Nhiều nhà báo đã không sợ nguy hiểm, để vạch trần những tiêu cực, tham nhũng, tội ác của các đối tượng xấu.
Đã từ lâu, Báo chí Cách mạng Việt Nam trở thành niềm tin của công chúng cả nước. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo không ngừng học hỏi, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong hoạt động báo chí.
Đến nay, trong lĩnh vực báo in, cả nước có gần 750 cơ quan báo chí với trên 1000 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình với 200 kênh chương trình sản xuất trong nước và 67 kênh nước ngoài đang được phát trên hệ thống truyền hình trả tiền. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, có 46 báo và tạp chí điện tử, gần 290 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp.
Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí ở nước ta. Với số lượng đông đảo, loại hình đa dạng, công chúng có quyền tự do lựa chọn để tiếp cận thông tin phù hợp. Điều đó cũng đặt ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình và các cơ quan báo chí. Vì vậy, mỗi nhà báo chân chính không cho phép mình đứng ngoài dòng chảy cuồn cuộn của đời sống xã hội.
Báo chí là kênh thông tin quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân, bởi thông qua báo chí, từ người dân thường, doanh nhân, đến các vị lãnh đạo cấp cao được cập nhật thông tin trong tất cả mọi lĩnh vực. Bạn bè khắp năm châu biết nhiều tin tức về Việt Nam cũng chủ yếu qua các kênh báo chí. Đó là niềm tự hào của những người làm báo chân chính; là sự động viên, khích lệ lòng yêu nghề và sự say mê sáng tạo đối với hơn 17.000 nhà báo đang có mặt khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới.
Để có được những thông tin trung thực, mang hơi thở của cuộc sống, các nhà báo phải lao động hết mình bằng cả trí tuệ, mồ hôi và nước mắt. Nhà báo mang trách nhiệm xã hội lớn lao, bởi họ hiểu hơn ai hết ảnh hưởng của thông tin mà mình đưa ra đối với sự tiếp nhận của công chúng.
Hàng trăm nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến với những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với những ngư dân làm ăn trên biển; đến tận vùng thiên tai, lũ lụt, hạn hán để ghi lại cuộc sống đầy khó khăn, nguy hiểm của đồng bào ta. Nhiều nhà báo đã không sợ nguy hiểm, thậm chí bị đe dọa, cản trở việc tác nghiệp, bị hành hung, để vạch trần trước công luận những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà nước và nhân dân. Đối với sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các nhà báo được ví như chiếc cầu nối truyền tải thông tin kịp thời tới công chúng trong và ngoài nước. Ở đâu có sự kiện, ở đó có nhà báo.
“Báo chí là diễn đàn tin cậy của nhân dân”; là “kênh thông tin quan trọng về chống tiêu cực, tham nhũng và phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến”; “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”; “ Báo chí góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới”; “Trong những thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp xứng đáng của hoạt động báo chí”.v.v... Đó là những nhận xét, đánh giá tích cực về Báo chí Cách mạng Việt Nam; là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song, những nhà báo chân chính và dư luận xã hội không khỏi nhức nhối, khi trong làng báo vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó hiện tượng một số nhà báo thiếu trách nhiệm trước thông tin của mình đưa ra, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Xót xa hơn, có người cầm bút còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật hình sự, bị xử lý nghiêm khắc.
Xã hội càng phát triển thì vai trò của báo chí càng quan trọng. Đòi hỏi của xã hội với báo chí cũng ngày càng cao đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng tầm trí tuệ, đạo đức và trách nhiệm. Mỗi nhận xét, đánh giá tốt đẹp về báo chí là một lời cổ vũ, động viên các nhà báo và cơ quan báo chí không ngừng phấn đấu vươn lên, xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng, là diễn đàn tin cậy của nhân dân./.
Ngọc Năm/VOV