Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 11/8/2010 22:0'(GMT+7)

Bao giờ quyền lợi người bệnh được đảm bảo?

Thủ tục rườm rà, nhiêu khê

Mới 9 giờ sáng tại nhà A, Bệnh viện K Trung ương, khu khám bệnh cho người dân có thẻ BHYT đã đông nghịt người. Trên bàn, quyển sổ thứ 3 để ghi tên bệnh nhân vào khám đã sang đến trang thứ 3 với số thứ tự lên đến 60 người. Cầm trên tay cuốn sổ y bạ, bác Nguyễn Văn Chinh, ở Yên Lạc, Hòa Bình than thở: “Chờ suốt từ 7 giờ sáng tới giờ vẫn chưa tới lượt, biết thế này thà ra ngoài khám dịch vụ cho nhanh. Khám bệnh chỉ có 5 -10 phút vậy mà chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Khám xong trong buổi sáng nhưng có lẽ mai tôi mới về quê được vì còn phải đợi kết quả xét nghiệm”.

Làm thủ tục khám BHYT (Ảnh minh hoạ:internet)

Anh Nguyễn Văn Hồng ở Nghệ An có bố vợ từng điều trị tại bệnh viện K bức xúc kể về trường hợp của bố vợ anh: "Sau 1 tháng kể từ khi ông cụ mất, tôi ra Bệnh viện K để thanh toán tiền viện phí cho ông. Sau khi làm thủ tục và chờ đợi cả buổi sáng tôi mới thanh toán được viện phí. Khi về nhà, tôi mới phát hiện ra nhân viên bệnh viện quên trả lại thẻ BHYT. Vì điều kiện tôi không ra được nên nhờ một người bạn ở Hà Nội đến lấy thẻ BHYT. Tuy đã xuất trình giấy chuyển viện và biên lai thu viện phí, bản phô tô thẻ BHYT nhưng sau khi chờ đợi cả buổi sáng, bạn tôi nhận được câu trả lời do không có sổ y bạ nên bệnh viện không thể trả lại thẻ BHYT được. Người thì đã mất mà giấy tờ vẫn không lấy lại được, thật là bực mình".

Còn trường hợp của bác Vũ Thị Chín ở Thanh Hóa mới thật dở khóc dở cười. Khi làm xong các thủ tục, bác chỉ được bác sỹ khám bệnh chứ không được điều trị vì trong giấy chuyển viện của bác, nơi cấp chỉ đề khám chứ không đề khám và điều trị bệnh. Thế là bác đành phải quay về quê để lấy lại giấy chuyển viện có đầy đủ mục đích khám và điều trị như bệnh viện yêu cầu.

Bên cạnh việc phải chờ đợi mất thời gian tại các phòng khám bảo hiểm điều khiến người có thẻ BHYT nản lòng là thái độ đối xử của nhân viên y tế với bệnh nhân bảo hiểm không mấy mặn mà.  Chưa kể đến tình trạng khám qua loa, kê một vài tên thuốc rồi bảo ra quầy lĩnh cho xong. Ngoài ra, danh mục những loại thuốc được quy định sử dụng cho đối tượng BHYT cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Nhiều khi bác sĩ kê đơn thuốc, nhưng đến quầy cấp phát, đa số tên thuốc trong đơn lại không có trong danh mục của BHYT. Không ít trường hợp kê đơn những thuốc ngoài danh mục của bệnh viện để bệnh nhân BHYT phải mua thuốc tại những quầy thuốc có “bảo kê” của bác sĩ. Với vô vàn những rắc rối nhiêu khê ấy đã khiến cho không ít bệnh nhân không mặn mà sử dụng thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế.

Khó có sự thay đổi

Khi Luật BHYT có hiệu lực, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT, Bộ Y tế đã tổ chức thí điểm thực hiện Chương trình “Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” tại 10 bệnh viện Trung ương, trong đó tập trung vào các nội dung như: cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, tiết kiệm thuốc, xét nghiệm thông qua các hoạt động như hẹn giờ khám chữa bệnh qua điện thoại, trả kết quả xét nghiệm nhiều lần trong ngày hoặc ngay tại giường bệnh, trả qua bưu điện. Đồng thời, mỗi bệnh viện phải bố trí ít nhất một cán bộ thường trực tại nơi đón tiếp bệnh nhân để giải quyết kịp thời những thắc mắc của người bệnh liên quan đến BHYT.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại một số bệnh viện thực hiện chương trình trên, dù rất cố gắng cải cách các thủ tục khám chữa bệnh, nhưng người dân có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh vẫn gặp không ít phiền hà và chưa thực sự hài lòng.

Ông Đỗ Hùng Kiên, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện có trên 1.200 người tới khám, trong đó có đến 60 - 70% là bệnh nhân có BHYT. Trung bình 1 quý, Bệnh viện K phải chi trả đến 200 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Cơ sở vật chất, nhà cửa quá chật hẹp, mặc dù đã tổ chức lại bộ phận tiếp đón nhưng vẫn khó có thể đáp ứng được hết yêu cầu của người bệnh.

Theo ông Kiên, các thủ tục giấy tờ trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT là cần thiết vì căn cứ vào các giấy tờ này thì bệnh viện mới thanh toán được với bên bảo hiểm. Đối với bệnh nhân tại viện K thì số tiền chi trả cho mỗi lần điều trị thường dao động từ 10 - 20 triệu đồng, có những bệnh nhân số tiền điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Kiên khẳng định, bệnh nhân đến khám theo chế độ BHYT chỉ cần có thẻ BHYT và giấy chuyển viện hợp lệ của bệnh viện tỉnh, đa khoa, ngành… chuyển lên bệnh viện K là được. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý có những trường hợp bệnh nhân có giấy chuyển viện đúng tuyến, hợp lệ nhưng giấy chuyển viện chỉ ghi khám mà không ghi khám và điều trị thì bệnh viện cũng chỉ khám cho bệnh nhân chứ không điều trị.

Một vướng mắc nữa gây bức xúc cho người tham gia BHYT, đó là việc thanh toán BHYT cho các trường hợp bị tai nạn giao thông. Theo luật quy định, những trường hợp bị TNGT cũng sẽ được thanh toán BHYT nhưng phải có chứng nhận không vi phạm Luật Giao thông. Trong khi trách nhiệm kiểm tra, giám định và cấp chứng nhận trong trường hợp này lại không được quy định rõ ràng, vì thế bên y tế và bên bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Hậu quả là người bệnh chịu thiệt thòi và phiền hà. Phần lớn người bị TNGT được đưa đi cấp cứu ngay nên khó có thể chứng minh được mình có vi phạm Luật Giao thông hay không. Kết quả là, nhiều người vẫn cứ phải tạm thời chi trả toàn bộ viện phí.

Trước những bấp cập nêu trên, hiện Bộ Y tế đã đề xuất bệnh nhân BHYT TNGT sẽ được thanh toán viện phí, thay vì phải chờ có chứng nhận không vi phạm Luật Giao thông mới được trả tiền lại như hiện nay. Tuy nhiên, từ đề xuất đến thực hiện sẽ còn một khoảng thời gian và trong khi chờ đợi, người bệnh vẫn phải chịu thiệt thòi./.

Bà Vũ Thị Tuyết, khu đô thị mới Linh Đàm, Hà Nội: Quyền lợi còn xa vời

Tôi bị bệnh thoát vị đĩa đệm, hầu như mỗi năm phải mất vài tháng đi chữa bệnh. Thời gian đầu, tôi đến khám BHYT nhưng chữa đi chữa lại nhiều lần mà bệnh không đỡ. Một lần có người mách: “Bên phòng dịch vụ có mấy người còn nặng hơn mà chữa giờ đi lại được rồi đấy!”. Tôi không tin vì nghĩ cùng một bệnh viện làm gì có chuyện ấy. Nói vậy nhưng tôi vẫn thử qua đó xem sao. Quả thật, chưa đầy một tuần điều trị tại phòng dịch vụ, tôi đã đi lại dễ dàng. Trong khi những lần trước, ít nhất phải mất vài tuần, thậm chí có khi cả tháng. Thì ra các bác sĩ BHYT cho thuốc chưa “đủ đô”. Thế nên bây giờ tôi chỉ dùng đến thẻ BHYT khi bệnh nặng hay phải nhập viện để điều trị lâu ngày.  Còn khám định kỳ thì tôi làm dịch vụ cho nhanh và thuận tiện. Việc người bệnh có thẻ BHYT được chăm sóc sức khoẻ theo đúng nghĩa vẫn còn xa vời.

Anh Nguyễn Văn Châu, Nghi Lộc, Nghệ An: Khám BHYT một lần "sợ" đến già

Đã 5 năm nay tôi chưa một lần dùng thẻ BHYT để khám chữa bệnh nhưng đợt vừa rồi, tôi thấy hay bị đau bụng nên tới khám tại cơ sở y tế khám chữa ban đầu. Ngồi chờ từ 8h30 sáng cho đến 11h15 mới được vào phòng khám. Tôi kể bị đau bụng, bác sĩ lấy tai nghe nghe ngực phổi rồi bảo có khả năng viêm đại tràng. Tôi nói, đợt này thấy đau bất thường, xin bác sĩ cho đi siêu âm. Nhưng bác sĩ không cho, nói rằng, siêu âm cũng chẳng phát hiện được gì vì là viêm đại tràng. Tôi kể thêm một bệnh nữa là bị đau nửa người đã lâu, uống nhiều thuốc của nhiều bệnh viện lớn rồi không khỏi.

Bác sĩ liền phán chắc nịch một câu, tôi kê thuốc này uống rồi sẽ khỏi. Thế là bác sĩ quên luôn mục tiêu ban đầu của tôi là đi khám vì đau bụng. Rồi cho tôi một đơn thuốc đau nửa người, ghi bệnh của tôi là thiểu năng tuần hoàn não. Chỉ một lần đi khám như thế làm tôi sợ đến già. Bây giờ không chỉ mình tôi mà cả người nhà tôi đều tẩy chay thẻ BHYT, thà mất tiền khám dịch vụ còn hơn rước bực, mua lo vào mình./. 

Phương Hằng - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất