(TCTG) -Trong hội nghị giao ban xuất bản toàn quốc (8/2009) nhiều ý kiến của lãnh đạo các nhà xuất bản đã phát biểu nêu lên những cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong công tác xuất bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc sách của xã hội. Đồng thời các ý kiến cũng nêu lên những khuyết điểm hạn chế trong công tác này nhằm tìm biện pháp đưa hoạt động xuất bản ngày càng phát triển tốt hơn nữa, phục vụ đắc lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi xin khái quát một số vấn đề trong hoạt động xuất bản mà mỗi cán bộ trong ngành cần lưu ý để cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn trong thời kỳ mới.
Thứ nhất, sách lý luận chính trị có nội dung trái với những quan điểm cơ bản đã được Đảng khẳng định, không phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và tình hình thế giới. Một số tác phẩm nhân danh “đổi mới tư duy” muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, phê phán học thuyết mác-xít, phủ định một loạt những vấn đề hệ trọng của đời sống trên cơ sở xoá bỏ lý luận và thực tiễn CNXH, đề cao tuyệt đối vai trò của tự do cá nhân, kinh tế thị trường, đối lập dân chủ với CNXH, cổ suý cho những xu hướng đang bị kẻ thù lợi dụng như đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự, xã hội công dân, “chủ nghĩa xã hội dân chủ”...
Có những sách, đan xen giữa nội dung lý luận đúng nhưng liên hệ, đánh giá sai trái, thiếu quan điểm lịch sử cụ thể làm cho người đọc mơ hồ, lẫn lộn, không có lợi cho nhận thức của độc giả, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Có những sách đã tập hợp nhiều bài viết có quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tranh luận về những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược đối với sự phát triển đất nước nhưng thực chất thể hiện khuynh hướng cổ suý quan điểm trái với đường lối, chủ trương đã được Đảng khẳng định.
Hầu hết, sai lầm của tác giả trong các tác phẩm dạng này thường rơi vào hiện tượng lập luận, lý giải thiếu thuyết phục, không tìm đến đúng bản chất, không đứng trên lập trường của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều nhận định mang tính siêu hình, chiết trung, tách rời thực tiễn khách quan, không nhận thức đúng tính chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác, sự thống nhất nhưng không đồng nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và học thuyết mác xít, tách rời chủ nghĩa Mác - Lê nin với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, sách đề cập đến các sự kiện, nhân vật nhạy cảm trong lịch sử, nhưng không phân tích đầy đủ, khách quan, không đủ tầm để giải thích các sự kiện, lập luận lý giải phiến diện, thiếu logic, có chỗ sai lầm về khoa học và chính trị, có chỗ ám chỉ, khiên cưỡng, gây hiểu lầm cho người đọc.
Thứ ba, sách viết về các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước không tuân theo qui định hiện hành. Một số bài viết đã có những nhận định, đánh giá thái quá, quá cao so với những đánh giá chính thức hoặc thông qua những đánh giá, nhận định về công lao, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo lại gửi gắm nỗi niềm uẩn ức cá nhân.
Thứ tư, một số ấn phẩm được gọi là sách tâm linh, đề cập đến các hiện tượng ngoại cảm, thấu thị, các phương pháp bói toán, phong thuỷ chưa được khoa học kiểm nghiệm mà gần với mê tín, dị đoan. Có nhiều sách biên soạn không rõ gốc tài liệu, cóp nhặt, xào xáo... làm tăng lượng sách kém chất lượng, gây lãng phí của cải xã hội, tiếp tay cho việc in sách lậu.
Thứ năm, một số ấn phẩm viết về lịch sử, nêu sự kiện, các nhân vật lịch sử trái với những điều đã được khẳng định, trái với truyền thuyết đã được lưu hành hàng trăm năm, xúc phạm, bóp méo hình ảnh của danh nhân lịch sử, văn hoá dân tộc.
Thứ sáu, một số ấn phẩm có những trang, đoạn, hình ảnh mang màu sắc dung tục, không phục vụ gì cho nội dung cuốn sách mà chỉ gây phản cảm cho người đọc. Loại sách này có cả của các tác giả trong nước và cả ở sách dịch. Nhiều cuốn miêu tả quá cụ thể cảnh sinh hoạt tình dục, dùng từ ngữ thô thiển, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Xuất hiện tác phẩm có nội dung phản cảm, làm mất đi sự tôn nghiệm, trang trọng của các giá trị lịch sử.
Thứ bảy, tái bản sách của một số tác giả xuất bản truớc đây tại miền Nam không qua thẩm định, nội dung gây nhiều hiểu lầm, tranh cãi không có lợi.
Thứ tám, xuất bản truyện tranh có nội dung phản giáo dục và rất nhiều tình tiết gợi dục. Các truyện tranh này tập trung chủ yếu ở mảng sách dịch. Nhiều truyện tranh chỉ ghi tên người dịch không ghi tên tác giả và xuất xứ. Thậm chí một số nhà sách tư nhân sản xuất các đầu truyện tranh có tính gợi dục, kích thích thiếu nhi tìm đọc nhưng lại đặt tên nhân vật theo kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc, khiến người đọc hiểu nhầm là các bộ truyện dịch. Hầu hết truyện tranh dạng này đều không rõ ràng về tác quyền, các nhà xuất bản vi phạm các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ chín, các sách sai phạm về tác quyền khá lớn của cả các tác giả trong và ngoài nước. Một số nhà xuất bản chỉ trong thời gian ngắn có hàng chục đầu sách vi phạm tác quyền. Cá biệt có trường hợp còn mạo danh
Những sai phạm trên tuy ít nhưng nghiêm trọng và có tính lặp lại . Điều đó làm ảnh hưởng đến giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ, tạo cơ hội cho các thế lực xấu ở bên ngoài lợi dụng xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, gây mâu thuẫn trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của đất nước, của sự nghiệp đổi mới.
Những vấn đề nêu trên đã được lãnh đạo các Nhà xuất bản trao đổi đưa ra các biện pháp khắc phục để đưa ngành xuất bản phát triển ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước.
PV