Thứ Năm, 26/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 22/7/2009 14:29'(GMT+7)

Tuyển tập 10 năm đúc kết một đời

Bìa cuốn sách của nhà báo lão thành Phan Quang

Bìa cuốn sách của nhà báo lão thành Phan Quang

Tôi thật vui khi được nhà báo, nhà văn Phan Quang tặng cuốn “Phan Quang - Tuyển tập mười năm, 1998 - 2008” (NXB Văn học, 2008). Cuốn sách dày tới 832 trang, khổ 16x24cm. Vốn là người mê du lịch, tôi đã đắm mình vào chùm bài còn nóng hổi ông đi và viết năm 2007: “Quán nghệ sĩ ở Paris”,” “Waterloo, nơi tan tành đế chế Napoléon” (trong phần “Đất nước phương trời”)… Đọc bút ký “Cà phê Paris”, ta thấy các quán cà phê không chỉ gợi một nét sinh hoạt của người dân Paris, mà còn là nơi để các danh nhân văn học nghệ thuật và cả chính trị nữa lui tới tán gẫu, nói chuyện văn chương, xã hội, luận bàn về một tác phẩm mới xuất bản, bàn đại sự quốc gia…

Chỉ đọc tên những bài du ký, cũng đủ gợi thèm muốn cho ta chia sẻ những phút lãng du với nhà văn: “Marrakech: chợ đêm và nhạc Trịnh”, “Nơi xích đạo trở thành tên nước”… Marrakech, cái địa danh còn lạ với chúng ta lại gắn với sự lãng mạn thân thuộc nhạc Trịnh. Hóa ra đó là kinh đô của nước Marốc từ thế kỷ thứ XI, có tuổi thọ cũng xấp xỉ với Thăng Long nghìn tuổi của chúng ta! Ở đây, nơi xa lạ này ta còn được tác giả dẫn dắt đến một quán ăn châu Á, và bất ngờ được nghe “Mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ”… Xúc động và với bản năng nghề nghiệp, tác giả xin gặp mặt nữ chủ nhân. Nhưng chẳng có người Việt thuần chủng nào ở đây cả. Cô chủ quán xinh đẹp đã qua đời, chỉ để lại ảnh cô cùng cầu Thê Húc, chùa Thiên Mụ, cách rán nem, cách nấu phở và vài đĩa nhạc Trịnh… với đứa con lai. Thế mà chẳng biết cái gì hấp dẫn, hai bố con chủ quán quốc tịch Marốc đã thốt một câu xanh rờn: “Chúng tôi quyết định dẹp quán, về Việt Nam làm ăn, sinh sống”.

Cũng vậy, có thể đọc sách địa lý để biết: Có một xứ tên là “xích đạo” Equador, tên một nước Trung Mỹ nhỏ bé kẹt giữa một bên là Thái Bình Dương mênh mông, một bên là xứ Brazil khổng lồ. Ở đường đi của mặt trời mà lại được ngắm một chóp núi phủ tuyết, quả là một kỳ quan! Nhưng đọc bút ký của Phan Quang ta mới có được cảm giác cùng tác giả đứng một chân bên bán cầu Nam, một chân bên bán cầu Bắc mà chụp ảnh. Giữa là một vạch ký hiệu bằng đá hoa cương, vật chất hóa con đường chỉ có trong tưởng tượng của loài người: xích đạo! Phan Quang nhận được tấm bằng “Hiệp sĩ Senor” do đã đặt chân lên Trung tâm thế giới (Mitad del Mundo), trên độ cao 2.483 mét so với mặt biển.

Giọng văn bút ký của Phan Quang là một giọng văn chân xác mà tinh tế. Đọc ông, ta như được nghe chuyện một người kiến văn sâu rộng, điềm đạm mà ứ tràn cảm xúc, dẫn ta đi khắp nơi, chỉ cho ta biết trên địa cầu này, cõi người có những gì khác lạ!

Phần thứ hai (có tên gọi “Thương nhớ vẫn còn”) là phần bút ký về các nhà lãnh đạo, các văn nghệ sĩ hầu hết Phan Quang được tiếp xúc trực tiếp. Với vị trí đặc biệt của một nhà báo ở cương vị cao trong nghề (Phan Quang từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), một chứng nhân luôn có mặt ở những sự kiện quan trọng, gặp gỡ tiếp xúc với những danh nhân lịch sử: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh…; cả những nhà văn hóa lớn: Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện…; cả những văn nghệ sĩ tên tuổi: Nguyễn Tuân, Huy Cận, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Thương, Điềm Phùng Thị…; những nhà báo đầu tiên của sự nghiệp báo chí Cách mạng: Phan Đăng Lưu, Quang Đạm, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ…; Phan Quang đã truyền lại một cách đầy cảm xúc lòng thương nhớ những con người nay đã thành người thiên cổ.

Có nhiều bài chứng tỏ ông biết rất kỹ về nhân vật, nhưng chỉ khi nhân vật ấy qua đời, tác động mạnh tới ông, ông mới viết. Chính điều này đã góp phần quyết định chất lượng tác phẩm từ thể ký báo chí sang thể bút ký văn học, cần nhiều hơn đến trực quan và trực cảm của người viết…

Lòng cảm phục, tiếc thương những nhân tài của đất nước đã “phủ sóng” lên những tư liệu ngồn ngộn của ông, đã khoác cho hiện thực một diện mạo mới, mà vẫn hết sức chân thực truyền cảm… Tôi chợt nhớ một câu của nhà thơ Pháp nổi tiếng Charles Beaudelaire (1821-1867): “Tôi có quá nhiều kỷ niệm, như thể đã sống tới ngàn năm”.

Phần này gồm 23 nhân vật, 159 trang, là phần đóng góp lớn nhất của tác giả với lịch sử. Tôi chỉ có thể lấy ra một số tình tiết, sự việc làm dẫn chứng cho nhận định trên:

Hình ảnh Bác Hồ luôn hiện ra với ánh sáng đặc biệt ở trang viết của Phan Quang. Ông ghi nhận một lần bị Bác phê bình: “Lần này đích danh phóng viên được gọi lên Phủ Chủ tịch… Bác nói: “Chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng (chi tiết này tôi tâm đắc lắm, nhắc đến hai lần trong bài). Vậy từ xưa tới nay, Bác Hồ không đi bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng, thì có gì mà nói lắm thế?”.

Tình tiết này vừa bộc lộ sự chân thực của người kể vừa cho thấy sự giản dị thân tình của Bác với nhà báo, vừa mắng vừa đùa như ông bố bảo ban con! Bác Hồ thường hóm hỉnh, phát hiện ra những mâu thuẫn nho nhỏ trong đời sống, Bác lại dùng chính mâu thuẫn này để thuyết phục cán bộ. Đây là giờ phút “vào nghề” của Quang Đạm, sau trở thành một nhà báo tên tuổi:

“- Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?

- Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Thời trước, cháu làm hướng đạo sinh, thời kỳ ở Cục Thông tin Bộ Tổng tham mưu, cháu chuyên làm mật mã.

Bác Hồ bảo:

- Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không dùng được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”.

Bài học vỡ lòng về nghề báo thật độc đáo, ngắn gọn, tưởng như chỉ dùng riêng cho nhà mật mã Quang Đạm mà vẫn bao trùm cả nguyên tắc lớn của nghề! Từ đó, Quang Đạm ra sức trau dồi nghiệp vụ mới do Bác Hồ giao phó. Ông nổi tiếng về sự tự học đến mức các đồng nghiệp gọi yêu ông là nhà… đại tự học. Những chi tiết quý như vậy luôn xuất hiện trong cuốn sách.

Tuyển tập của Phan Quang chia làm 5 phần, hai phần đầu tôi cho là chủ yếu. Từ phần 3 trở đi, gồm những bài báo chọn lọc, đọc tên mỗi phần ta có thể đoán định được nội dung: Phần 3: “Trên đường học tập và suy nghĩ”, gồm những bài khảo luận và phần mở đầu công trình Lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam. Phần 4: “Dịch và giới thiệu” cho ta thấy ông còn là một dịch giả sách văn học có uy tín qua những tác phẩm dịch như “Chuyện nàng công chúa nước Casơmia”, “Người con của gió ngàn”…và nhiều bài bổ ích khác cho các nhà văn và nhà nghiên cứu: “Nhà văn chọn chủ đề hay chủ đề chọn nhà văn”, “Các nhân vật của G.Marquez là bất tử…”. Phần 5: “Quê hương và thời cuộc” gồm đến hơn 50 bài báo chứa đựng những cảm nhận phong phú, những phát hiện lý thú về phong tục tập quán, về tài năng và nhân cách, văn hóa người làm báo, thông tin hai chiều và sức ép thời gian, làm báo thời cạnh tranh…và một số bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm chọn lọc.

Theo VĂN LONG -VNCA

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất