Những yếu kém trong nước trong công tác
quản lý di sản diễn ra trong một thời gian dài là nguyên nhân của nhiều
vụ việc nổi cộm đến mức báo động liên quan đến những di sản “sống”, đẩy
mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển lên đến đỉnh điểm và đẩy nhiều di
tích vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”; Tuy nhiên trên bình diện
quốc tế, những nỗ lực ngoại giao trên lĩnh vực di sản đã được bạn bè
quốc tế ghi nhận thông qua việc VN trúng cử vào Hội đồng di sản quốc
tế…là những buồn vui, cơ hội và thách thức đan xen nhau trong một bức
tranh có gam màu đối lập của công tác di sản năm 2013.
Di sản “sống” chờ bài toán bảo tồn và phát triển
Năm 2013 chưa bao giờ dư luận được chứng
kiến những vấn đề nóng liên quan đến di sản “sống” khi hàng loạt người
dân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) không mặn
mà với di sản, thậm chí còn muốn trả lại danh hiệu di sản.
Những ngôi nhà cổ ngày càng xuống cấp
không được trùng tu, cải tạo, phổ biến tình trạng qui hoạch treo; nhiều
thế hệ phải sống chen chúc, bức bối trong sinh hoạt; quyền lợi của
người dân không gắn trực tiếp với giá trị của di sản. Ngần đấy yếu tố đủ
để dư luận cảm thông với việc người dân không mặn mà với danh hiệu.
Một trong những nguyên nhân gây nên bức
xúc còn có sự quan liêu và cách cư xử không chuẩn mực của lãnh đạo địa
phương như thừa nhận của ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ
VHTT&DL.
Rõ ràng, cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp
địa phương là nơi nắm rõ hiện trạng di sản nhất đã luôn để mình rơi vào
thế bị động trong công tác bảo vệ di sản. Họ đã không thường xuyên nắm
bắt tình hình để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp với đặc thù của
những “di sản sống”.
Di sản...làm ”con tin”
Sau 9 lần gửi thư kêu cứu không hồi âm
trong nhiều năm, cuối tháng 4 vừa qua, trụ trì Chùa Diên Hựu - Một Cột,
Đại đức Thích Tâm Kiên đã gửi “tối hậu thư” tới lãnh đạo Hà Nội và các
cơ quan liên quan đề nghị trùng tu, tôn tạo chùa vì di tích này đã xuống
cấp nghiêm trọng.
Trong đơn nhấn mạnh nếu sau 30 ngày
không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và
hạ giải, đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi
mùa mưa bão sắp tới.
|
Một chi tiết trong khu nhà tổ chùa Một Cột bị mối đục mục ruỗng (Ảnh: Quang Trung)
|
Trước sức ép của dư luận, Thành phố đã
giao quận Ba Đình tập trung xử lý ngay việc chống thấm, chống dột tại di
tích; kiểm tra, rà soát công tác quản lý tại chùa. Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch Hà Nội cũng đã hướng dẫn giám sát quận Ba Đình triển khai
việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích chùa Một Cột – Diên
Hựu.
Bức thư thứ 10 đã gây chấn động dư luận
không chỉ vì tính hiệu quả của nó so với những lá thư trước mà còn bởi
những tỏ lo ngại rằng việc làm chưa có tiền lệ và mang tính tiêu cực này
sẽ còn tiếp tục nếu các cấp chính quyền địa phương không thay đổi tư
duy quản lý di sản.
Di sản - “mồi ngon” của bà Hỏa
Đình, đền, chùa là “bảo tàng” sống động
nhất của văn hóa quốc gia, là những chứng tích quan trọng về lịch sử,
văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và đời sống văn hoa tinh thần của nhân
dân. Tuy nhiên, các di tích này đang là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
do đốt nhiều hương và vàng mã và thái độ ứng xử chưa chuẩn của con
người. Tuy nhiên công tác phòng cháy chữa cháy ở đây chưa được quan tâm
đúng mức.
|
Nhà Lang cuối cùng của người Mường chỉ còn lại bộ khung sau đám cháy ngày 24/10.
(Ảnh: Bảo tàng Văn hóa Mường)
|
Những người yêu văn hóa chưa hết hối
tiếc về vụ cháy vào tháng 10 vừa qua thiêu rụi ngôi nhà Lang cuối cùng
của người Mường được kỳ công bảo tồn trong Không gian văn hóa Mường thì
lại thêm một lần nữa xót xa chứng kiến Đền Trung túc vương Lê Lai - Di
tích quốc gia đặc biệt (thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh,
Thanh Hóa) bị cháy rụi vào đêm 1/12 vừa qua.
Nếu như vụ cháy Nhà Lang cuối cùng của
người Mường xảy ra do sự vô ý thức của du khách khiến gần 200 hiện vật
kỳ công sưu tập suốt 15 năm qua bị hủy hoại thì vụ cháy Đền Trung túc
vương Lê Lai diễn ra cũng do sự bất cẩn của con người khiến đồ thờ
cúng, sắc phong, kiệu cùng nhiều vật dụng cổ trong đền hư hỏng nặng.
|
Đền Trung túc vương Lê Lai sau vụ hỏa hoạn (Ảnh: Nguyễn Hải)
|
Các vụ cháy gây những tổn thất nặng nề
không chỉ về vật chất mà còn cả những giá trị vô hình không thể đong đếm
được bởi hiện vật nguyên bản mãi mãi ra đi và không cách gì lấy lại
được.
Ứng xử của người trực tiếp trông coi di sản
Trong khi các cán bộ văn hóa địa phương
còn chưa thực sự làm hết trách nhiệm thì những người trực tiếp trông coi
di sản cũng có nhiều vấn đề về nhận thức.
Tình trạng xuất hiện nhiều hiện vật lạ
với văn hóa truyền thống trong các nơi thờ tự Việt vẫn tiếp tục xảy ra
như sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn lồng… bất kể đó là những di tích đã
được xếp hạng, được kiểm kê vật dụng thờ tự mà theo luật Di sản không
được thêm, bớt bất kỳ thứ nào.
|
gười dân bức xúc trước bức tượng mới có bề ngoài giống sư trụ trì tại chùa Chân Long (ảnh: Tri Thức)
|
Điển hình là vụ việc sư trụ trì chùa
Chân Long (Hà Nội) tự ý xây dựng nhà vệ sinh trong khuôn viên chùa, xây
gara để ôtô trước cổng ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia. Nhà
sư cũng cho biết đã tự ý thả trôi sông bức tượng phật cổ của chùa rồi
thay thế bằng một bức tượng mới làm bằng đồng, có bề ngoài rất giống
mình, khiến người dân phẫn nộ.
Từ đó vị trụ trì này không chỉ liên tiếp
có những vi phạm khá nghiêm trọng vào Luật di sản mà còn có nhiều hành
động làm mất lòng dân và mất đoàn kết người dân địa phương.
…và những nốt thăng
Tháng 11 vừa qua, UNESCO đã ra nghị
quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du cùng nhiều danh nhân văn hóa thế
giới. Theo nghị quyết, các quốc gia sẽ vinh danh những nhân vật này
trong hai năm 2014 và 2015. Với Việt Nam, danh hiệu cao quý này sẽ một
lần nữa quảng bá những giá trị mang tính di sản văn hóa của Truyện Kiều
đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Nghệ thuật truyền thống dân tộc Đờn ca
tài tử được UNESCO chính thức công nhận chiều ngày 5/12 tại phiên họp
của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8
của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan. Đây là vinh dự cho Việt Nam nói
chung và đặc biệt là cho 21 tỉnh phía Nam có di sản văn hóa phi vật thể
Đờn ca tài tử nơi mà môn nghệ thuật truyền thống này có sức sống mãnh
liệt và hiện được phổ biến rất rộng rãi.
|
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất Nam Bộ. (Ảnh: Báo Bạc Liêu)
|
Ngày 19/11 vừa qua, Việt Nam đã trúng cử
và trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về Di
sản thế giới(hay còn gọi tắt là Ủy ban Di sản). Đây là một tin vui thể
hiện sự đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy
di sản dân tộc và thế giới.
Trở thành thành viên của Ủy ban Di sản
thế giới Việt Nam sẽ cùng tham gia việc đôn đốc thực hiện Công ước 1972
đối với 190 nước thành viên của công ước. Việt Nam cũng sẽ tham gia xét
duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản
(khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm).
Bên cạnh đó Việt Nam cũng sẽ phải đề
xuất những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò thành viên Ủy ban giúp
công tác bảo tồn di sản thế giới đạt hiệu quả cao.
Hi vọng rằng với vai trò này, Việt Nam
cũng sẽ có nhiều cơ hội thu nhận về mình những kinh nghiệm hay của thế
giới trong việc nâng cao công tác quản lý di sản, để những câu chuyện
buồn về di sản trong nước sẽ sớm được khắc phục./.
Mỹ Trà/VOV