Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 31/12/2013 21:14'(GMT+7)

Bảo tồn làng cổ: Đừng biến hết thành bảo tàng!

Ngôi nhà 250 năm tuổi ở Đường Lâm được Nhà nước đầu tư trùng tu năm 2013. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Ngôi nhà 250 năm tuổi ở Đường Lâm được Nhà nước đầu tư trùng tu năm 2013. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Làng cổ khó "sống"

Dẫn chứng cho vấn đề này, giáo sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ: 95% số hộ dân tại một xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương khi được hỏi đều có chung một câu trả lời rằng, họ không muốn ở trong những ngôi nhà cũ, cổ vì thiếu tiện nghi và không có hệ thống vệ sinh khép kín. Hơn nữa, khi tiến hành sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn bởi những ngôi nhà ấy chủ yếu được làm từ gỗ…

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Kính, giáo sư-tiến sỹ Phạm Đình Việt (Đại học Đông Đô) cũng cho rằng: “Bảo tồn làng là bảo tồn một điểm dân cư ‘sống,’ từ ‘sống’ đúng với nghĩa đen của nó.”

Lý giải sâu hơn về vấn đề này, các nhà khoa học nhất trí cho hay, trong xã hội hiện đại, làng cổ thể hiện tính hai mặt. Thứ nhất, đó là di sản văn hóa, ghi dấu không gian sinh hoạt truyền thống của thế hệ cha ông.

Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, làng cổ còn là ứ tồn của lịch sử. Điều này thể hiện trước hết và rõ nét qua việc thiếu tiện nghi sinh hoạt. 

Theo giáo sư Hoàng Đạo Kính, làng Đại Yên (Ngọc Hà, Hà Nội) là một trong những ví dụ rõ nét cho điều này. Từ cả nghìn năm nay, ngôi làng này nổi tiếng với nghề trồng và bốc thuốc Nam. Từ đây, dược liệu được đưa đi khắp các chợ Hà thành. Thế nhưng, hiện nay, ngôi làng đó trở nên vô cùng chật chội và ô nhiễm. “Người dân liên tục cãi vã nhau cũng chỉ vì sự chật chội ấy,” ông chia sẻ.

Trong khi đó, “đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển,” giáo sư Hoàng Đạo Kính phân tích. Bởi vậy, làng cổ cũng cần có những sự vận động, biến đổi phù hợp để thích nghi với quá trình này. 

Bài toán về tính khả thi

Từ thực tế này, các nhà khoa học đưa ra khuyến nghị: Cần xem lại đối tượng làng cổ thực sự cần bảo tồn và tính khả thi trong bảo tồn di sản văn hóa nói chúng và bảo tồn làng cổ nói riêng.

Cụ thể, giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát lại danh sách di tích, di sản văn hóa. 

“Cuộc chạy đua danh hiệu sẽ làm đi mất tinh hoa dân tộc. Chúng ta mở quá rộng diện di tích được công nhận mà không tương ứng, tương thích với năng lực quản lý, đầu tư trùng tu. Trong khi đó, những gì là di sản thực sự lại không được đầu tưu bảo tồn đến nơi đến chốn. Chúng ta chưa đặt mọi thứ trên tính khả thi. Đối với làng cổ cũng như vậy,” giáo sư Kính bày tỏ.

Theo vị Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia này, hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.000 di tích đã xếp hạng; trong đó có khoảng 2.000 di tích đòi hỏi phải trùng tu. Mỗi di tích trung bình đòi hỏi khoảng 10 tỷ cho một lần trùng tu. Vậy, mỗi năm để trùng tất cả các di tích thì cần phải có khoảng 15-20 nghìn tỷ đồng. 

Thêm vào đó, hầu hết các di tích lại làm bằng gỗ (trong đó phần lớn là gỗ tứ thiết-một loại gỗ quý). “Ở Việt Nam, trùng tu nặng về xây dựng cơ bản và để đảm bảo yêu cầu thì khi trùng tu, mỗi di tích như vậy đòi hỏi khoảng 50-100 m3 gỗ tứ thiết,” giáo sư Kính phân tích.

Xuất phát từ thực tế này, giáo sư Hoàng Đạo Kính đưa ra khuyến nghị, tại các địa phương, cần lựa chọn ra một hoặc hai làng cổ chứa đựng những giá trị di sản thực sự, để đầu tư bảo tồn. “Đối với các di sản, bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên mà cần bảo tồn theo hướng phát triển tiếp nối: Những gì là nguyên gốc, độc đáo thì giữ nguyên; những gì không phù hợp thì cần cải tạo,” ông Kính kiến nghị.

Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia bày tỏ: “Các di sản được lựa chọn phải đảm bảo tính nguyên gốc, tính dân gian, không sản xuất hàng loạt mà phải mang tính đơn nhất, độc đáo trong môi trường thiên nhiên, xã hội. Nó phải có khả năng phát huy giá trị trong đời sống, sự phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng làng xã.”

Đưa ra ví dụ cụ thể, các chuyên gia cho rằng, ở Hà Nội, với làng cổ Đường Lâm, cần duy trì chuỗi lịch sử hàng nghìn năm bởi đây là nơi lưu trữ chuỗi dữ liệu lịch sử đầy đủ về làng quê Việt Nam về mọi phương diện.

Cùng với đó, giáo sư Hoàng Đạo Kính bày tỏ: “Phải giữ cho được phức hợp di sản kiến trúc từ cấu trúc không gian đến đầy đủ các loại hình khác ở làng cổ này. Lâu nay, chúng ta mới chỉ chú ý đến nhà cổ; cần chú ý tới tất cả các loại hình đã từng có mặt trong thiết chế vật chất của làng: đình, chúa, miếu mạo, nhà ở… chứ không phải chỉ có nhà cổ.”

Theo ông, thực tế hai lần người dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di sản trong năm 2013 đã để lại một bài học đắt giá. “Đừng biến nông dân thành vật trưng bày và đừng biến nhà họ thành bảo tàng,” ông Kính nhấn mạnh.

Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Đạo Kính cho rằng: Với những ngôi nhà thực sự có giá trị, vốn là những ngôi nhà tiêu biểu thể hiện nếp sống của những giai tầng khác nhau thì nhà nước nên mua lại. 

Với những ngôi nhà khác, để đảm bảo cảnh quan chung, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cách thức cải tạo, xây mới. “Chúng ta không thể cấm người dân cải thiện đời sống ngay trên chính mảnh đất cha ông họ để lại,” ông Kính nói./.

An Ngọc (Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất