Thứ Ba, 26/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 1/6/2009 17:41'(GMT+7)

Vấn đề đảng viên sinh con thứ 3 ở Thanh Hóa

Cầu hàm Rồng-địa danh lịch sử

Cầu hàm Rồng-địa danh lịch sử

Ba năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị , khóa IX về « Tiếp tục đấy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoach hóa gia đình » cũng là 3 năm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về khách quan và chủ quan. Khó khăn về thiên tai bão, lũ, rét hại kéo dài ; khó khăn về dịch bệnh ; khó khăn về việc tách nhập và giải thể tổ chức bộ máy làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến cơ sở...

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trên, công tác dân số và kế hoach hóa gia đình cũng có nhiều thuận lợi. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo ; các ban, ngành, đoàn thể có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công việc. Đặc biệt là sự cố gắng, nhiệt tình của đội ngũ những người làm công tác DS&KHHGĐ các cấp. Vì lẽ đó, công tác DS&KHHGĐ trong thời gian qua, đã đạt được một số kết quả quan trọng

Trước hết về nhận thức hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền , các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác DS&KHHGĐ trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Nhiều các cặp vợ chồng, nhiều gia đình đã chấp nhận qui mô gia đình chỉ có một hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt. Và chỉ có sinh đẻ có kế hoạch thì mới góp phần xóa đói giảm nghèo, gia đình ổn định, hạnh phúc và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững...

Cùng với những kết quả nêu trên, công tác DS&KHHGĐ vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Đó là : kết quả giảm sinh không vững chắc, bình quân mỗi năm chỉ giảm được 0,65%0 ; hiệu quả chuyển đổi hành vi trong công tác DS&KHHGĐ còn yếu ; hoạt động dịch vụ KHHGĐ ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa kịp thời và đầy đủ ; chỉ tiêu đình sản chưa đạt ; chất lượng dân số còn thấp, mức sống giữa các vùng miền còn có sự chênh lệch quá lớn ; hiện tượng mất cân bằng giới tình ngày càng tăng ; tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn ở mức cao và giảm chậm, năm 2004 là 14,1% , năm 2007 là 13,3% và đến năm 2008 là 13,85% Đặc biệt là vấn đề đảng viên sinh con thứ 3 có xu hướng ngày càng tăng . Những hạn chế nêu trên là những thách thức, cản trở trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin đi sâu và đề cập đến vấn đề đảng viên sinh con thứ 3 trong thời gian 3 năm qua thực trạng và giải pháp.

Từ lâu quần chúng nhân dân đã có câu : Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Câu ca trên cũng có nghĩa là quần chúng nhân dân muốn đề cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong mọi công việc để từ đó làm tấm gương cho quần chúng noi theo và học tập. Nghị Quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX cũng đã chỉ rõ : « Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình ». Theo báo cáo của các huyện, thị, thành ủy tổng số đảng viên sinh con thứ 3 trong 3 năm qua là : 326 (trong đó năm 2006 : 151, năm 2007 : 88 và năm 2008 :87 ).

Như vậy, qua số liệu trên cho chúng ta thấy số lượng đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn ở mức cao, tuy 2 năm gần đây có giảm song vẫn chưa ổn định và còn chậm. Điều đáng băn khoăn ở đây là phần lớn các huyện đồng bằng, ven biển và thị xã số đảng viên sinh con thứ 3 lại cao hơn các huyện miền núi . (như Quảng Xương năm 2006 là 9 ; Hoằng Hóa năm 2006 là 11, năm 2007 là 13 và năm 2008 là 8 ; tương ứng qua từng năm với các huyện Hậu Lộc là 11- 6 -7, Nông Cống là 8-7-4, Thiệu Hóa là 6-6-9 ; Yên Định là 6-3-9..). Nhiều huyện miền núi có năm không có đảng viên sinh con thứ 3 (như : Quan Sơn,Thạch Thành, Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân... ).

Việc xử lý đảng viên sinh con thứ 3 toàn tỉnh, cụ thể qua các năm như sau :

Năm 2006 : Khiển trách 7, cảnh cáo 42, khai trừ 65 và cách chức 4.

Năm 2007 : KT 4, CC 24, KT 51 và CC 2.

Năm 2008 : KT 2, CC 50, KT 13 và CC 8.

Số còn lại là do một số huyện chưa xử lý và một số xin ra khỏi đảng.

Đảng viên sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách DS&KHHGĐ cần phải xử lý nghiêm như Nghị quyết 47- NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX đã chỉ rõ : « Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình » và Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTW ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện Qui định 94 của Bộ Chính Trị về « xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm » cũng đã nêu rất cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng, từng trường hợp vi phạm chính sách DS&KHHGĐ để xử lý . Tuy nhiên, việc xử lý cũng mỗi nơi một khác, mỗi năm một khác. Nơi nghiêm, nơi chưa nghiêm ; nơi làm, nơi không làm ; năm nặng, năm nhẹ...

Phải chăng từ thực trạng trên nên dẫn đến nguyên nhân vẫn còn nhiều đảng viên sinh con thứ 3 trên địa bàn toàn tỉnh. Và đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tỉ lệ người sinh con thứ 3 ở tỉnh ta còn cao.

Tác hại của việc sinh đẻ không có kế hoạch đối với cuộc sống của từng gia đình của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia cả trước mắt và lâu dài ai cũng đã rõ.

Chưa muộn, vẫn còn đủ thời gian để mỗi chúng ta tỉnh táo nhìn nhận và có cách làm tốt nhất.Vậy làm sao và làm như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tiến tới không còn đảng viên sinh con thứ 3. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp cả trước mắt và lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ. Trước mắt cần tập trung làm tốt một số việc sau :

- Trước tiên phải nhanh chóng kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, bộ máy làm công tác DS&KHHGĐ các cấp. Thành lập Ban chỉ đạo công tác DS&KHHGĐ tỉnh, huyện và Ban DS- KHHGĐ xã, phường, thị trấn theo Kết luận số 44-KL/TW ngày 1 tháng 4 năm 2008 của Bộ Chính trị, khóa X về « Tiếp tục thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình ».

- Đấy mạnh công tác truyền thông, thông tin để mọi người hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cần quan tâm đến công tác DS&KHHGĐ. Việc giảm tỷ suất sinh và không có người sinh con thứ 3 hàng năm phải trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, đơn vị và từng tổ chức, đoàn thể. Hàng năm, trong việc đánh giá phong trào thi đua, xét tặng các danh hiệu thi đua, nâng lương, bổ nhiệm, đề bạt các chức danh cho tập thể và cá nhân phải lấy việc thực hiện công tác DS&KHHGĐ làm căn cứ quan trọng.

- Đảng viên sinh con thứ 3 phải xử lý nghiêm theo qui định. Gia đình cán bộ, đảng viên, dòng họ và địa phương, đơn vị 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 và làm tốt công tác DS&KHHGĐ cần được khen thưởng thỏa đáng.

Trong điều kiện và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng hiện nay vẫn còn nghèo đói . Qui mố dân số còn cao và chất lương dân số còn thấp... Vì vậy việc thực hiện thật tốt chính sách DS&KHHGĐ sẽ góp phần rất quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Tào Khắc Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất