Độ tin cậy của một nền báo chí biểu hiện độ tin cậy của chính hệ thống xã hội. Vì thế, để củng cố và gia tăng lòng tin trong xã hội - một trong những động lực của sự phát triển trong xã hội hiện đại - không thể không cổ xúy và tôn trọng tính trung thực, tính khách quan và tính chiến đấu của nhà báo.
Con người sở dĩ sống được với nhau là nhờ có lòng tin vào nhau. Tin cậy nhau nghĩa là yên tâm cho rằng người khác cũng nghĩ như mình và sẽ cư xử đúng như mình mong đợi, tin rằng họ thành thật và sẽ không làm hại mình hay đánh lừa mình. Đây là một tâm thế cởi mở, không hoài nghi và không có định kiến với người khác.
Có thể nói sự tin cậy là một trong những kích thước then chốt của tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau, cả trong đời sống riêng tư lẫn đời sống công cộng.
Để niềm tin dẫn dắt
Làm thế nào để người ta có thể tin vào người mình tiếp xúc, tin vào cộng đồng mình đang sống, tin vào những định chế như nhà nước, công ty, ngân hàng, bệnh viện, nhà trường...? Lòng tin là một tâm thế mang tính chủ quan, nhưng nguồn gốc của lòng tin không phải do thiện ý của từng cá nhân mà xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội, dựa trên nền tảng của những quy ước xã hội, nhất là trong đời sống công cộng.
Sự tin cậy lẫn nhau thật ra là hệ quả phụ thuộc vào mức độ vững chắc cũng như mức độ đáng tin cậy của các định chế hay tổ chức dưới con mắt của các cá nhân. Đó mới chính là cơ sở thật sự của lòng tin trong xã hội. Nhà xã hội học Robert Putnam nhấn mạnh rằng lòng tin vào người khác chính là yếu tố then chốt để phát triển nền văn hóa công dân.
Không tin nhau thì người ta không thể sống được với nhau, trong cả xã hội cổ truyền lẫn xã hội hiện đại. Để tin nhau, trước hết phải biết nhau. Nếu trong xã hội cổ truyền người ta tin nhau chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp, mặt đối mặt thì trong xã hội hiện đại, ngoài kinh nghiệm trực tiếp, sự tin cậy trong xã hội còn phải dựa phần lớn vào những định chế trung giới (mediation) vốn chưa xuất hiện trong xã hội cổ truyền, trong đó đặc biệt đáng chú ý là định chế báo chí.
Sống trong xã hội hiện đại vốn là nơi hằng ngày xảy ra dồn dập biết bao sự kiện và biến cố trong các lĩnh vực khác nhau, người ta buộc phải nhờ cậy vào báo chí như một phương tiện thông tin thiết yếu. Người dân không thể nào tự mình trực tiếp biết được mọi sự kiện diễn ra ở địa phương mình cũng như trên thế giới.
Vì thế họ mới cần đến sự chọn lọc, tường thuật và giải thích tin tức mà chỉ có những bộ máy truyền thông chuyên nghiệp của tòa soạn các tờ báo và các đài phát thanh - truyền hình mới đảm nhiệm nổi - đây là một chức năng mà các mạng xã hội, blog hay Facebook đến nay vẫn chưa thể nào thay thế được, tuy trong một số trường hợp có thể bổ sung phần nào đó.
Báo chí và niềm tin
Người ta đọc báo không chỉ để biết tin tức và để theo dõi tình hình thời sự, mà quan trọng hơn còn là để hiểu thời cuộc người ta đang sống. Do vậy, nếu báo chí không đảm nhiệm trọn vẹn sứ mệnh của mình thì khả năng độc giả không tín nhiệm vào tờ báo là điều khó tránh khỏi.
Báo chí là một chiếc cầu nối không thể thiếu giữa người dân với xã hội. Vì thế, một trong những chức năng xã hội quan trọng của báo chí là nuôi dưỡng sự gắn bó của người dân với đời sống xã hội, và từ đó, sâu xa hơn, củng cố lòng tin của người dân vào các giá trị xã hội.
Một bài phóng sự về một vụ tiêu cực hay tham ô chẳng hạn không thể được coi là một bài báo “bôi đen” hay nói xấu nhà nước, mà cần được nhìn nhận như một cơ hội gia tăng sự tín nhiệm của người dân vào chủ trương chống tham nhũng của nhà nước. Ngược lại, nếu báo chí chỉ thông tin một chiều và “tô hồng” thì điều này sẽ khiến độc giả không chỉ nghi ngờ tờ báo mà còn nghi ngờ cả sự kiện mà tờ báo đưa tin.
Điều đáng nói là một khi tình hình này trở nên phổ biến thì nguy cơ nảy sinh tình trạng mất lòng tin trong xã hội là điều khó lòng ngăn chặn.
Có thể nói độ tin cậy của một nền báo chí cũng biểu hiện độ tin cậy của chính hệ thống xã hội. Chính vì thế, để củng cố và gia tăng lòng tin trong xã hội - một trong những động lực của sự phát triển trong xã hội hiện đại - không thể không cổ xúy và tôn trọng tính trung thực, tính khách quan và tính chiến đấu của nhà báo.
TRẦN HỮU QUANG/Tuoitre