Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 10/3/2016 20:0'(GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương: Tham vấn báo chí về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Hoàng Sơn)

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Hoàng Sơn)

Sáng 10-3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức “Hội thảo tham vấn các cơ quan báo chí về đấu tranh với nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã” về việc thực thi công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định buổi hội thảo tham vấn sẽ là diễn đàn, là cơ hội để chia sẻ, trao đổi thông tin và thảo luận giữa những người làm công việc định hướng truyền thông, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ và các bên có liên quan trong việc bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam. Từ đó, nhằm cung cấp thêm các thông tin đa chiều, toàn diện, chính thống, chính xác, khách quan và toàn diện về công tác quản lý và sử dụng các loài hoang dã thuộc CITES tại Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo tồn loài hoang dã, đồng thời hỗ trợ cho công tác phòng chống buôn bán trái phép các loài hoang dã, đảm bảo lợi ích và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Trong thời gian gần đây, với sự gia tăng của tình trạng buôn bán trái phép xuyên biên giới mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, đe dọa mất cân bằng sinh thái, có nguy cơ đẩy nhiều loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đến bờ tuyệt chủng.

Buôn bán trái phép các loài hoang dã đã được coi là nguyên nhân thứ hai sau mất sinh cảnh ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học và tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần và sự phát triển bền vững của nhiều cộng đồng. Không những thế, hoạt động này gây tác động xấu đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của các quốc gia với cộng đồng thế giới.

Có thể thấy, vấn nạn gần đây đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, cộng đồng thế giới và tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị cao cấp đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 2 vừa qua đã đưa nội dung đấu tranh với buôn bán trái phép động vật hoang dẫn thành một trong những tuyên bố chng quan trọng để đưa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cùng phối hợp để đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Gần đây nhất, nội dung này cũng có trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết ngày 4-2-2016.

Để phối hợp ở cấp độ toàn cầu trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các loài động vật, thực vật hoang dã, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994. Như vậy, Việt Nam đã tham gia công ước này hơn 20 năm. Tuy vậy, vẫn còn là một nước có số lượng tiêu thụ loài hoang dã phục vụ cho thực phẩm, làm thuốc và thú cảnh còn cao, đồng thời là nước nằm ở vị trị địa lý thuận tiện giao thương với Trung Quốc, là nước có thị trường tiêu thụ, sử dụng loài hoang dã lớn nhất thế giới. Nhiều tổ chức cho rằng Việt Nam trở thành một trong những điểm trung chuyển và buôn bán trái phép mẫu vật của loài nguy cấp, quý, hiếm lớn nhất trên thế giới từ các nước trong khu vực và các nước từ châu lục khác, đặc biệt là mẫu vật ngà voi và sừng tê giác, đồng thời chỉ trích sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có nguyên nhân là hình phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ và chưa được xử lý đúng với các quy định của pháp luật.

Đề cập tới phòng chống tội phạm động vật hoang dã, hành động của cơ quan thông tấn, báo chí, bà Hoàng Bích Thủy, Quản lý chương trình Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tội phạm động vật hoang dã là do mang lại siêu lợi nhuận rủi ro với hình phạt thấp; nhu cầu khổng lồ của thị trường về dược phẩm, thực phẩm và xa xỉ phẩm, đặc biệt tại châu Á; xu hướng toàn cầu hóa và tự hóa thương mại; tiến bộ công nghệ cho phép thực hiện tội phạm dễ dàng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Phóng viên điều tra của Báo Lao Động đã nêu ra những khó khăn của các phóng viên điều tra về nạn giết hại, buôn bán, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã. Đó là khó khăn về địa bàn tác nghiệp; sự tinh ranh, manh động, quỷ quyệt và có dấu hiệu “mafia” của các đường dây buôn bán giết động vật hoang dã. Bên cạnh đó, chủ đề về động vật hoang dã không bao giờ cũng phải hấp dẫn, có sức tăng tiara hay lượng view (truy cập) cho tờ báo. Nhận thức của các cơ quan chức năng và người dân ở Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã còn không ít bất cập. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định, dù khó khăn, chúng ta cần ứng xử tử tế với thiên nhiên và môi trường. Chúng ta cần chung tay, quyết liệt hơn nữa để thực thi luật pháp đầy đủ hơn nữa, để các loài động vật hoang dã, môi trường sống nói chung sẽ được bảo vệ, phát triển sum vầy. Bởi bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ chúng ta. Nhân cách con người được hình thành và phát triển, không thể nào thiếu thiên nhiên, muông thú. Thiếu chúng, chúng ta sẽ dần trở thành những rô-bốt cô độc.

Tại cuộc hội thảo các đại biểu đã bàn luận nhằm đưa ra các hoạt động đề xuất của cơ quan báo chí nhằm giải quyết tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép. Từ đó, có những cam kết, cụ thể từ soạn báo sau hội thảo này là gì, có thể triển khai ngay nội dung gì trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị cần sự chung tay hỗ trợ từ các cơ quan thông tấn – báo chí. Trong đó, cần sự tuyên truyền giảm cầu dựa vào các bằng chứng khoa học: phổ biến các thông tin và bằng chứng khoa học về tác dụng của động vật hoang dã và các giải pháp thay thế. Hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã. Nhấn mạnh vào hậu quả nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Khuyến khích các thành tựu và nỗ lực của Chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm động vật hoang dã. Thúc đẩy các hoạt động thực thi các cam kết quốc tế. Phân tích vai trò của Bộ luật Hình sự sửa đổi với hình phạt tăng nặng hơn, tính răn đe cao hơn và phổ biến luật cho người dân.

Nước ta thực thi CITES – một thỏa thuận giữa các chính phủ nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán quốc tế không đe dọa đến sự tồn tại của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được xây dựng năm 1973 tại Mỹ. Trong bối cảnh nội dung này cũng có trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết ngày 4-2-2016TPP, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục pháp luật về thực thi CITES. Tăng cường giáo dục về ý nghĩa của việc phải bảo tồn đa dạng sinh học cũng như các loài động vật, thực vật hoang dã. Phát hiện cung cấp thông tin và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật như: khai thác, tàng trữ, chế biến, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã; tuyên dương các điển hình tiên tiến trong đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã./.

 

Thu Hằng – Hoàng Sơn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất