Xác định được tầm quan trọng của công tác này, trong thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai chiến lược một cách rộng khắp và đem lại những kết quả quan trọng. Bình quân hàng năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm 1,5 - 2,2%.
Với điều kiện của một tỉnh còn nghèo, tỉ lệ dân số sống ở nông thôn chiếm trên 80%, trong đó gần 20% dân số sống ở những vùng núi cao. Nhận thức của đại bộ phận nhân dân về dinh dưỡng và cải thiện dinh dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống y tế ở cơ sở nhiều nơi vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo đối với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân... Song, với mạng lưới tuyên truyền rộng khắp đã góp phần nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chăm sóc sức khoẻ; cùng với sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ y tế, dân số, gia đình và trẻ em các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể, trong thời gian qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh ta đã đạt bước tiến bộ mới.
Việc thực hiện“Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010” và Chương trình hành động“Vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2001 - 2010” đã được triển khai rộng khắp, bao phủ trên khắp 240/240 xã, phường, thị trấn, thể hiện dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú. Qua hệ thống Đài truyền thanh - truyền hình và hệ thống loa, đài địa phương 1-2lần/tuần đã truyền tải mỗi năm trên 1350 bản tin, bình quân mỗi năm phát trên 236 bản tin, các mô hình trực quan sinh động... với nội dung trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn người dân kiến thức thực hành dinh dưỡng. Hàng ngàn lượt người được cộng tác viên và cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tư vấn, tuyên truyền trực tiếp về tầm quan trọng và các chế độ dinh dưỡng. Trong ngày vi chất dinh dưỡng và Tuần lễ dinh dưỡng hàng năm, các loại hình băng rol, tờ rơi với nội dung về nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em... được thực hiện khá sôi nổi. Hàng năm, từ tỉnh đến huyện, xã đều có 04 lần dùng xe tuyên truyền lưu động chạy trên các tuyến đường chính đến các khu tập trung đông dân cư, các nơi công cộng phổ biến các nội dung về vấn đề dinh dưỡng. Tại các trụ sở y tế đều được bố trí các loại áp phích có tác dụng hướng dẫn về chế độ ăn uống sao cho đủ vi chất, cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, vệ sinh trong ăn uống... và thường xuyên có tranh hướng dẫn dinh dưỡng cho mọi người tham khảo, ứng dụng...
Với những nỗ lực như trên, trong những năm qua, đã có rất nhiều đơn vị, địa phương làm tốt chương trình giáo dục nâng cao kiến thức dinh dưỡng trong nhân dân, đáng chú ý là tuyến huyện có (Quế Sơn, Hội An, Phước Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Điện Bàn...); ở tuyến xã gồm: Điện Thọ (Điện Bàn), Cẩm Châu (Hội An), xã Duy Trinh (Xuy Xuyên), Tam Thăng (Tam Kỳ), Tam Hiệp (Núi Thành)... góp phần làm nên những kết quả đáng kể: Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là từ 31,86% năm 2000 xuống còn 20,5% vào năm 2008; giảm tỉ lệ trẻ em chết dưới 01 tuổi còn 9,69%...Tuy nhiên, thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay được phản ánh qua cuộc điều tra mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã nổi lên một số vấn đề về thể trạng, độ tuổi suy dinh dưỡng... cần được ngành chức năng cũng như xã hội quan tâm để đầu tư đúng thời điểm, đúng mức, đúng độ tuổi để nâng cao chất lượng thể trạng cho các thế hệ tương lai. Hiện nay, toàn tỉnh ta có hơn 107.000 trẻ em dưới 5 tuổi, báo cáo điều tra trẻ em dưới 5 tuổi SDD toàn tỉnh năm 2008, cho thấy: Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân là 20,4%, giảm 1,6% so với năm 2007, trong đó, suy dinh dưỡng mức độ vừa chiếm 18,5%, mức độ nặng chiếm 1,9%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng này cao dần ở độ tuổi từ 13 tháng trở lên và thấp nhất ở độ tuổi 0-5 tháng tuổi là 5,9%. Theo phân loại của WHO về phân mức tỉ lệ SDD thì tình trạng SDD nhẹ cân ở tỉnh ta vẫn còn khá cao; Tỉ lệ trẻ em SDD thể thấp còi là 35.0%, giảm 0,8% so với năm 2007; Tỉ lệ trẻ gầy còm chiếm 7.9%... Và báo cáo còn phản ánh, trong số 7.9% trẻ suy dinh dưỡng gầy còm thì có 2,7% đi kèm theo là chiều cao thấp và 5,2% gầy còm nhưng chiều cao vẫn bình thường, ở trẻ gái, phần trăm trẻ thấp còi kết hợp với gầy còm cao hơn so với trẻ trai đến 0,4%...
Những con số về các thể SDD trẻ em dưới 5 tuổi vừa nêu vẫn được coi là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng và toàn xã hội về tính bền vững và chất lượng dân số của tỉnh ta trong tương lai. Bởi, nguyên nhân chính của tình trạng SDD vẫn cần có thời gian để đầu tư, khắc phục vì nó phụ thuộc vào các giải pháp nâng cao trình độ dân trí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, song, những nguyên nhân hàng đầu vẫn là: kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn, miền núi còn rất thấp, số gia đình sinh nhiều con vẫn cao, nên điều kiện dành cho việc chăm sóc, nuỗi dưỡng trẻ rất hạn chế. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học (biểu hiện ở sự ăn uống, kiêng khem). Bên cạnh đó, chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức với những kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản đến các bà mẹ chưa đầy đủ; sự quan tâm của các cấp uỷ, các ngành ở cơ sở chưa thật sự chu đáo...
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Một chế độ dinh dưỡng tốt, phù hợp ngay từ khi bà mẹ có thai và trong suốt quá trình sống của mỗi cá nhân sẽ tạo nên một sức khỏe tốt, tuổi thọ được nâng cao và giống nòi được cải thiện. Vì vậy, hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em là rất lớn, các em bị thiệt thòi về khả năng phát triển trí não, thể lực, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cả kinh tế của gia đình, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội... là nguyên nhân lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số.
Từ những thực tế này, trong thời gian tới, để công tác phòng chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh ta mang lại hiệu quả cao hơn, đầu tiên, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương với ngành Y tế, cũng như các Hội đoàn thể trên địa bàn; kịp thời củng cố Ban chỉ đạo Chương trình tại mỗi địa phương để có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện nước rút Chương trình mục tiêu Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 đạt hiệu quả. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư về mọi mặt, tạo điều kiện để các huyện miền núi cao của tỉnh thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dần đời sống của mỗi người dân.
Thiết nghĩ, khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình và toàn thể xã hội, hãy chung sức, đồng lòng, thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ của mình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống, tạo nguồn lực vững mạnh cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phạm Thị Điểm, Ban Tuyên giáo Quảng Nam