Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 29/7/2010 22:10'(GMT+7)

Vi phạm kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ vẫn diễn ra phổ biến

BS Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế

BS Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế

Tại khoa sơ sinh của một số bệnh viện, nhân viên y tế sử dụng bình bú cho trẻ bệnh lý ăn với lý do không đủ nhân viên để thực hiện cho trẻ ăn bằng cốc, thìa; vẫn còn hiện tượng bán sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi tại căng tin bệnh viện… có trường hợp còn sử dụng bình vú núm vú giả cho trẻ ăn.

Hầu hết các bệnh viện thiếu áp phích, tờ rơi tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ, công tác giáo dục, tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ ở một số bệnh viện chưa được thực hiện thường xuyên. Một số bệnh viện vẫn treo áp phích và đồng hồ có tên hoặc biểu tượng của sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi…

Với các cơ sở sản xuất kinh doanh, vi phạm có 2 dạng chính: Vi phạm về ghi nhãn và vi phạm về quảng cáo. Có tới còn 21% sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và hơn 53% sản phẩm bình bú, núm vú giả được kiểm tra chưa ghi nhãn đầy đủ nội dung theo quy định. Theo kết quả thanh tra mới nhất, 8/8 sản phẩm được kiểm tra của Công ty MaMa sữa non ghi trên nhãn không phù hợp với nội dung nhãn dự thảo trong hồ sơ công bố (công dụng, thành phần, không có tên nhóm sản phẩm). Các sản phẩm ghi nhãn chưa đầy đủ nội dung gồm: Sữa XO (0-3th tháng; 6-12tháng; 1-9 tuổi); HiPP 1 Infant Plus, HiPP Infant Milk Bio từ 1 tháng tuổi…; sữa bột dinh dưỡng Grow Milk… Nhiều sản phẩm bình bú và núm vú giả ghi nhãn chưa đầy đủ nội dung như: Núm vú Jia Ding, bình bú Pigeon, núm vú giả NUK, bình bú FARLIN… Bên cạnh đó, các vi phạm trong quảng cáo sản phẩm cũng rất phổ biến: Sổ khám bệnh cho trẻ có in quảng cáo sữa Gain Advance dành cho trẻ dưới 12 tháng (hình ảnh trẻ nhỏ với dòng chữ “cho con yêu khi bé được 6 th tuổi”); tờ rơi giới thiệu sữa HiPP cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, tờ rơi cho các đại lý bán lẻ quảng cáo sản phẩm sữa Meji 1 dành cho trẻ dưới 6 tháng, sữa cho trẻ 6 – 12 tháng, quảng cáo MEJI GOLD 2 có thành phần tương đương sữa mẹ…

Để khắc phục tình trạng trên, đưa Nghị định 21 vào sâu rộng trong cuộc sống, Thanh tra Bộ Y tế đã đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Yêu cầu đưa nội dung thực hiện Nghị định 21 và duy trì thực hiện Bệnh viện bạn hữu trẻ em vào chấm điểm thi đua cuối năm của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho đào tạo, tập huấn, tuyên truyền Nghị định 21; có quy định cụ thể về mức chi thường xuyên đối với công tác tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ trong ngân sách chi của bệnh viện.

Đối với các cơ sở y tế, bên cạnh việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, các quy định của pháp luật khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cần bổ sung panô, áp phích, cập nhật các quy định mới theo Nghị định 21; không được nhận panô, áp phích có tên và biểu tượng của sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi để treo tại cơ sở, hạn chế tối đa việc sử dụng bình bú cho trẻ ăn tại bệnh viện…

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, Bộ Y tế cũng yêu cầu mỗi đơn vị là một giám sát viên, kịp thời phát hiện các đơn vị sai phạm để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý khi các cơ sở, cán bộ, nhân viên y tế vi phạm Nghị định 21, BS Hà Hào Hiệp cho biết, hiện Nghị định không có điều khoản quy định xử phạt đối với những đối tượng này. Do đó, khi phát hiện sai phạm, chủ yếu là áp dụng Luật công chức. Ông nêu ví dụ, nếu các nhân viên y tế vi phạm Nghị định 21 như: Quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo… tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách, kỷ luật, chuyển công tác… Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trong Nghị định 45 tới đây sẽ bổ sung các quy định rõ ràng và chi tiết hơn về việc xử phạt các đối tượng này.

Dương Ngọc

Nghị định 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ gồm 15 chương, 15 điều quy định về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất – kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, quy định về quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Trong đó, nêu rõ các quy định về tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ, việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ. Nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ: không tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ tại cơ sở y tế để khuyến mại hoặc bán sữa cho trẻ dưới 12 tháng, thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; không tài trợ học bổng, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hội nghị, dịch vụ tư vấn điện thoại nằhm thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sữa cho trẻ dưới 12 tháng, thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Các cơ sở khám chữa bệnh, thầy thuốc, nhân viên y tế có trách nhiệm tuyên truyền, khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ, tạo điều kiện cho bà mẹ cho con bú sớm trong vòng 1 giờ sau đẻ. Nghiêm cấm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, các lợi ích vật chất hoặc các hình thức biểu hiện khác có tên hoặc biểu tượng của sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng. Không được hướng dẫn, tư vấn hoặc kê đơn cho sản phụ sử dụng các sản phẩn dinh dưỡng dung cho trẻ nhỏ trong trường hợp không cần thiết.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất