Thứ Năm, 26/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 13/8/2009 15:9'(GMT+7)

Báo chí với quyền thực hiện pháp luật của nhân dân

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta ngày càng thể hiện rõ vai trò là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Trách nhiệm của báo chí là thông tin hai chiều, định hướng dư luận xã hội, giám sát dư luận xã hội, thực sự là vũ khí của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết từ lâu đã trở thành một mảng công việc quan trọng, không kém phần phức tạp của nhiều cơ quan báo chí. Thời gian qua, báo chí đã thực hiện tốt công tác này, thể hiện ở những việc cụ thể sau:

Một là, báo chí đã thực sự thể hiện tốt vai trò tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để hạn chế tố cáo sai do không hiểu pháp luật, tố cáo vượt cấp; qua đó nhận rõ những người xúi giục, kích động, có động cơ không trong sáng.

Hai là, báo chí trở thành chỗ dựa tin cậy về tinh thần cho công dân, là nhịp cầu "nối những bờ vui". Thực tế không ít vấn đề nhạy cảm có khả năng tác động trực tiếp tới đời sống người dân hàng ngày được báo chí phản ánh, tạo nên dư luận báo chí, xã hội tích cực, giúp cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý đúng đắn, tăng thêm niềm tin vào chế độ xã hội, vào kỷ cương phép nước. Từ những thông tin trên báo chí, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, cá nhân có liên quan đến các vụ việc cụ thể giải trình những vấn đề báo chí nêu; thúc đẩy chính quyền giải quyết nhanh những đòi hỏi, kiến nghị chính đáng.

Ba là, nhiều vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật đã được báo chí phát hiện qua đơn thư. Đây là mảng công việc sôi nổi và cũng là phức tạp nhất của các cơ quan báo chí. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận vai trò tích cực của báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội. Chuyên án Năm Cam kết thúc, đưa ra xét xử đã để lại nhiều bài học xương máu. Nếu thiếu báo chí khó có thể phát hiện, ngăn chặn và đẩy lui những mảng tối trong đời sống xã hội thời cơ chế thị trường.

Bốn là, qua đơn thư phát hiện phản ánh của công dân, báo chí đã kịp thời lên tiếng góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật từ sự răn đe của công luận.

Cho đến nay hầu hết các cơ quan báo chí, theo chức năng của mình đã hình thành tương đối ổn định việc tiếp dân, giải quyết đơn thư: có Ban bạn đọc, đặt đường dây nóng để bạn đọc tiện thông tin, mở mục "Qua thư bạn đọc" trên các trang báo… Từ hoạt động thực tiễn, nhiều báo, đài đã tích luỹ được một số kinh nghiệm trong giải quyết đơn thư.

Bên cạnh những mặt thành công là chủ đạo, nổi trội, thời gian qua báo chí cũng bộc lộ những khuyết, nhược điểm:

Một là, thông tin sai làm phức tạp thêm dư luân xã hội, gây trở ngại cho quá trình điều tra, có khi làm tiết lộ bí mật Nhà nước. Trong khi tuyên truyền các vụ án điểm, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm mà xã hội đặc biệt quan tâm, một số tờ báo, nhà báo đã thiếu bản lĩnh và nhạy cảm chính trị, nghề nghiệp, buông lỏng quản lý. Một số tờ báo chạy theo khuynh hướng thương mại hoá, câu khách bằng những nội dung "độc đáo", thông tin giật gân, đáp ứng nhu cầu giải trí tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận độc giả.

Hai là, báo chí đưa thông tin sai mà không sửa, làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan, cán bộ, mất lòng tin của dân. Đây không phải là thực tế phổ biến, nhưng cũng không còn là hiện tượng cá biệt. Thực hiện nghiêm Luật báo chí phải là nguyên tắc số một của người làm báo. Ở một số trường hợp cụ thể, cá nhân và tổ chức báo chí đã thoái thác trách nhiệm cải chính những thông tin không đúng, thiếu trung thực. Một số tờ báo khác nếu có "nói lại cho rõ" thì cũng chỉ làm qua loa đại khái, không đáp ứng yêu cầu của luật và phục hồi uy tín của cá nhân hay tổ chức bị phản ánh sai lệch trên báo chí. Mặt khác, phổ biến hơn, các toà báo trước sai sót trong quá trình xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, thông tin trên báo chí không nhận khuyết điểm vì sợ báo mất uy tín. Thực tế, việc tiếp thu sửa chữa những khiếm khuyết của mình một cách cầu thị, chân tình sẽ tăng uy tín của báo, được bạn đọc tin cậy.

Ba là, một số tờ báo còn để tồn đọng nhiều ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân do ngại tìm hiểu, điều tra; chưa thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan pháp luật. Trước những vụ việc phức tạp, đòi hỏi cần có kiến thức chuyên ngành, phương pháp điều tra xác minh cụ thể, nhiều báo tỏ ra lúng túng. Không ít đơn vị báo chí thiếu đội ngũ phóng viên có kiến thức cơ bản, chuyên sâu, thiếu tác phong làm việc nghiêm túc, ngại khó ngại khổ trong việc xử lý.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là góp phần an dân, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước, là gián tiếp thực hiện công tác dân vận của Đảng. Công việc ấy đặt lên vai báo chí trách nhiệm nặng nề.

Thống nhất với nhận thức ấy, báo chí phải tổ chức lực lượng hợp lý, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ theo tinh thần Luật báo chí để hoàn thành tốt tôn chỉ mục đích của mỗi tờ báo.

Đổi mới phát triển đất nước trong cơ chế thị trường có định hướng XHCN là con đường không bằng phẳng. Hoàn thiện cơ chế phối hợp của các cơ quan pháp luật với các ngành liên quan, trong đó có báo chí, đã và đang là yêu cầu bức xúc hiện nay.

Một số cơ quan nội chính, pháp luật không phối hợp, không thông tin, nặng về phê bình mà thiếu sự hợp tác với báo chí. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên ùn tắc, trì trệ trong xử lý những đòi hỏi chính đáng của công luận, công dân. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" vẫn còn tồn tại. Báo chí sai, cơ quan chủ quản thiên về "xử lý nội bộ"; dân kêu oan, báo chí lên tiếng, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết lần lữa để rồi rơi vào tình trạng "im lặng đáng sợ". Tác phong làm việc ấy gây tổn hại lớn tới uy tín của các cơ quan công quyền.

Giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là một nhiệm vụ đa dạng, phức tạp trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ. Báo chí vừa là kênh thông tin quan trọng thực hiện chức năng phản ánh, vừa là lực lượng tuyên truyền góp phần hạn chế sự gia tăng khiếu nại tố cáo. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp với báo chí.

Có một thực tế là, một số tờ báo đang phải chịu sức ép quá lớn của việc khiếu nại tố cáo. "Chỗ dựa tin cậy" đã không đủ sức khi quá nhiều người cùng muốn dựa. Luật báo chí đã quy định chức năng, nhiệm vụ của báo chí, trong đó có nội dung phản ánh mối quan hệ giữa công dân với báo chí. Để giải toả sự quá tải, chồng chéo cần phải có văn bản chế tài nhằm cụ thể hoá vai trò của báo chí trong việc giải quyết đơn thư.

Báo chí và các ngành chức năng ngày một xích lại gần nhau sẽ tạo điều kiện để xử lý nhanh chóng, có hiệu quả hơn những vấn đề có liên quan. Báo chí đã và luôn là công cụ định hướng tư tưởng, hướng dẫn và giám sát dư luận, tuyên truyền và giải thích để dân biết, dân làm, dân kiểm tra, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, giữ vững kỷ cương phép nước. Xây dựng đội ngũ những người làm báo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc cần phải được cơ quan chỉ đạo báo chí quan tâm./.

Văn Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất