1. Bìa tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, xuất bản 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc ghi rõ: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1). Đặc biệt, trong tác phẩm kinh điển lý luận đó, Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”, và ”chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất ấy, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Vì vậy, với ý nghĩa: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(3), Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác giáo dục lý luận cho đội ngũ đảng viên của Đảng. Thấm nhuần quan điểm của Lênin: “Không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận..., cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp, mà lại không tuyên truyền trong công nhân những kết luận của lý luận đó và không giúp đỡ họ tổ chức nhau lại”(4), hơn nữa, “tư tưởng căn bản không thể thực hiện tốt được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”(5) và “phải làm sao để những tư tưởng đó bắt rễ sâu hơn vào một giới được rèn luyện hơn, và phải làm cho đội tiên phong ấy... thấm nhuần những tư tưởng đó”(6), nên trong mọi thời điểm cách mạng, Hồ Chí Minh đều dành sự quan tâm của mình cho công việc trọng yếu này.
Từ thực tiễn phong trào cách mạng trong nước những năm đấu tranh giành chính quyền, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Sự hiểu biết lý luận và chính trị của các đồng chí An Nam rất thấp, việc học tập và đọc sách báo ở thuộc địa gần như không có được”(7) và “vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí ấy phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn”, cho nên “phải cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác”(8), “bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”(9). Sau đó, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm cả nước tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Người nhận thấy những khuyết điểm: kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông mà nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải là rất nghiêm trọng. Theo Người, nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do chưa nhận thức rõ vai trò của lý luận, do lười học tập, lười nghiên cứu lý luận, hoặc trình độ lý luận chưa theo kịp thực tiễn. Người nói, “vì kém lý luận nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”, và cũng "vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm", v.v.. Từ đó, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lý luận rất quan trọng”(10), “lý luận rất cần thiết”(11) và trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), Người khẳng định: “Học tập lý luận là một sự bức thiết đối với Đảng ta”(12).Dành tâm sức cho công việc đặc biệt quan trọng này, những bài viết đăng trên báo Thanh niên, Cứu quốc, Nhân dân, v.v..những báo cáo: Thư gửi Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản 16/1/1935, Thư gửi các lớp chỉnh huấn Đảng, Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc năm 1957, v.v... và những tác phẩm như Đường Kách mệnh năm 1927, Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Bút tích ghi trong cuốn Sổ vàng trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 9/1949, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II 2/1951, Thường thức chính trị năm 1953, Đạo đức cách mạng năm 1958,v.v... của Người thể hiện rõ quan điểm: “Đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Vì vậy, phải học tập lý luận, phải trang bị hệ thống luận điểm cách mạng, khoa học, phương pháp luận biện chứng của học thuyết Mácxít-Lêninnít cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để từ đó nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản bằng các cơ sở khoa học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.Cũng từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: vì “Học tập chủ nghĩa còn kém, cho nên tư tưởng của nhiều cán bộ và đảng viên chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt”(13). Từ đó, Người nhấn mạnh: “Có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”. Không chỉ học tập, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Người còn chỉ rõ nhiệm vụ: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra đường lối, phương châm, bước đi có thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(14). Coi hiểu biết lý luận là một nội dung hàng đầu trong 12 chuẩn mực xác định tư cách của một đảng chân chính cách mạng (15), Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải học lý luận để: thứ nhất, “học để sửa chữa tư tưởng”; thứ hai, “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”; thứ ba, “học để tin tưởng”; thứ tư, “học để hành”.
Luận giải những nội dung trên, Hồ Chí Minh nói: 1/ “Học để sửa chữa tư tưởng”, vì nếu tư tưỏng chưa thực sự là tư tưởng cách mạng, nhất định cán bộ, đảng viên phải học để sửa chữa cho đúng, để từ đó hành động đúng và làm tròn nhiệm vụ cách mạng được giao phó. 2/ “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, vì đạo đức là gốc của người cách mạng, nếu không có đạo đức thì không thể phấn đấu, hy sinh cho cách mạng và không thể lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Cũng theo Người, người cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị không chỉ nhằm nâng cao trình độ lý luận, chống lại ách thống trị của đế quốc thực dân mà còn để “cải tạo” mình, giúp họ trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”- tiêu chuẩn cơ bản mà Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có. Với ý nghĩa đó, Người chỉ rõ: “Những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc cho đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”. 3/ “Học để tin tưởng”. Tin tưởng vào đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc, vì có lý tưởng và niềm tin vững chắc thì người cách mạng khi gặp thuận lợi không kiêu, lúc gặp khó khăn không nản, không ngại gian khổ, hy sinh. 4/ “Học để hành”. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy, vì vậy, học phải đi đôi với hành, “để làm việc, làm người, làm cán bộ”, không phải để chạy theo bằng cấp, không phải để mặc cả với Đảng.
2. Cùng với việc khẳng định rằng: học tập lý luận là rất quan trọng, rất bức thiết, Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần nguyên tắc: Học để thực hành, học đi đôi với hành, học mà không thực hành thì vô ích. Trong các bài viết, bài nói của mình, Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau: như "Lý luận đi đôi với thực tiễn", "Lý luận kết hợp với thực hành", "Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, "Lý luận phải liên hệ với thực tế” để nhấn mạnh: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (16). Diễn đạt nguyên tắc này trên tinh thần biện chứng: thực tiễn cần tới lý luận soi đường để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Trên tinh thần đó, theo Người, trong học tập phải quán triệt: “Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”(17). Khẳng định sự cần thiết phải gắn liền lý luận với thực tiễn, Hồ Chí Minh cho rằng chừng nào mà cán bộ, đảng viên còn chưa thực hiện đúng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, chừng đó những sai lầm, vấp váp, những tổn hại cho sự nghiệp cách mạng vẫn còn. Vì thế, muốn học tập lý luận đạt kết quả tốt, nhất thiết người học phải tuân thủ nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tiễn, lý luận thống nhất với thực tiễn và trước hết, cán bộ, đảng viên cần phải khắc phục bệnh kém lý luận, bệnh khinh lý luận. Kém lý luận, khinh lý luận dẫn tới bệnh kinh nghiệm, tới bệnh giáo điều và cho kinh nghiệm là yếu tố quyết định thành công trong hoạt động thực tiễn. Hơn nữa, khi không có lý luận, hay trình độ lý luận kém sẽ làm cho bệnh kinh nghiệm thêm trầm trọng. Một số cán bộ, đảng viên "chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ”, không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho công tác cách mạng, nên cắm đầu nhắm mắt mà làm và không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng... Họ không biết rằng, kinh nghiệm tốt đó chẳng qua chỉ thiên về một mặt”, vì vậy, có “kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ". Nói cho đến cùng, theo Hồ Chí Minh, đó là những người không hiểu vai trò của lý luận đối với thực tiễn, không biết rằng: "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối vừa chậm chạp vừa hay vấp váp".Cũng nói về việc học tập lý luận, Hồ Chí Minh khẳng định: "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để hắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên"(18), nên phải quán triệt rằng "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông". Lý luận chỉ có ý nghĩa đích thực khi được vận dụng vào thực tiễn, phục vụ thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn. Đồng thời, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn thì phải phù hợp điều kiện thực tiễn. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng: không được học thuộc lòng chủ nghĩa Mác-Lênin, bởi "học sách vở Mác-Lênin nhưng không học tinh thần Mác-Lênin" là học theo kiểu "mượn những lời của Mác, Lênin dễ làm cho người ta lầm lẫn". Chỉ có “học tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta", và "Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm"(20), mới giúp cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tóm lại, không chỉ chống giáo điều trong học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn phải chống giáo điều trong vận dụng lý luận cũng như kinh nghiệm của nước khác, ngành khác, như Người từng nói: khi học tập lý luận, mà "không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận, phải gắn liền giữa lý luận và thực tiễn, coi đó là một biện pháp cơ bản để ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều, đồng thời để “tổng kết thực tiễn”, “để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn".
3. Đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền, nhiệm vụ học tập lý luận là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Đứng trước tình hình mới và yêu cầu mới của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, hơn bao giờ hết, nhược điểm “thiếu lý luận”, “kém lý luận”, “khinh lý luận”... như Hồ Chí Minh từng chỉ rõ là một trở ngại lớn, khiến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng không thể hoàn thành nhiệm vụ “tiên phong” của mình. Và cũng hơn bao giờ hết, lời nhắc nhở “cảm thấy sự cần thiết phải học tập lý luận và yêu cầu Đảng phải tổ chức học tập lý luận cho cán bộ" của Hồ Chí Minh lúc sinh thời không chỉ còn nguyên giá trị, mà trở thành một nhu cầu thực tiễn của Đảng ta. Vì thế, để có thể kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vấn đề học tập lý luận nói chung, và lý luận Mác-Lênin nói riêng của đội ngũ cán bộ, đảng viên càng được Đảng chú trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng Việt Nam, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh ý nghĩa và vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Đại hội VII của Đảng năm 1991 đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đại hội IX của Đảng "khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta"... Với ý nghĩa đó, công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu bức thiết trong đời sống của nhân dân ta, và đang được triển khai sâu rộng trong thực tiễn./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Bảo tàng Hồ Chí Minh
------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H,1995, t.2, tr. 259, 268(3), (15), (18), (19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, tr.233, 149-250, 235, 234(4) V.I. Lênin, Toàn tập, t.1, tr.382, Nxb TB, M.1974.(5) C.Mác-Ph. Ăngghen, Toàn tập, t3, tr181, Nxb CTQG, H.1995.(6) V.I. Lênin, Toàn tập, t.2, tr.559, Nxb TB, M.1974.(7), (8), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.84, 86, 84(10), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 253, 166-167(11), (12), (14), (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 496, 495, 494, 496(17)Hồ Chí Minh,Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 95(20) Hồ Chí Minh,Toàn tập, Sđd, t..9, tr. 292