Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 19/6/2011 21:59'(GMT+7)

Tính chuyên nghiệp - Đích đến của báo chí hiện đại

Những biểu hiện thiếu chuyên nghiệp

Tính đến tháng 3/2011, cả nước có 745 cơ quan báo chí in, với 1.003 ấn phẩm. Phát thanh, truyền hình có ba đài trung ương (VTV, VTC, VOV) và các đài phát thanh truyền hình địa phương, với 200 kênh truyền hình trong nước và 67 kênh nước ngoài. Cả nước có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Hiện có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, trong đó nhiều phóng viên, biên tập viên có trình độ chính trị chuyên môn, nghiệp vụ khá, góp phần đưa nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng tiếp cận với những chuẩn mực của một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại.

Tuy nhiên, khi trao đổi về tính chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam trong thời hội nhập, nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí đều có cùng quan điểm: báo chí nước ta hiện nay vẫn còn những biểu hiện thiếu chuyên nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân chia sẻ: Đúng là chúng ta đã có những bước tiến dài trên con đường tiếp cận với những chuẩn mực của một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại nhưng thực sự chuyên nghiệp và hiện đại thì chưa. Những sai phạm, thiếu sót trong hoạt động báo chí hiện nay là minh chứng cho điều đó. Một số tờ báo vẫn còn thông tin sai sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin dung tục, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam; thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm tra, thẩm định thông tin…

Theo đánh giá của nhà báo lão thành Hữu Thọ, những người làm báo hiện nay có trình độ bằng cấp khá cao, có nhiều phương tiện hiện đại, không thua kém bạn bè đồng nghiệp trên thế giới. Nhưng qua quan sát, tìm hiểu, vẫn còn một bộ phận phóng viên khi tác nghiệp, thu thập thông tin thì hời hợt, ít khi kiểm chứng cẩn thận; đi thực tiễn thì “cưỡi ngựa xem hoa” nên thông tin nhiều nhưng ít thông tin quan trọng, có không ít thông tin vội vàng, thậm chí có trường hợp bịa đặt… Những sai sót đó phần nào biểu hiện của tính không chuyên nghiệp, không vì chất lượng và hiệu quả bài viết.

Ở một khía cạnh khác, nhà báo Bùi Sỹ Hoa, Tổng biên tập báo điện tử VietNamnet chỉ ra những ảnh hưởng của thời đại kỷ nguyên số tới tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại. Theo ông, truyền thông số qua báo điện tử đã tạo cơ hội cho thông tin được cập nhật ngay lập tức và liên tục. Song, việc chạy đua về tốc độ thông tin với các tờ báo đối thủ đã dẫn tới tình trạng “nhanh ẩu đoảng”. Trong nhiều trường hợp, nhà báo còn cẩu thả trong biên tập, kiểm chứng và xác minh lại thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính chính xác của báo chí. Bên cạnh đó, báo chính thống cũng không còn nắm vị thế độc quyền mà còn có sự xuất hiện của một số trang mạng xã hội, trang thông tin cá nhân. Những trang mạng này đã tạo ra một nguồn thông tin nữa cho công chúng nhưng tính chính xác và tính công bằng lại chưa được đảm bảo.

Hướng đến một nền báo chí chuyên nghiệp

Trước những thách thức và tồn tại hiện nay, việc nâng cao tính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ các nhà báo có tâm, có tầm, đảm đương được nhiệm vụ chính trị của đất nước đang là yêu cầu bức xúc của tất cả các cơ quan báo chí.

Nhà báo lão thành Phan Quang phân tích: Tính chuyên nghiệp nằm ở giá trị xã hội của báo chí và cung cách hành nghề của phóng viên. Ông khẳng định, để nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí trước hết cần nâng cao tính chuyên nghiệp của phóng viên. Cùng với đó, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động đến tự chủ tài chính qua các nguồn thu chính đáng.

Tiêu chí quan trọng nhất khi xem xét tính chuyên nghiệp của báo chí, theo nhà báo Hữu Thọ chính là trách nhiệm với nghề của người làm nghề. Chính vì thế, rèn luyện tính chuyên nghiệp là phải rèn luyện tinh thần vì tổ quốc, vì nhân dân, bên cạnh đó, không ngừng trau dồi lòng yêu nghề, say mê nghề nghiệp, dám dấn thân vượt qua khó khăn, gian khổ. Để có tác phẩm trúng, đúng, hay, nhà báo phải “đắm mình vào thực tiễn” sinh động với phương châm hành nghề: “trung thực, kỷ cương, khiêm tốn”.

Bàn về giải pháp để hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững, Học viện báo chí và tuyên truyền, nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía - từ tư duy chính trị, hành lang pháp lý, đạo đức, điều kiện tác nghiệp đến nỗ lực nhiệt thành và không mệt mỏi của những người làm báo, của những cơ sở đào tạo báo chí, cũng như từ đòi hỏi nghiêm khắc của chính công chúng.

Ông Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì cho rằng, để hướng tới một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn, mỗi tờ báo, tạp chí cần xác định rõ độc giả của mình là ai, họ mong muốn gì và chờ đợi gì ở tờ báo của mình. Từ đó, xây dựng chuẩn mực của tòa soạn, quy định đạo đức, hướng dẫn cho các phóng viên, biên tập viên trong các hoạt động nghề nghiệp, nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu của tờ báo. Sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của nhà nước trong quản lý báo chí cũng cần được phát huy mạnh mẽ thông qua hệ thống luật pháp để hoạt động của báo chí đi đúng hướng và thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm xã hội của mình.

Báo chí nước nhà đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi, đó là thể hiện có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc. Và để làm được điều này, cần sự chuyên nghiệp của báo chí và các nhà báo./.

Theo Việt Hà/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất