Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 30/12/2013 15:32'(GMT+7)

"2013 là năm thành công của ngoại giao văn hóa Việt Nam"

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Ousmane Paye, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Ousmane Paye, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, nền tảng của ngoại giao, dù là ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa vẫn luôn là chính trị; đối với bất cứ một nước nào, khi muốn đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại hay các mối quan hệ quốc tế khác, ngoại giao đều xuất phát từ chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia và tình hình thế giới và khu vực. Bản thân lợi ích quốc giao cũng phải dựa trên các điều kiện đó. Năm 2013 nền tảng ngoại giao Việt Nam là đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được xác định tại Đại Hội Đảng lần thứ XI là “hội nhập quốc tế toàn diện vừa chủ động, vừa tích cực”. Mỗi mảng của ngoại giao kinh tế, văn hóa, chính trị… đều phải xuất phát đường lối này.

Trong ngoại giao văn hóa tại UNESCO, nội dung chính trị được thể hiện ở việc bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO, với 3 ứng viên là bà Irina Bokova - người Bulgaria và hai Đại sứ Rachad Farah của Djibouti và Giáo sư Joseph Maïla của Liban (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo của Bộ Ngoại giao Pháp). Việc mỗi quốc gia thành viên lựa chọn để bầu cho ai đều phải tính đến lợi ích quốc gia và xu thế chung. Khi bỏ phiếu để bầu cho bà Irina Bokova làm Tổng giám đốc của UNESCO thể hiện bản chất chính trị - sự lựa chọn mang tính chính trị. Văn hóa đa dạng về hoạt động, nhưng không thoát khỏi bản chất chính trị của nó.

Đại sứ cho biết, năm 2013 tại UNESCO Việt Nam đã đạt được 5 thành công. Thành công thứ nhất của Việt Nam tại UNESCO là năm 2013 là năm thứ 4 và là năm cuối cùng Việt Nam là thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO và đã để lại dấu ấn “khá sâu sắc” của 4 năm hoạt động.

Có nhiều việc xảy ra liên quan đến cải cách chính trị, cải cách thể chế, liên quan đến ưu tiên của UNESCO và kể cả trước những khó khăn về tài chính, Việt Nam đã không khéo và uyển chuyển khi đưa ra những quan điểm của mình để vừa đảm bảo sự thống nhất của tổt chức này và vừa ủng hộ những cải cách của bà Irina Bokova. Đồng thời, quan điểm này vừa thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam vừa thể hiện sự đoàn kết của Việt Nam với các nước bạn truyền thống là các nước A-rập, Châu Phi và các nước thuộc thế giới thứ ba. Nhưng đồng thời cũng không tạo ra sự căng thẳng không có lợi trong UNESCO, không có lợi cho quan hệ quốc tế nói chung.

Thành công thứ hai của ngọai giao đa phương và cũng là ngoại giao văn hóa của Việt Nam tại UNESCO, đó là Việt Nam được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước 1972 nhiệm kỳ 2013-2017. Công ước 1972 có 190 thành viên và một Ủy ban liên chính phủ gồm 21 nước thành viên. Năm 2013,Việt Nam là 1 trong 22 nước ứng cử và đã được bầu là thành viên Ủy ban này.

Thành công có được xuất phát từ những nhân tố sau : thứ nhất, vai trò và vị trí của Việt Nam trên thế giới và khu vực cũng như tại UNESCO không ngừng được củng cố và tăng cường, điều này thể hiện tính đúng đắn của đường lối đối ngoại hội nhập toàn diện của Việt Nam; thứ hai, là nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch; thứ ba là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa “trong và ngoài” trong quá trình vận động tại Hà Nội, Paris và tại các địa bàn khác; thứ tư là sự trưởng thành của cán bộ ngoại giao trong hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn quốc tế.

Thành công thứ ba, là Việt Nam đã vận động có hiệu quả cho hồ sơ “đờn ca tài tử” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu của nhân loại, tại cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, tại Baku, Azerbaijan, đầu tháng 12 vừa qua. Để có được quyết định này , chúng ta đã trải qua cả một quá trình dài xây dựng, sửa đổi, cũng như vận động và theo dõi hồ sơ này.

Thành công thứ tư, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định hợp tác khung giữa 2 hai tổ chức : ASEAN và UNESCO. Từ trước đến nay , mặc dù ASEAN và UNESCO đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau thông qua các nước thành viên , nhưng chưa đi đến ký kết chính thức một văn bản hợp tác cụ thể nào cả. Cuối năm 2012, khi gặp Đại sứ các nước thành viên ASEAN, bà Tổng Giám đốc Bokova đã chính thức nêu khả năng ký kết một thỏa thuận giữa hai tổ chức vào dịp Đại hội đồng lần thứ 37 của UNESSCO sẽ diễn ra vào cuối năm 2013.

Trong suốt 2013 hai bên đã tích cực hoàn thiện dự thảo hiệp định và trình lên các cơ quan có thẩm quyền và các quốc gia thành viên để thông qua. Ngày 17/12/2013, Tổng Thư ký ASEAN ông Lê Lương Minh và Tổng Giám đốc UNESCO bà Bokova đã chính chức ký hiệp định hợp tác khung tại Paris. Đây là văn bản đầu tiên mà ASEAN ký kết với một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc kể từ khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực.

Thành công thứ năm, tại cuộc họp Đại hội Đồng lần thứ 37, Unesco để xác định chiến lược hành động 10 năm của UNESCO và thông qua chương trình và ngân sách của Unesco trong 4 năm tiếp theo. Việt Nam đã đóng góp quan điểm và cách nhìn của mình về Unesco trong 10 năm tới. Để góp phần vào sự thành công của Đại Hội đồng, năm 2012 Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Tham vấn giữa các nước thành viên tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm xác định những ưu tiên của UNESCO, các chương trình cần hỗ trợ cũng những cải cách của tổ chức này. Hội nghị này là một bước chuẩn bị cho họp Đại hội đồng lần thứ 37.

Những thành công tại tổ chức Pháp ngữ

Cùng với hoạt động ngoại giao đa phương tại UNESCO, Việt Nam cũng thể hiện vai trò tích cực của mình tại Tổ chức Pháp ngữ. Trước hết, năm 2013 là năm triển khai việc thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam với OIF về việc đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ công chức và cán bộ Ngoại giao cao cấp làm việc trong các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Thỏa thuận này được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 14 tại Cộng hòa Dân chủ Công-gô vào tháng 10 năm 2012.

Thứ hai, Tổ chức Pháp ngữ và Việt Nam đang trao đổi để tiến tới việc thành lập một Viện nghiên cứu và Giảng dạy Pháp ngữ và Châu Phi tại Việt Nam. Theo dự kiến, 2 bên có thể sẽ ký kết văn bản vào đầu năm 2014. Viện này được lập ra sẽ tạo nên một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức Pháp ngữ, đồng thời khẳng định vị trí và sự quan tâm của Việt Nam tại tổ chức này.

Thứ ba, năm 2013 Việt Nam là Chủ tịch của Ủy ban Chương trình và Hợp tác, có vai trò không nhỏ trong việc xác định cơ sở và các ý tưởng lớn cho quá trình soạn thảo khung chiến lược trung hạn trong 8 năm tới của Tổ chức Pháp ngữ và chương trình hoạt động trong 4 năm tới của tổ chức này. Đồng thời theo quyết định của Hội nghị cấp cao lần thứ 14, Pháp ngữ trong năm 2013, phải chuẩn bị một văn bản về chiến lược hợp tác kinh tế trong Pháp ngữ, dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị cấp cao lần thứ 15 vào cuối năm 2014.

Năm 2013 cũng là năm tiến hành vận động tích cực và có hiệu quả tại Pháp ngữ cho hồ sơ ứng cử của ta vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 (ngày 12/11 vừa qua, với 184/193 phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp quốc). Xin nhắc lại rằng tổ chức Pháp ngữ gồm 77 thành viên và tất cả đều là thành viên Liên hợp quốc.

Tóm lại, năm 2013 là năm thành công của ngoại giao văn hóa tại UNESCO và Pháp ngữ, trong sự thành công chung của ngành ngoại giao Việt Nam nói riêng và của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam nói chung./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất