Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 10/8/2010 13:44'(GMT+7)

Con đường tìm công lý vì những nạn nhân chất độc da cam

Em Trần Thị Hoan, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tham gia phiên điều trần thứ ba tại Mỹ mà không cần đến phiên dịch

Em Trần Thị Hoan, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tham gia phiên điều trần thứ ba tại Mỹ mà không cần đến phiên dịch

Nỗi đau da cam

 Theo Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam – 2009, trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, chủ yếu là chất da cam. Trong đó, 86% diện tích là bị rải hai lần, thậm chí có nhiều nơi bị rải 10 lần. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng triệu người khác đã bị dị tật vĩnh viễn. Hiện có khoảng 4,8 triệu nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, 500 nghìn người bị tàn tật và biến dạng… Đó là nỗi đau mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu mấy chục năm qua.
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn cam go; mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn phải đòi hỏi những thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa với nhiều giải pháp khác nhau. Các nhà khoa khoa học, các luật sư và cả những nạn nhân chất độc da cam đã trải qua ba phiên điều trần tại Mỹ.
“Kết quả tuy chưa đạt được như ý muốn nhưng phía Mỹ đã có những chuyển biến trong nhìn nhận và con đường tìm công lý cho các nạn nhân vẫn sẽ tiếp tục” – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết.
Mở đầu buổi tọa đạm, GS Phượng thông tin: Trong phiên điều trần thứ 3, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã mời đại diện là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đến đối thoại Điều này cho thấy phía Mỹ đã có sự chuyển biến trong nhìn nhận khi phía họ đã có cái nhìn nghiêm túc hơn trong mối liên hệ giữa chất độc da cam và sức khỏe của người Việt Nam. Đại diện của chính quyền Mỹ lần này đến điều trần với thái độ mềm mỏng hơn và họ luôn nói rằng rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Từ nay đến 2019, phía Mỹ sẽ hỗ trợ 300 triệu USD (30 triệu USD/năm) để Việt Nam cải tạo những vùng đất bị ô nhiễm và tái phục hồi môi sinh bị hủy hoại, mở rộng dịch vụ giúp đỡ nạn nhân… Tuy nhiên, so với thiệt hại do Mỹ gây ra, đây thực ra chỉ là một số tiền quá ít ỏi.

Nguyễn Ngọc Lợi, một nạn nhân chất độc da cam
đã vươn lên trong cuộc sống, giành huy chương vàng
 môn bơi lội tại pa – ra – game.

Với công trình nghiên cứu “Trách nhiệm pháp lý của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng chất độc hóa học dioxin tại Việt Nam”, Thạc sỹ Luật Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng: Phía Mỹ vẫn chưa giải quyết các hậu quả từ dioxin một cách triệt để. Các hoạt động hỗ trợ từ trước tới nay vẫn không thể xoa dịu nỗi đau mà hàng triệu người dân Việt Nam đang gánh chịu và để yêu cầu phía Mỹ thực thi trách nhiệm về mặt pháp lý, chúng ta cần thông qua các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế dù rằng những vấn đề này vốn dĩ khá phức tạp. Tôi tin rằng, với quyết tâm của mình, chúng ta sẽ làm được” – Luật sư Thanh khẳng định.

Qua thông tin về vụ kiện, chúng ta biết được trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhưng còn trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ thì như thế nào? Vấn đề trên chỉ có thể làm rõ thông qua các quy phạm pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có một tài liệu nghiên cứu nào bàn về trách nhiệm pháp lý của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng chất độc hóa học dioxin. Rõ ràng, sử dụng chất độc dioxin với tính chất diệt chủng là vi phạm các quy định của Luật quốc tế, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cả về trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức – Luật sư Thanh nhấn mạnh tại buổi tọa đàm.

Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng: Hoa Kỳ cần phải chịu trách nhiệm pháp lý về vấn đề này để đền bù những thiệt hại mà họ đã gây ra cho người dân Việt Nam.

Một làng cam cho các nạn nhân dioxin

Triển lãm về những nạn nhân chất độc da cam
đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện hàng triệu người dân Việt Nam nhiễm chất độc dioxin mắc bệnh nan y đã chết. Hàng triệu nạn nhân có bệnh và các thế hệ con cháu khi sinh ra đã bị mắc bệnh ung thu và dị tật. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức chăm lo nhưng vẫn không thể bù đắp được những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu.

Một dự án xây dựng Làng Cam tại huyện Hóc Môn hiện đang được Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh xây dựng dự án để giúp đỡ các nạn nhân. Đây sẽ là địa chỉ để giúp đỡ các nạn nhân da cam của Việt Nam. Tại đây không những nuôi dưỡng, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho nạn nhân mà nạn nhân có thể học nghề, học chữ. Hội cũng đang gây quỹ để hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho nạn nhân như xây dựng nhà tình thương, tạo việc làm cho những nạn nhân chất độc da cam… Từ trước tới nay, Làng Hòa Bình, thuộc bệnh Viện Từ Dũ cũng được xem là ngôi nhà chung của các nạn nhân dioxin. Ở đây sẽ là nơi bù đắp, nuôi dạy các em có thể sống những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Nơi đó, có em Trần Thị Hoan, Nguyễn Hồng Lợi… đã sống và vươn lên đầy nghị lực để trở thành người có ích cho xã hội – bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, bệnh viện Từ Dũ bộc bạch.

 GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng, cùng với việc chăm lo cho các cháu, chúng ta cần tích cực tẩy sạch môi trường để tránh hậu quả tiếp theo cho các thế hệ mai sau.

Chúng ta có thể cung cấp các nguồn lực cho dịch vụ y tế toàn diện, công tác phục hồi cũng như các cơ sở giáo dục cho nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, giúp Việt Nam tẩy sạch một cách nhanh chóng các địa điểm có nồng độ chất độc da cam/dioxin cao. Bác sĩ Phượng cho biết thêm: hiện đơn vị đang xúc tiến xây dựng phòng thí nghiệm để lấy mẫu sữa các bà mẹ trong vùng chịu ảnh hưởng về xét nghiệm. Nếu nồng độ dioxin trong sữa mẹ cao sẽ khuyến cáo không cho con bú sữa mẹ để tránh lây nhiễm cho con”.

Theo Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất