình nguyện được khởi xướng bởi các đoàn thể, tổ chức xã hội với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng đã mang đến cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, trẻ bị khuyết tật, lang thang cơ nhỡ… những mái ấm, lớp học tình thương, những nụ cười tươi tắn và cả những trái tim khỏe mạnh.
Năm nay, Tháng hành động Vì trẻ em được triển khai từ khắp Trung ương đến các cơ sở với chủ đề: “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”. Nhân dịp này, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm cùng chủ đề với sự tham gia của các vị khách mời.
BTV: Thưa bác sĩ Nguyễn Trọng An, Tháng hành động vì trẻ em năm nay do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát động có chủ đề: “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”. Xin ông cho biết, ở Việt Nam tiêu chí xác định trẻ em nghèo hiện nay gồm những tiêu chí nào?
|
Bác sĩ Nguyễn Trọng An |
BS. Nguyễn Trọng An: Theo định nghĩa của một số nước trên thế giới cũng như một số tác giả đại học Oxford thì trẻ em nghèo là những trẻ em sống trong những gia đình có thu nhập rất thấp.
Còn ở Việt Nam, trẻ em nghèo là những trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo. Những hộ gia đình nghèo này sống ở dưới mức nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ban hành năm 2005.
Tuy nhiên, UNICEF Việt Nam lại dựa trên quyền trẻ em để đánh giá. UNICEP có đưa ra là trẻ em nghèo là trẻ em bị thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để trẻ em tồn tại và phát triển.
BTV: Con số Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra là cả nước có hơn 3 triệu trẻ em nghèo, trong đó gần 40% chưa được chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, trong một thông báo cuối năm 2008, tổ chức UNICEF của Liên Hợp Quốc đưa ra con số 7 triệu trẻ em Việt Nam đang sống ở mức nghèo. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy, thưa ông?
BS. Nguyễn Trọng An: Như đã nói ở trên, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới dựa trên định nghĩa trẻ em nghèo là trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Chính vì thế ở Việt Nam theo tính toán có khoảng 4,3 trẻ em sống ở các hộ gia đình nghèo, trong đó có khoảng 3,6 triệu trẻ em sống ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, đối với các tổ chức Liên Hợp Quốc cũng như UNICEF thì ngay từ năm 2008 đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh xã hội đưa ra một số nghiên cứu để đi đến đánh giá trẻ em nghèo ở Việt Nam. Theo các cách thức tiếp cận đa chiều không chỉ dựa trên nghèo về tiền bạc, về của cải, mà dựa trên quyền trẻ em, dựa trên khả năng để đáp ứng được cho trẻ em về y tế, về giáo dục, về vui chơi giải trí, về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Như vậy chúng ta có thể hiểu ở Việt Nam, trẻ em nghèo là nghèo về giáo dục, nghèo về y tế, nghèo về các vấn đề liên quan khác, đồng thời còn dựa trên các tính toán về chỉ số giá tiêu dùng rồi một số các chỉ số khác. Chính vì thế cuối năm 2008, các tổ chức quốc tế đã công bố ở Việt Nam có khoảng 7 triệu trẻ em nghèo, chiếm khoảng 29% trong tổng số trẻ em dưới 16 tuổi ở Việt Nam.
Cách đánh giá này, cách tiếp cận đa chiều về trẻ em nghèo này là một tiêu chuẩn rất phù hợp và nó phù hợp hơn để giúp cho Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh xã hội và các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo ở Việt Nam.
BTV: Thưa bà Trần Thị Thanh Thanh, như bà đã từng nói: Công ước quyền trẻ em là một văn bản pháp lý quốc tế lý tưởng, đòi hỏi phải kiên trì phấn đấu, không thể tham vọng rằng Việt Nam sẽ đạt tới độ chuẩn mực ấy trong ngày một, ngày hai. Để dễ so sánh, chúng ta coi chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em là mốc cuối chặng đường. Với góc độ là một nhà khoa học nhiều năm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, từng giữ cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, nay lại là Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà cho rằng Việt Nam đang ở đoạn nào trên chặng đường đó?
|
Bà Trần Thị Thanh Thanh |
Bà Trần Thị Thanh Thanh: Khi người ta nói nó là một chuẩn mực toàn diện, là chuẩn mực lý tưởng, là một văn bản có tính pháp lý cao, là người ta nói đến chuẩn mực toàn diện về những quy định mà nhà nước, xã hội, gia đình chúng ta phải làm cho trẻ em để bảo đảm làm sao cho trẻ em có được quyền sống, tồn tại, có quyền phát triển, quyền tham gia, bảo vệ.
Nếu đạt được tất cả những quy định như thế, thì cuộc sống của trẻ em chúng ta không còn có điều gì phải phàn nàn. Nói tính lý tưởng là nói đến chuẩn mực nó hoàn hảo, nó toàn diện về trách nhiệm biện pháp, đa dạng về nhiệm vụ phải làm cho trẻ em.
Tôi thấy rằng cái chuẩn ở đây là sự hài hòa giữa luật pháp với những chính sách, với những tổ chức thực hiện để đạt được những mục tiêu.
Nếu đánh giá theo những chuẩn mực ấy, chúng ta đang ở giai đoạn rất đáng tự hào là đã triển khai được, hoàn thiện được luật pháp, tương đối hài hòa với luật pháp quốc tế. Thứ hai là chúng ta đã đạt được chương trình gắn yêu cầu quyền trẻ em vào mục tiêu kinh tế xã hội của Nhà nước. Thứ ba là chúng ta đã có được hệ thống tổ chức.
Chúng ta có được có một hệ thống Nhà nước quản lý về quyền về trẻ em, phối hợp liên ngành với các hệ thống cơ sở. Như vậy, chúng ta đã qua được giai đoạn triển khai, đặt nền tảng và đã bước đầu đạt được những kết quả sau gần 20 năm, chúng ta đã đạt được kết quả về đưa cuộc sống của trẻ em có tiến bộ hơn nhiều so với thời kỳ đầu mới ký kết. Nếu nói như UNICEF thì chúng ta chậm nhưng mà chắc.
BTV: Theo bà, trong những kết quả Việt Nam đạt được về chăm sóc bảo vệ trẻ em, thành tựu nào đáng được ghi nhận nhất? Hiện nay trẻ em Việt Nam còn chưa được bảo vệ xứng đáng ở những quyền nào?
Bà Trần Thị Thanh Thanh: Nếu so với các nhóm quyền và các mục tiêu của chương trình kế hoạch hành động Quốc tế vì trẻ em và một thế giới phù hợp với trẻ em, tôi thấy có những tiến bộ rõ nhất của Việt Nam ở hai lĩnh vực, một là về sức khỏe, hai là về giáo dục.
Trẻ em Việt Nam, trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của Quốc tế đã loại trừ được các loại bệnh nguy hiểm như bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà...
Ngoài ra, chúng ta có những hành động như mở rộng thêm những lĩnh vực để chăm sóc cho trẻ em tốt hơn như phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch... những loại bệnh mà trước đây chúng ta chưa có mơ tưởng có thể giải quyết được cho trẻ em. Hay quy định khám bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, đó là một tiến bộ rất lớn, giúp cho trẻ em Việt Nam có chất lượng cao, sức khỏe có khá hơn nhiều so với trước.
Thứ hai là giáo dục, theo tôi đó cũng là một tiến bộ vượt bậc của trẻ em Việt Nam. Nếu nói công ước trẻ em mong rằng mọi trẻ em đều có quyền được đi học, thì với con số thống kê của ngành giáo dục cho thấy, các em ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở hầu như đều được đến trường (trên 70%, 80%), với tiểu học còn cao hơn (hơn 90%).
|
Lớp học của trẻ em khuyết tật do chất độc da cam Làng Hoà Bình Thanh Xuân |
Đặc biệt, đối tượng mầm non là đối tượng mà ở các nước không có chính sách khuyến khích mấy, nhưng ở Việt Nam đã được đưa thành đối tượng mà Ngân sách Nhà nước bảo đảm. Đây là điều kiện giúp năng lực, trí tuệ của trẻ em được phát triển khá tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chúng ta phải tiếp tục phấn đấu. Ngay như vấn đề sức khỏe, giáo dục thì vẫn còn hàng triệu trẻ em bỏ học, dồn lại từ nhiều năm, chưa được đến trường, hoặc trẻ em khuyết tật, cũng chưa được học, hay trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, cũng chưa được học.
Tuy tỷ lệ đó chỉ chiếm 4 – 5% nhưng đó là những con số được liệt vào hoàn cảnh rất khó khăn, nếu chúng ta muốn bảo đảm toàn trẻ em được đến trường thì phải tính đến cả đối tượng này.
Chúng ta còn về vấn đề bảo vệ trẻ em. Chúng ta có đặt ra chỉ tiêu, có chuẩn bị những chiến lược để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên tình hình phát triển kinh tế xã hội có những vấn đề mới đặt ra nên chưa hoàn thành chiến lược một cách rõ ràng.
Chúng ta phải giải quyết từng mục tiêu một và kết hợp một cách có hệ thống, toàn diện đồng bộ của xã hội làm cho vấn đề trẻ em được bảo vệ từ cấp I, cấp II, cấp III, giảm bớt những xâm hại, tai nạn, hay những việc làm không an toàn.
BTV: Mặc dù những năm qua Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, tăng thêm nguồn lực cho các mục tiêu vì trẻ em. Tuy nhiên, khuôn khổ luật pháp, chính sách và hệ thống tư pháp về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Một số nhóm đối tượng trẻ em đặc biệt chưa được đưa vào Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em như: trẻ em bị lạm dụng, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em ảnh hưởng từ các vụ ly hôn, buôn bán, trẻ em là con nuôi, di cư, sống trong các hộ nghèo… Đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước ông Nguyễn Trọng An bình luận gì về vấn đề này?
BS. Nguyễn Trọng An: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Từ ngày Chính phủ ký công ước đến nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, hoạt động để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tốt hơn.
Pháp luật của Việt Nam ngày càng hài hoà hơn, phù hợp và cụ thể hơn đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, nguồn lực cho việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em hiện nay của Nhà nước thường năm sau cao hơn năm trước. Đáng nói là đã có sự vào cuộc của các ban, ngành trong xã hội, ngoài hệ thống của Nhà nước, là cộng đồng xã hội, các tổ chức quốc tế… đều vào cuộc tập trung giải quyết các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều điểm chưa cụ thể và chưa phù hợp. Điều này còn phải điều chỉnh dần dần để phù hợp với điều kiện của Việt Nam và hài hoà với luật pháp quốc tế.
Năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mới thay thế cho luật cũ năm 1991. Trong luật mới có rất nhiều điểm quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và gia đình về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em và có thêm một chương mới quy định về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
|
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt |
Tuy nhiên trong một xã hội phát triển có rất nhiều đối tượng trẻ em mới phát sinh trong giai đoạn vừa rồi như trẻ em bị buôn bán, trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, bởi ly hôn, trẻ em bị tai nạn thương tích, kể cả trẻ em nghèo. Trong chương mới về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa có quy định với những đối tượng trẻ em này. Trong khi những đối tượng trẻ em này cũng cần tới sự bảo vệ, chăm sóc và phải được quy định là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để đảm bảo các em cũng được hưởng các nguồn lực của xã hội để được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tốt hơn. Chúng ta cần nghiên cứu, chỉnh sửa để bổ sung thêm vào luật.
Ngoài ra, còn những loại văn bản luật khác như pháp luật về xử phạt hành chính, luật về hình sự…, chúng ta cũng sẽ phải nghiên cứu để dần dần phù hợp hơn, cụ thể hơn và phải dễ áp dụng trong cộng đồng, luật là để người dân dễ dàng thực hiện.
Hiện nay, Nhà nước rất quan tâm việc chỉnh sửa, ban hành các văn bản pháp luật vì đây là cơ sở để toàn cộng đồng, xã hội có căn cứ triển khai, điều chỉnh các dự án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
BTV: Hiện nay đang tồn tại thực tế có một khoảng cách rất lớn giữa trẻ em nghèo nông thôn và thành thị. Trẻ em sống ở các khu vực nông thôn có tỷ lệ nghèo cao hơn. Ngoài ra, cũng có sự phân hoá rất lớn về tỷ lệ trẻ em nghèo giữa các khu vực, vùng miền. Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, chúng ta phải làm thế nào để rút ngắn khoảng cách đó?
Bà Trần Thị Thanh Thanh: Nhà nước ta có rất nhiều chính sách để xoá đói giảm nghèo, trong việc xoá đói giảm nghèo chung chắc chắn cũng sẽ đi đến một cái đích là làm cho cuộc sống của các trẻ em nghèo trong hộ nghèo được cải thiện hơn và rút ngắn được khoảng cách với các trẻ em có điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, tôi thấy rằng không chỉ trẻ em nghèo, kể cả những em không nghèo nhưng lại có hoàn cảnh sống rất khó khăn, éo le.
Do vậy, để rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống các trẻ em nghèo và những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với những trẻ em bình thường khác, có 3 yếu tố chúng ta phải phấn đấu: Thứ nhất, đó là phía Nhà nước, hiện nay Nhà nước cũng đang rất nỗ lực, cố gắng bằng các chính sách, luật pháp và nguồn lực; Thứ hai là xã hội, tuy rằng các trẻ em của chúng ta đã có được sự quan tâm rất đồng đều của các lực lượng xã hội, và ngày càng có nhiều tổ chức xã hội ra đời để chăm lo cho trẻ em; Thứ ba, yếu tố rất quan trọng đó là bản thân gia đình của trẻ em khó khăn cũng phải phấn đấu vươn lên, nếu cứ ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, xã hội thì chính sách chăm sóc trẻ em sẽ không được phát huy và khoảng cách giữa trẻ em sẽ mãi mãi kéo dài.
|
|
Hiện nay, chúng ta có chính sách xoá đói giảm nghèo ở miền núi, thế nhưng người dân nếu cứ sống theo kiểu rải rác, hộ ở trên đồi, hộ ở trên núi… rất khó để có thể xây dựng trường học sát với khu vực trẻ em sinh sống. Cho nên, bản thân những gia đình đó cũng phải chấp hành và hưởng ứng chính sách của Nhà nước về ở những khu vực tập trung để trẻ em có điều kiện được đến trường gần hơn. Hay muốn khám sức khoẻ cho trẻ em, thì trẻ em cũng phải sống ở những khu vực tập trung.
Không riêng gì nông thôn, mà ngay cả ở thành thị cũng có những trẻ em nghèo, khoảng cách rất xa với trẻ em bình thường. Tuy nhiên, nếu ở những hộ gia đình đó, cha mẹ không có trách nhiệm với con cái, bắt con mình đi ăn xin lấy tiền về nuôi bố mẹ trong khi bố mẹ đi đánh bạc thì đó không còn do yếu tố Nhà nước, yếu tố xã hội.
Tôi muốn nhấn mạnh lại đó là việc phải thực hiện đầy đủ cả 3 yếu tố, đặc biệt yếu tố gia đình phải hưởng ứng và tự giác nâng trách nhiệm của mình lên.
Ngoài 3 yếu tố trên, vấn đề thông tin, truyền thông cũng góp phần rất quan trọng, để nâng nhận thức của đối tượng nghèo, tạo điều kiện cho họ có được kiến thức, tự họ sẽ tìm ra cho mình con đường tốt nhất để giải quyết cái nghèo cho gia đình và trẻ em.
Muốn làm được như vậy, phải xây dựng được một lực lượng nòng cốt tuyên truyền ở chính khu vực có đối tượng sinh sống, bản thân những con người của khu vực ấy, cộng đồng ấy. Ví như đối với người khuyết tật thì chọn chính những người khuyết tật, có như vậy họ mới nắm được tâm lý cũng như hoàn cảnh chung của trẻ em khuyết tật; ở khu vực miền núi phải đúng là những người sinh sống ở miền núi thì mới hiểu được trẻ em ở khu vực ấy cần gì và phải làm như thế nào.
BTV: Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020. Như vậy tới nay chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010. Thưa ông Nguyễn Trọng An, theo ông cho đến thời điểm này, các mục tiêu đặt ra của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 còn mục tiêu nào chưa đạt được? Trong Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em ở giai đoạn tới đây chúng ta có cần phải đặt thêm mục tiêu nào nữa không?
BS. Nguyễn Trọng An: Sau khi Việt Nam ký công ước về quyền trẻ em, mỗi giai đoạn 10 năm chúng ta có Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam, chúng ta đã trải qua 2 chương trình hành động giai đoạn 1991-2000 và 2001-2010.
Chương trình hành động quốc gia 2001-2010 có đưa ra 15 mục tiêu cụ thể và nhiều chỉ tiêu để đong đếm việc thực hiện các mục tiêu đó. Có thể nhận định chung là các mục tiêu về chăm sóc trẻ em như giáo dục, y tế chúng ta đã làm rất tốt, đã đạt được mục tiêu đề ra. Ví như chúng ta đề ra mục tiêu hạ thấp tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi vào năm 2010 còn 25‰, nhưng hiện nay chúng ta đã đạt được chỉ còn 17‰ thôi; Hay tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 5 tuổi, chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 là 32‰ nhưng hiện nay chúng ta đã đạt dưới 28‰.
|
|
Những mục tiêu về chăm sóc y tế và giáo dục hầu hết chúng ta đã đạt và vượt, thậm chí về đích sớm hơn chương trình hành động đề ra. Tuy nhiên, còn một số mục tiêu khác như bảo vệ trẻ em, chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì chúng ta thấy là khó đạt. Còn hơn 1 năm nữa chúng ta phải rất cố gắng mới có thể đạt được, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng, bị HIV/AIDS, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật, khuyết tật, trẻ em bị buôn bán, bị bạo lực, bị tai nạn thương tích. Để đạt được, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương với những chính sách phù hợp, cụ thể, dễ áp dụng cho địa phương; đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, bởi nghèo là cái gốc, cái cội rễ làm cho trẻ em không được tiếp cận với các quyền cơ bản của mình, không được bình đẳng như các trẻ em khác, trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng nhiều hơn, bị tai nạn thương tích nhiều hơn, bị rủi ro nhiều hơn.
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội là cơ quan hiện nay được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan cố gắng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Muốn thực hiện các mục tiêu đề ra cho Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2001-2010 cần phân tích các nguyên nhân tại sao sau 8 năm chưa thực hiện được. Đầu tiên phải nói tới hệ thống văn bản, chính sách pháp luật.
Còn nhiều văn bản pháp luật chưa cụ thể, khó áp dụng, không phù hợp với các đối tượng hiện nay. Do đó phải kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉnh sửa thậm chí nếu cần phải ban hành mới để chính sách pháp luật phù hợp hơn. Bên cạnh đó là vấn đề ngân sách của Nhà nước cho lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Vấn đề này hiện còn phân tán, chưa tập trung thành nguồn chính thống, đặc biệt với đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì nguồn ngân sách còn rải rác, cần tập trung đẩy mạnh hơn, Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn.
Một vấn đề nữa là đội ngũ cán bộ được đào tạo, có kỹ năng làm việc với trẻ em để thực hiện các ý tưởng lớn, các chính sách, chương trình của Nhà nước xuống cộng đồng, hiện nay chúng ta còn nhiều khó khăn trong vấn đề này. Đặc biệt ở dưới cộng đồng, chúng ta còn thiếu hụt mạng lưới cán bộ làm việc với trẻ em. Chúng ta cũng đã nhận thức được vấn đề này và thấy rằng phải đẩy mạnh yếu tố này lên từ đó mới thực hiện được công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các hoạt động đề ra trong Chương trình hành động. Chúng ta cũng cần nghiên cứu cải thiện cơ chế phối hợp, ngành nào chịu trách nhiệm chính, ngành nào phối hợp để thực hiện các mục tiêu; nếu ngành nào cũng là chính hay ngành nào cũng nghĩ mình không phải là chính sẽ rất khó thực hiện các mục tiêu đề ra.
|
Bản thân mỗi gia đình phải nhận thức được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình |
Cuối cùng, một vấn đề phải quan tâm đến là công tác vận động cộng đồng. Bản thân mỗi gia đình, bản thân trẻ em phải nhận thức được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình.
Trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em cho 10 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu đang khó đạt, đồng thời tiếp tục phân tích để đưa ra những dự đoán đón đầu những vấn đề sẽ nảy sinh trong 10 năm tới về lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đồng thời đưa ra được những mục tiêu phù hợp có tính khả thi.
BTV: Có ý kiến cho rằng, đặc điểm cá nhân trẻ em và hộ gia đình mà các em sống có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nguy cơ nghèo đói ở trẻ em đó. Bà có đồng tình với ý kiến này? Theo bà, vai trò của gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em?
Bà Trần Thị Thanh Thanh: Lẽ tất nhiên, gia đình và trẻ em là những yếu tố không thể tách rời. Theo tôi, có 3 yếu tố gắn chặt với nhau đó là phụ nữ, gia đình và trẻ em. Nếu gia đình tốt thì chắc chắn trẻ em sẽ có được cuộc sống tốt hơn. Gia đình có vai trò đầu tiên trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện cho các em phát triển và hình thành nhân cách. Chính vì vậy, Nhà nước chúng ta có Ngày gia đình với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình với xã hội, của gia đình với trẻ em mà trong đó quyền trẻ em, quyền của phụ nữ, quyền mỗi thành viên gia đình được tôn trọng.
Tuy nhiên, khi nói đến gia đình ta hay nhấn mạnh khía cạnh trách nhiệm của gia đình đối với trẻ em. Tinh thần mới của Công ước và của một thế giới phù hợp với trẻ em thì người ta yêu cầu Nhà nước phải tạo điều kiện để củng cố gia đình cho mạnh, cho bền vững, giúp bảo vệ gia đình ấy và tạo điều kiện mô hình gia đình có những yếu tố cần thiết thực hiện tốt vai trò của mình. Trách nhiệm của xã hội, của nhà nước là giúp cho mô hình gia đình có nguồn lực, kiến thức, kỹ năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
BTV: Làng trẻ Hoà Bình từ lâu được biết đến là nơi nuôi dưỡng những trẻ tàn tật bẩm sinh do chất độc da cam. Chăm sóc trẻ thơ là một công việc không dễ, nhất là chăm sóc trẻ khuyết tật. Điều này đòi hỏi một tấm lòng. Xin hỏi bà Nguyễn Thị Thanh Phương, đã bao giờ bà cảm thấy nản lòng chưa?
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương |
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương: Nếu nói là nản lòng thì chưa bởi vì bên cạnh tôi còn có rất nhiều đồng nghiệp và sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với những người có tấm lòng nhân hậu luôn giúp đỡ, động viên giúp đỡ và chia sẻ trong công việc của tôi, nhất là các cán bộ công nhân viên của làng Hoà Bình, Thanh Xuân đều là những người có tấm lòng yêu trẻ, coi các con như người thân trong gia đình mình.
BTV: Hiện nay, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân chất độc da cam ở làng Hòa Bình đang được thực hiện như thế nào ạ, thưa bà Thanh Phương?
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương: Nhiệm vụ của chúng tôi là phục hồi toàn diện cả về thể chất và trí tuệ cho trẻ em khuyết tật, chủ yếu là trẻ em khuyết tật do chất độc da cam.
Ở đây chúng tôi vừa như một cơ sở y tế chuyên ngành về phục hồi chức năng vừa như một cơ sở giáo dục chuyên ngành đặc biệt. Chúng tôi thường áp dụng các phương pháp, kể cả kết hợp các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp, day bấm huyệt toàn thân cho các cháu, đồng thời kết hợp các phương pháp tiên tiến.
Hai năm gần đây, chúng tôi được Chủ tịch Hội điều trị laze của Nhật Bản vừa chuyển giao công nghệ vừa đào tạo chuyên ngành phục hồi chức năng. Hội cũng đã tặng cho làng 2 máy laze phục vụ công việc điều trị phục hồi chức năng cho các cháu. Chính vì vậy, hiệu quả điều trị ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh những phương pháp cổ truyền và hiện đại, chúng tôi còn áp dụng tất cả các phương pháp như viện trị liệu, các dụng cụ trợ giúp, tất cả các phương pháp có thể để nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho các cháu. Chính vì vậy trong những năm qua, rất nhiều cháu đã được phục hồi chức năng, trở về với gia đình và cộng đồng ở các cấp độ khác nhau, tất nhiên còn phụ thuộc vào khả năng và mức độ khuyết tật của các con.
BTV: Vừa là một người thầy, vừa là một người mẹ, nếu có một mong ước lớn nhất cho trẻ em bà mong ước điều gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương: Tôi ước một điều tất cả chúng ta cùng chung sức, chung lòng dành những gì tốt nhất cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật do chất độc da cam.
BTV: Thưa bà Trần Thị Thanh Thanh, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đến nay đã trải qua một năm hoạt động. Những ngày đầu hoạt động chắc có không ít khó khăn, bà có thể chia sẻ một số công việc mà Hội đang triển khai và những kết quả mà Hội đã đạt được đến thời điểm này?
|
Chăm sóc trẻ em khuyết tật do chất độc da cam ở Làng Hoà Bình Thanh Xuân |
Bà Trần Thị Thanh Thanh
: Khó khăn thì rất nhiều. Bạn hãy hình dung một gia đình vợ chồng trẻ mới cưới mà không có vốn, không có nhà thì khó khăn như thế nào, mà đây lại là một tổ chức.
Tuy rằng vậy, sau một năm hoạt động nhờ sự quan tâm ủng hộ của Nhà nước và xã hội quan tâm ủng hộ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giúp chúng tôi về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, sự ủng hộ về tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức… hiện nay chúng tôi đã xây dựng được chiến lược, kế hoạch hoạt động của Hội từ nay đến năm 2020 và một kế hoạch trung hạn đến 2012, ngắn hạn đến 2010. Kế hoạch này đã được UNICEF cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giúp chúng tôi hoàn thiện, triển khai. Đây là việc cơ bản nhất bởi có đặt được nền tảng này chúng ta mới có được hướng đi bền vững.
Thứ hai, tập trung vào phát triển tổ chức. Hiện nay Hội đã phát triển được ở 6 tỉnh với 7 chi hội. Đó là những cơ sở, đơn vị tình nguyện, sẵn sàng tham gia các hoạt động vì trẻ em.
Thứ 3, Hội đã ban đầu truyền thông được về tổ chức, nói với dư luận quốc tế biết Việt Nam đã có được một tổ chức xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho trẻ em. Thông qua các sự kiện Trông trăng dịp Rằm Trung thu dành cho trẻ em, Trâu đất kết nối yêu thương… Hội đã truyền thông quảng bá trong cộng đồng cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Hiện nay Hội đang thí điểm xây dựng dịch vụ Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và Tiếp sức cho trẻ em bỏ học được đến trường. Ngoài ra, Hội cũng cố gắng kết nối mạng các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức xã hội đang làm việc tại Việt Nam để làm sao tất cả những tiếng nói rời rạc ấy được tập chung, cùng trao đổi, bàn bạc để từ đó có những kiến nghị với Nhà nước về các chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em./.
VOV