Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/12/2013 10:9'(GMT+7)

Để nền lý luận – phê bình đồng hành cùng sáng tạo văn học nghệ thuật

Khai mạc lớp tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Khai mạc lớp tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Phê bình góp phần khuyến khích giới văn nghệ sĩ khắc phục hạn chế để có những tác phẩm hay hơn, phát hiện những tác phẩm hay cho đông đảo công chúng…. Thế nhưng, đến nay hoạt động Lý luận – phê bình Văn học Nghệ thuật chưa giúp được gì nhiều cho giới sáng tác. Đó là do, hoạt động lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật chưa thật sự chuyên nghiệp.

Lâu nay, trên diễn đàn Văn học Nghệ thuật có rất ít những cuộc “luận chiến” phê bình một cách khoa học, khách quan. Đa số là những bài viết điểm tên sách, miêu thuật nội dung một vở diễn sân khấu, bình về Múa lại nặng về trang phục, đạo cụ đẹp… và khen là chủ yếu chứ rất ít chê. Sở dĩ như vậy là do các nhà phê bình ngại viết ra những điều họ nghĩ, cảm nhận vì ngại chính họ sẽ trở thành đối tượng bị bình luận.

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Phiên (Hội nghệ sĩ múa Việt Nam) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, công tác phê bình Văn học Nghệ thuật ở nước ta luôn bị đánh giá là một khâu yếu kém, trong đó Múa cũng không phải ngoại lệ. Các báo, tạp chí thỉnh thoảng mới xuất hiện những bài về Múa vì có ai “dám” gửi bài phê bình đâu? Những bài đăng của các “cây viết ngoại đạo”, phần lớn chỉ đưa tin hoặc khen, chê, bình luận chung chung bởi “thà rằng chẳng viết thì thôi, viết ra lại ngại kẻ cười người chê”. Một số cây viết có am hiểu về Múa khi được mời viết lại từ chối với lý do viết phê bình bây giờ “được vạ, má sưng”. Nhiều ý kiến cho rằng làm nghề phê bình rất khó. Vì, khen mà khen đúng cũng chưa hẳn đã làm vừa lòng tất cả mọi người, huống hồ chê không chỉ rất dễ mất lòng đối tượng được bàn luận mà có khi còn bị chỉ trích bởi những người thiếu thiện chí, thiếu cái nhìn khách quan. Dẫn đến, nhiều nhà phê bình mới vào nghề có thể sẽ không còn đủ can đảm và sự hăng say tham gia vào hoạt động phê bình, thậm chí bỏ nghề...

Do đó, để chấm dứt tình trạng trên, trong sinh hoạt lý luận – phê bình, theo nhà thơ Lê Quang Trang (Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) cần để mọi ý kiến, mọi ý tưởng được trình bày trước công chúng. Khi tham gia bình luận cần có thái độ tôn trọng những người đang cùng tranh luận với mình. Ông nói: "Tôi từng chứng kiến khá nhiều trường hợp khi thấy những ý kiến trái mình, người tranh luận tỏ ra không hài lòng, nhiều khi nóng giận, viết bài tranh luận lại với giọng điệu chê bai, vùi dập." Để tạo dân chủ trong tranh luận cần thái độ văn hóa của các đối tượng tham gia tranh luận. Tạo dựng phông văn hóa này không dễ, cần tuyên truyền và từng bước nâng cao tinh thần này trong sinh hoạt Lý luận - phê bình, hy vọng mở ra những thói quen tốt trong hoạt động phê bình lý luận qua đó tác động tốt đến đời sống sáng tạo Văn học Nghệ thuật.


Lối viết cảm tính như hiện nay cũng là một nguyên nhân làm cho nền Lý luận - phê bình chững lại. Sở dĩ như vậy vì đến nay, ngành Văn học Nghệ thuật chưa xây dựng được một thống cơ sở lý luận làm nền tảng cho việc bình luận cũng như chưa đào tạo được đội ngũ làm công tác phê bình kế tiếp thay thế cho những nhà phê bình gạo cội trước đây.

Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam ): Vẫn tồn tại lối phê bình đao to búa lớn, quy chụp động cơ thái độ chính trị nặng nề đối với tác giả, độc tôn một kiểu sáng tác, một kiểu tư duy nghệ thuật làm chuẩn mực cao nhất. Bên cạnh đó, là lối phê bình nói ngược, lợi dụng dân chủ, nhân danh khuyến khích sự tìm tòi cái mới, cổ động cho lối sáng tác tuyên truyền tư tưởng lệch lạc. Hay nói cách khác, nhiều người làm Lý luận – phê bình và một số nhà văn, nhà thơ quan tâm tới Lý luận - phê bình đã thực hiện công việc này theo những cách thức ít nhiều cảm tính hơn là tiến hành thao tác khoa học, dựa trên nền tảng của lý luận.

Cho nên, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động phê bình văn học nghệ thuật, cần xây dựng được tiêu chí lý luận dựa trên các nguyên lý của mỹ học mác xít và đường lối văn học nghệ thuật của nhà nước. Cũng như tiếp thu những lý thuyết phê bình hiện đại từ nước ngoài để phù hợp với lối sáng tác hiện nay nhằm tránh việc, lấy nền tảng lý luận truyền thống để bình luận những giá trị Văn học Nghệ thuật mới hình thành.

Ngoài ra, phê bình văn học nghệ thuật cần có kiến thức phong phú, uyên bác của một đội ngũ nhà phê bình chuyên nghiệp. Họ cần được đào tạo chu đáo hoặc tự đào tạo công phu, có tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của chuyên ngành mà mình phê bình. Mặc dù vậy, hiện nay đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bố không đều ở các ngành nghệ thuật.

PGS.TS Trần Thanh Hiệp (Giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cho biết: Số lượng các thí sinh dự thi vào các chuyên ngành Lý luận - phê bình Văn học Nghệ thuật nói chung ngày càng ít đi, thậm chí như năm 2013 chúng ta không có nguồn thí sinh để tuyển cho chuyên ngành Lý luận - phê bình Sân khấu và rất ít thí sinh để tuyển cho chuyên ngành Lý luận - phê bình Điện ảnh. Bởi, đứng trên khía cạnh nghề nghiệp để lao động mưu sinh thì những ngành nghề này không đáp ứng được. Thực tế, nhiều nhà phê bình lý luận không sống bằng nghề này, đây chỉ được xem là nghề phụ, là đam mê khác của họ bên cạnh nghề nghiệp mà họ đang làm.

Cho nên, theo Nghệ sĩ Nhân dân Thái Phiên: Để khuyến khích những người yêu nghề, tự nguyện gắn bó với lý luận, phê bình thì các cấp có thẩm quyền, nhà nghiên cứu chiến lược có thể sớm ra những quyết định về chính sách đãi ngộ, ưu tiên khuyến khích cho công tác này. Cụ thể cần có kế hoạch đầu tư kinh phí hợp lí cho các công trình nghiên cứu, sưu tầm Văn học Nghệ thuật, tăng thù lao, nhuận bút cho các bài viết lý luận, phê bình nhất là những bài có chất lượng nghệ thuật thực sự./.

Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất