Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 20/6/2011 14:52'(GMT+7)

Các bản Mường xây dựng nền tảng thực hiện pháp lệnh dân chủ

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển của Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, chỉ sau hơn một năm, nhiều xóm bản đồng bào dân tộc Mường tại Hoà Bình đã tích cực tham gia triển khai dự án “Thúc đẩy mô hình quản lý cộng đồng tại Việt Nam” (PCMM) và nhanh chóng trở thành những đơn vị tiêu biểu trong thực thi Pháp lệnh dân chủ. 

“Với Mô hình Cộng đồng quản lý, người dân biết cách xây dựng nhóm và huy động nguồn lực để phân tích hiện trạng, lựa chọn ưu tiên, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá các dự án, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mô hình này tạo cho người dân có tiếng nói và ảnh hưởng tích cực vào quá trình ra quyết định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, giúp người dân hiểu rõ nghĩa vụ và biết sử dụng quyền một cách chính đáng, giúp chính quyền địa phương hiểu rõ trách nhiệm và trao quyền, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình”. - Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến phát triển cộng đồng, đơn vị tham gia triển khai dự án tại Hòa Bình chia sẻ.

“Pháp lệnh dân chủ” số 34/2007/PL-UBTVQH11 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 20 tháng 4 năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007, nhằm đảm bảo quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân, phát huy sức mạnh các nguồn lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đất nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Tại Kỳ Sơn, Hoà Bình, kể từ tháng 4/2009 tới nay, dự án đã được triển khai tại 5 xã, đã thành lập được 20 cộng đồng tự quản tại 20 xóm dự án trên nhiều hạng mục kinh tế, xã hội. Trong quá trình thực hiện dự án, các cộng đồng dân cư trên địa bàn dự án đều được tập huấn, trao đổi về Pháp lệnh dân chủ, cùng họp bàn với chính quyền phân tích khó khăn thuận lợi, cơ hội và thách thức của địa phương, lựa chọn ưu tiên, xác định các nhu cầu, thứ tự ưu tiên giải quyết các nhu cầu vì lợi ích của đông đảo nhân dân, bảo đảm tinh thần và nguyên tắc dân là chủ mọi công việc, quyết định mọi công việc, dân được biết, được bàn, cùng làm và tham gia kiểm tra giám sát, tự quản, nhận thức rõ tính công khai và minh bạch trong quá trình triển khai dự án.

Buổi truyền thông về Pháp lệnh dân chủ được tiến hành theo phương pháp tham gia lấy tham dự viên là trung tâm. Các tham dự viên lần lượt được nghe giới thiệu, phân tích các nội dung cụ thể như khái niệm về Pháp lệnh dân chủ; 5 nguyên tắc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã; 4 hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện pháp lệnh. Đặc biệt, các Tham dự viên đã được “giảng viên” phân tích sâu và kĩ 11 nội dung mà chính quyền xã/thị trấn có trách nhiệm công khai cho người dân biết. Các nội dung đều được phản ánh trực quan trên giấy A0 và thẻ bìa màu kèm theo các hình ảnh minh họa sinh động, dễ hiểu và phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc Mường.

Chị Nguyễn Thị Đào, Chi hội trưởng hội phụ nữ trong xóm Mông Hoá thuộc vùng dự án cho biết: “Trong buổi truyền thông về Pháp lệnh dân chủ được tổ chức tại xã Mông Hoá, Kỳ Sơn, chị em phụ nữ tham gia rất đông và nghiêm túc lắng nghe. Chúng tôi nhận thấy rằng, hoạt động này là rất cần thiết”.

Bằng phương pháp và quy trình mới, người dân và chính quyền có cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn. Theo đó, mối liên hệ giữa chính quyền và người dân cũng trở nên gần gũi và gắn kết hơn.

Sau hai năm triển khai dự án tại Hoà Bình và nhân kỷ niệm 40 năm ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sĩ (1971- 2011), mới đây đoàn đại biểu Thụy Sĩ do Đại sứ Amb.KOLLER Paul làm Trưởng đoàn đã đến thăm Xóm Vành, huyện Kỳ Sơn (xóm có 98% dân số là người Mường), một trong những vùng thực hiện dự án thúc đẩy mô hình Cộng đồng quản lý dựa trên quan điểm của Đảng, Nhà nước về Pháp lệnh dân chủ. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đại sứ Amb.KOLLER Paul.

Trong chuyến thăm và khảo sát dự án, đoàn Thuỵ Sĩ đã tỏ ra hài lòng với những kết quả ban đầu mà dự án đạt được “Mô hình Cộng đồng quản lý đã phát triển có sức lan toả ra 20 xóm ngoài địa bàn dự án tại huyện Kỳ Sơn”.

Ông Hải cho biết, hướng triển khai dự án trong những năm tới, Ban quản lý dự án cùng với chính quyền huyện Kỳ Sơn đang có kế hoạch lồng ghép Phương pháp Quản lý cộng đồng vào trong một số Chương trình của nhà nước như làm đường bê tông, vệ sinh môi trường, phong trào văn nghệ,… chú trọng đến các dự án cung cấp thông tin, tăng cường sự tham gia trong phát triển địa phương, áp dụng quản lý cộng đồng trong nhà trường, tăng cường quyền trẻ em, đặc biệt quyền tham gia của trẻ em, áp dụng quy trình đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng của Mô hình này trong toàn Huyện./.

(Theo: Võ Thắng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất