Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 4/8/2009 19:3'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở Hải Dương

Ban Tuyên giáo Hải Dương tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiên chương trình phối hợp về phòng chống tham nhũng. Ảnh minh họa

Ban Tuyên giáo Hải Dương tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiên chương trình phối hợp về phòng chống tham nhũng. Ảnh minh họa

Cho đến nay, đội ngũ BCV, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, cấp tỉnh có 20 BCV; cấp huyện có 243 BCV; cấp cơ sở có 869 BCV và 2.803 tuyên truyền viên ở các chi bộ, khu dân cư. Đội ngũ báo cáo viên các cấp đa số đều có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên, trình độ lý luận cử nhân chính trị, cao, trung cấp chính trị. Riêng cấp cơ sở còn 27,62% BCV có trình độ sơ cấp lý luận.

Trên cơ sở quy chế hoạt động báo cáo viên, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ và huyện uỷ duy trì Hội nghị BCV hàng tháng. Trong đó, cấp tỉnh mỗi tháng tổ chức một hội nghị bồi dưỡng BCV cho các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, 01 hội nghị thông tin thời sự chính sách cho cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Hải Dương. Cấp huyện mỗi tháng một hội nghị. Bình quân mỗi năm có trên 2000 lượt người tham dự Hội nghị BCV cấp tỉnh, trên 10.000 lượt người tham dự ở Hội nghị BCV cấp huyện. Một số huyện như: Cẩm Giàng, Kinh Môn, Gia Lộc, thành phố Hải Dương,... còn kết hợp thông tin thời sự chính sách tại Hội nghị Giao ban bí thư chi bộ cụm trong tháng.

Trong tổng số 759 chi, đảng bộ cơ sở toàn tỉnh (263 đảng bộ xã, phường, thị trấn, 496 chi đảng bộ cơ sở khối cơ quan HCSN, doanh nghiệp, đoàn thể, lực lượng vũ trang...), số cơ sở duy trì chế độ thông tin thời sự, chính sách hàng tháng là 89 cơ sở, chiếm 11,7%; 2 tháng/kỳ là 154 cơ sở, chiếm 7,7%. Bình quân mỗi năm, cấp cơ sở tổ chức được khoảng 4.700 buổi thông tin thời sự, chính sách cho trên 200.000 lượt người nghe.

Nội dung thông tin trong các hội nghị ở tỉnh thường được chia làm 2 phần: Phần thông tin về thời sự chính sách trong nước, thế giới và những vấn đề chung của tỉnh do Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ đảm nhiệm. Phần thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị cụ thể ở từng lĩnh vực trong tỉnh do các ngành phối hợp thực hiện. Từ năm 1997 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã phối hợp vớí các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, tổ chức gần 100 hội nghị báo cáo viên, chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, các đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều đơn vị như: huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kinh Môn... cũng đã tổ chức hội nghị báo cáo viên chuyên đề về các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Qua khảo sát về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2008 do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành, kết quả cho thấy: về chất lượng, nội dung thông tin, có trên 60% cho là đảm bảo chất lượng tốt. Về cách thức, phương pháp tuyên truyền, có trên 70% cho là mạch lạc, đạt yêu cầu. Về chất lượng tài liệu cung cấp cho báo cáo viên hàng tháng có trên 60% cho là phù hợp. Về việc áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho báo cáo viên, có trên 50% cho là đạt yêu cầu...

Điểm nổi bật của Hội nghị báo cáo viên các cấp là, đã tăng cường đối thoại, trao đổi những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Hình thức đối thoại trong hoạt động báo cáo viên đã có tác dụng thiết thực. Qua đó các cấp uỷ nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền những giải pháp kịp thời khắc phục những vướng mắc do thực tiễn đặt ra.

Có thể nói, những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tỉnh Hải Dương đã có đóng góp to lớn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc cung cấp thông tin và định hướng kịp thời về những vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, tuyên truyền về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần giải quyết những vấn đề băn khoăn, bức xúc trong việc thực hiện những công việc cụ thể, như: giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông, công trình công cộng,... trên địa bàn tỉnh.

Để tạo điều kiện hoạt động, BCV cấp tỉnh và huyện được cung cấp các loại tài liệu theo quy định (báo Nhân dân, báo Hải Dương, Bản tin Nội bộ, Tạp chí Báo cáo viên, Tạp chí Tuyên giáo do Ban Tuyên giáo TW và Tỉnh phát hành...). 100% báo cáo viên cấp xã được trang bị bản tin thông báo nội bộ. Một số đảng bộ đã trang bị cho BCV báo Hải Dương, báo Nhân Dân và một số tài liệu, tư liệu thông tin truyên truyền khác.

Do luôn chú trọng cải tiến nội dung, hình thức phương pháp công tác tuyên truyền miệng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, nên trong những năm vừa qua, công tác tuyên truyền miệng đã có tác dụng tích cực trong việc đưa đường lối của Đảng chương trình hành động của các cấp uỷ, chính sách pháp luật của Nhà nước và của chính quyền địa phương, những vấn đề thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt tuyên truyền những chương trình đề án lớn của tỉnh, kinh tế-xã hội của địa phương đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tích cực đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch và các phần tử xấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế và khuyết điểm: lực lượng BCV đông nhưng chưa mạnh; việc truyền tải thông tin tới cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số cơ sở thiếu kịp thời và nền nếp; không ít cán bộ các cấp, các ngành và đảng viên chưa tích cực tham gia công tác tuyên truyền miệng; chất lượng thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là ở cơ sở; nội dung tuyên truyền chưa toàn diện; phương thức hoạt động vẫn nặng một chiều từ trên xuống, chưa chú trọng đến đối thoại; một số đảng viên còn né tránh, không kiên quyết đấu tranh trước những dư luận xấu... đã làm hạn chế hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã và đang chỉ đạo:

- Tiếp tục quán triệt ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng của công tác tuyên truyềng miệng, hoạt động của đội ngũ BCV, tuyên truyền viên, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ BCV; chú trọng xây dựng, kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là tuyên truyền viên ở cơ sở cả về số lượng và chất lượng.

- Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, tăng cường đối thoại, gắn với việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến của báo cáo viên và nhân dân; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ BCV, tuyên truyền viên, nhất là về lập trường tư tưởng, về dũng khí và những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra. Ban Tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ trong việc quản lý và sử dụng đội ngũ BCV có hiệu quả.

- Hoạt đông tuyên truyền miệng phải tập trung cao cho cơ sở, hướng về cơ sở. Đồng thời, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động BCV, tuyên truyền viên, như: thời gian nghiên cứu, tuyên truyền, phương tiện tuyên truyền, các tài liệu, tư liệu, thông tin, chế độ cung cấp thông tin, chế độ thù lao cho BCV, tuyên truyền viên.

Hàng năm, sau mỗi nhiệm kỳ, cấp uỷ phải tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, vai trò của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ BCV, tuyên truyền viên, có chế độ khen thưởng kịp thời.

Thực hiện tốt sự chỉ đạo trên, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ cộng tác viên sẽ đạt những mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng./.

Vũ Văn Vở
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất