(TCTG)- Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị (GDLLCT) trong tình hình hiện nay đang là sự đòi hỏi cấp bách. Yêu cầu đổi mới công tác GDLLCT là thường xuyên đưa cái mới vào quá trình giáo dục để tạo ra sự phát triển mới, để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục mà vẫn giữ được ổn định.
Đổi mới không phủ nhận cái hiện hành mà là kế thừa và phát huy những thành tựu giáo dục đã thu được, tìm cách kết hợp một cách đúng đắn giữa truyền thống và hiện đại, làm cho công tác giáo dục đáp ứng kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, của sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị, đòi hỏi không chỉ nhấn mạnh việc áp dụng một số phương pháp mới, mà không kế thừa, cải tiến để làm tốt hơn nữa các phương pháp truyền thống, cũng không chỉ bằng lòng với việc cải tiến các phương pháp giáo dục, dạy học mới.
Đổi mới công tác GDLLCT là một quá trình có quan hệ đến tất cả các yếu tố của giáo dục, không thể tiến hành vội vã, vì nó đòi hỏi không chỉ có những phương tiện vật chất kỹ thuật mà còn phải thay đổi nhận thức, quan niệm và việc làm hàng ngày của người dạy và người học, của cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác giáo dục lý luận. Đổi mới công tác giáo dục cũng đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều yếu tố, nhiều khâu của quá trình giáo dục. Vì vậy việc đổi mới phải quyết tâm và có kế hoạch làm từng bước, tránh bảo thủ nhưng cũng phải tránh nôn nóng.
Nghị quyết TW5 (khóa IX) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới và Nghị quyết TW5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, đã khẳng định:
“...Cần đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp công tác giáo dục lý luận chính trị, coi trọng chất lượng và tính hiệu quả. Tổ chức học tập một cách nghiêm túc có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống cách mạng của Đảng và của dân tộc...”(1).
Để thực hiện tốt nội dung quan điểm trên, cần có những giải pháp cụ thể:
Trước hết, cần giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận chính trị là một yêu cầu khách quan trong tình hình hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:“... Đảng có vững kách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam...”(2).
Hoàn cảnh lịch sử hiện nay của thời đại và đất nước ta, đời sống chính trị xã hội có nhiều điều mới mẻ, lại đang diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng, thời cơ và thách thức đan xen nhau. Công tác lý luận và công tác GDLLCT càng hết sức quan trọng.
Trên thế giới, cũng như ở nước ta, chính trị không chỉ là một lĩnh vực của riêng các chính khách, các nhà chính trị, các cán bộ chính trị, mà còn nằm đan xen vào các lĩnh vực hoạt động xã hội khác. Trong kinh tế, văn hóa, khoa học... cho đến sinh hoạt, lối sống đều chứa đựng yếu tố chính trị. Đã ý thức được hay không, thì chính trị cứ thấm vào cuộc sống một cách tự nhiên, tất yếu. Muốn nhận thức và giải quyết được các yếu tố chính trị ấy một cách đúng đắn đều đòi hỏi phải có lý luận. Cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong khi tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, trong thực thi nhiệm vụ của mình lại càng đòi hỏi phải nắm vững lý luận. Bác Hồ đã chỉ rõ: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng - khoa học nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin; Đảng phải nhận thức sâu sắc bản chất cách mạng - khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và xác định đó là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Vì vậy, việc giáo dục lý luận chính trị nói chung, và giáo dục giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay trong hệ thống trường Đảng, trường của Nhà nước, trường của đoàn thể chính trị - xã hội và nhất là hệ thống giáo dục quốc dân càng đặt ra những yêu cầu bức xúc, mà Đảng và Nhà nước ta phải có giải pháp cụ thể, thiết thực để đổi mới đồng bộ, toàn diện về công tác GDLLCT.
Hai là, đổi mới nội dung công tác GDLLCT theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, hiệu quả thiết thực, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. GDLLCT phải phục vụ có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, gắn chặt với những nhiệm vụ cụ thể mà Đảng và Nhà nước đang giải quyết. Nói cách khác, thực tiễn hiện nay của đất nước, đang đặt ra vấn đề gì thì GDLLCT phải góp phần giải quyết những vấn đề đó.
Gắn lý luận với thực tiễn có hai mặt: lý luận chuyển thành hiện thực và hiện thực cũng phải hướng tới bổ sung, làm giàu cho lý luận. Hiện nay Đảng ta đang thực hiện việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, một xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - một xã hội đang tiến tới, theo mục tiêu lý tưởng và con đường đã được xác định. Hiện thực phải hướng tới lý luận, phải dựa vào những dự báo, những định hướng theo các quan điểm, đường lối của Đảng mà xây dựng các mô hình tiên tiến để hiện thực hóa lý luận. Tuy nhiên, trong học tập không phải mọi vấn đề thực tế đều có thể giải quyết được. Giải quyết một vấn đề thực tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố, có khi là cả một quá trình.
Hơn nữa mục tiêu học tập lý luận chính trị mà Đảng đề ra, không chỉ là để biết lý luận mà là giáo dục hình thành nhân cách chính trị, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, bao gồm ba yêu cầu cơ bản: Nâng cao nhận thức lý luận và đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng; rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực; phương pháp và phong cách công tác. Thực hiện mục tiêu này, trong quá trình GDLLCT phải kết hợp việc nâng cao nhận thức lý luận với bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và kết hợp nhuần nhuyễn trong tích cực học tập, nỗ lực làm theo tấm gương, đạo đức của Bác, với kỹ năng công tác, khắc phục việc truyền thụ tri thức lý luận đơn thuần, xem nhẹ rèn luyện, xa rời thực tiễn.
Ba là, đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học lý luận chính trị theo hướng phát huy tính sáng tạo chủ động của người học. Tính sáng tạo, chủ động, tích cực của người học, của cán bộ, đảng viên khi học là một nhân tố quyết định kết quả học tập. Đây cũng là yêu cầu của đổi mới công tác giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học lý luận chính trị. Yêu cầu này cũng xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Khi học có năng động thì khi ra công tác mới đáp ứng kịp những đổi thay nhanh chóng của xã hội, của khoa học công nghệ trong thời đại ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: người học phải biết “tự động học tập... phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập... Phải nêu cao tác phong độc lập trong suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì, phải đặt câu hỏi “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(3).
Bốn là, từng bước hiện đại hóa điều kiện làm việc, trang thiết bị, hệ thống thông tin, tư liệu trong và ngoài nước phục vụ công tác GDLLCT. Những công nghệ mới về thông tin và truyền thông ứng dụng vào giáo dục đang tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục, từ nội dung chương trình đào tạo đến phương pháp dạy học và quản lý giáo dục, từ hình thức giáo dục tập trung, chính quy đến hình thức không chính quy, tại chức, giáo dục mở, giáo dục từ xa.
Trước yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ với tầm nhìn và hành động về vấn đề ứng dụng những công nghệ mới về thông tin và truyền thông có bảng phân loại các mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình thông tin, rồi từ mô hình thông tin sang mô hình kiến thức như sau:
Ba mô hình giáo dục:
Theo bảng phân loại trên, giáo dục nước ta nói chung, giáo dục lý luận chính trị nói riêng, đang ở nơi bắt đầu sự quá độ từ mô hình truyền thông sang mô hình thông tin. Nói chung sự quá độ này sẽ diễn ra nhanh dần trong thời gian sắp tới.
Áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo từ mô hình truyền thống sang mô hình thông tin, đem lại nhiều cái lợi cho quá trình giáo dục như cá nhân hóa quá trình học tập, giúp cho việc học liên môn, xuyên môn, giáo viên có thể giảng dạy phù hợp với năng lực của từng học sinh... Có hạn chế chủ yếu là khó có hiệu quả đối với những chủ đề liên quan đến xúc cảm, quan hệ đến con người.
Việc sử dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: đầu tư trang thiết bị công nghệ mới, đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ thông tin, người học cũng phải học để biết học tập lao động và sống với những công nghệ thông tin... Sử dụng công nghệ thông tin vào GDLLCT sẽ tác động đến việc xác định mục tiêu, sửa đổi nội dung chương trình và phương pháp giáo dục, cải tiến việc đánh giá và quản lý giáo dục... đòi hỏi một sự nỗ lực lớn của mọi người.
Trên đây là một số suy nghĩ về giải pháp nhằm góp phần đổi mới nâng cao chất lượng công tác GDLLCT ở các cấp trong hệ thống trường Đảng, trường Nhà nước, trường đoàn thể chính trị-xã hội và hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình hiện nay./.
Hoàng Quốc Đạt
Chuyên viên Cao cấp
———————
(1) Trích NQ TW5 khóa IX; NQ TW5 khóa X.
(2), (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, tr.499-500, 314