Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 21/12/2013 8:36'(GMT+7)

Nguyễn Bính - Một thi sĩ tài danh

Lễ Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2013), tổ chức tại Nam Định ngày 7/12/2013.

Lễ Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2013), tổ chức tại Nam Định ngày 7/12/2013.

Nói đến Nguyễn Bính, không thể không nói đến tuổi thơ đầy éo le của nhà thơ cũng như vùng quê êm đềm, giàu truyền thống thi ca đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của ông. Mới được ba tháng tuổi, người mẹ thân yêu của Nguyễn Bính đã sớm ra đi về cõi vĩnh hằng. Ông được cha gửi nhờ người cô ruột nuôi dưỡng.

Vất vả lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn ở một vùng quê còn trong vòng kìm kẹp của chế độ thực dân, phong kiến, Nguyễn Bính thấu hiểu cảnh ngộ đau thương của những người nông dân “chân lấm tay bùn”. Nhưng cũng chính ở nơi đây, Nguyễn Bính cũng được tắm mình trong một vùng quê sông núi hữu tình, giàu chất thi ca, nơi lưu truyền nhiều chuyện thần tiên mà tiêu biểu là “Thiên bản lục kỳ”; nơi cái nôi của hát Chèo, hát Chầu văn mà xa hơn, ở thế kỷ XV, Trạng nguyên Lương Thế Vinh (ở Vụ Bản quê ông), người đã viết “Toán pháp đại thành” cũng như cho ra đời cuốn “Hý phường phả lục”, cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật hát chèo sớm nhất ở nước ta. Và vùng quê này cũng là nơi đã nuôi dưỡng sự trưởng thành của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc, nhà chính trị, quân sự tên tuổi như: Nhạc sĩ Văn Cao, Văn Ký; nhà thơ Vũ Cao, Vũ Tú Nam; tác gia Trúc Đường (người anh trai của Nguyễn Bính); Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trung tướng Song Hào, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam... Cảnh quê, tình quê và truyền thống quê hương đã nuôi dưỡng, thăng hoa hồn thơ Nguyễn Bính. Và ông sớm trở thành “Thần đồng thơ ca”. Năm 13 tuổi, Nguyễn Bính đã có nhiều bài thơ được mọi người mến mộ.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Bính trình làng bài thơ đầu tiên trên thi đàn tuần báo "Tiểu thuyết thứ năm" và thu hút ngay sự chú ý của báo giới, văn giới cũng như bạn đọc, trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức:

“... Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

      Xa nhìn say lặng núi xanh lơ

      Khí trời lặng lẽ và trong trẻo

      Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ...”

                                              (Cô hái mơ)

Cũng năm ông 19 tuổi (năm 1937) tập thơ “Tâm hồn tôi” của Nguyễn Bính đạt giải Khuyến khích của nhóm "Tự lực văn đoàn", giúp ông sớm nổi danh trên thi đàn. Năm sau (1940) Nguyễn Bính lại cho ra tập thơ “Lỡ bước sang ngang”. Và những vần thơ đầy quyến rũ của ông tiếp tục thu hút được nhiều bạn đọc, nhất là đối phái đẹp. Các bà, các chị, các em đã đọc "Lỡ bước sang ngang" bằng tình cảm đặc biệt. Họ coi bài "Lỡ bước sang ngang" là tiếng lòng u uất của người phụ nữ trong xã hội đương thời đầy bất công và bất bình đẳng. Bài thơ như phản ánh cuộc đời của chính mỗi người phụ nữ. Nhiều bà, nhiều chị từ thành thị tới nông thôn đã thuộc lòng bài thơ để suy tư, giãi bày tâm sự và dùng nó làm bài hát ru con, ru cháu:

“... Em ơi, em ở lại nhà

     Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

     Mẹ già một nắng hai sương

     Chị đi một bước trăm đường xót xa...”

Còn lớp thanh niên thì lại thích bài “Người hàng xóm”:

“... Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

     Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn

     Hai người sống giữa cô đơn

     Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

     Giá đừng có dậu mồng tơi

     Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng...”

Nguyễn Bính sớm nổi danh trên thi đàn và thơ ông có sức hút mạnh mẽ nhiều lớp người trong xã hội không chỉ vì cách dùng từ ngữ, cách gieo vần điệu tài tình mà quan trọng là thơ Nguyễn Bính đã đi vào ngõ ngách đời sống những kiếp người, phản ánh cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của họ. Trong khi hầu hết các thi sĩ của phong trào thơ mới chiụ ảnh hưởng của thơ phương Tây thì thơ Nguyễn Bính vẫn gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian của dân tộc. Trong đó, bài thơ "Chân quê" như một tuyên ngôn của thơ Nguyễn Bính

“...Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa

     Như hôm em đi lễ chùa

     Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

     Hoa chanh nở giữa vườn chanh

     Thày u mình với chúng mình chân quê

     Hôm qua em đi tỉnh về

     Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...”

Thơ lục bát là điểm nhấn rất đậm trong thơ Nguyễn Bính. Thơ lục bát của ông đến với mọi người tự nhiên, giản dị, dí dỏm, tâm tình như những lời kể chuyện, tâm sự:

    “Em ơi em ở lại nhà

     Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”

                                      (Lỡ bước sang ngang)

     “Giá đừng có dậu mồng tơi

      Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng”

                                      (Người hàng xóm)

     “Đố ai quét sạch lá rừng

      Đố ai xúi giục con đừng theo Cha

      ... Thưa Cha giấy vắn tình dài

      Viết bao nhiêu nữa chưa hài lòng con

      Còn trời còn nước còn non

      Nước non còn đó con còn thờ Cha”

                             (Thư gửi Bác Hồ năm 1953)

Và nhất là những lời tâm sự, tự soi mình của Nguyễn Bính qua bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều”, có những câu thơ tâm huyết mà nhiều người cho đó là một trong những bài thơ tuyệt bút của ông:

“... Mấy dòng kỳ chú đinh ninh

      Rằng tài nên trọng mà tình nên thương

      Khen rằng giá đáng Thịnh Đường

      Thì trao giải nhất chi nhường cho ai?

 

      Gẫm âu người ấy báu này

      Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

      Nặng vì chút nghĩa xưa sau

      Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay

      Thương vui bởi tại lòng này

      Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời...”

Nhà thơ Hữu Thỉnh - trong lễ kỷ niệm 95 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính đã khẳng định: Tài thơ lục bát ở Việt Nam, sau Nguyễn Du, Tản Đà là đến Nguyễn Bính. Và Nguyễn Bính đã đưa thơ lục bát của dân tộc lên một đỉnh cao mới. Lời ăn tiếng nói của dân gian qua thơ ông trở thành thứ ngôn ngữ nghệ thuật trong văn chương.

Thơ Nguyễn Bính có thể chia làm hai dòng “Lãng mạn” và “Cách mạng”. Dòng thơ “Cách mạng” của ông khá mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Vừa tham gia kháng chiến (làm công an xã, chính trị viên Liên khu du kích năm xã ở huyện Bình Minh - Rạch giá; Phó chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc Rạch Giá...), Nguyễn Bính vừa cho ra đời rất nhiều bài thơ phản ánh cuộc sống kháng chiến và tình cảm của nhân dân với cách mạng: "Ông lão mài gươm", "Trường ca Đồng Tháp", "Đông Nam bộ kháng chiến", "Bài ca kèn gọi lính"... Đặc biệt Bài thơ "Tiểu đoàn 307" đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Bài hát được phổ biến rộng rãi, khích lệ tinh thần yêu nước, kháng chiến oanh liệt của dân tộc.

Tài danh của Nguyễn Bính còn đóng góp trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Năm 1941 ông đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Thanh niên Đông Pháp với truyện “Không đất cắm dùi” và giải nhất Nam xuyên với Truyện thơ “Tỳ bà truyện” gồm 1.550 câu. Với gần 50 năm tuổi đời, trên 30 năm sáng tác, Nguyễn Bính đã để lại sự nghiệp thi ca khá đồ sộ với 22 tác phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 tác phẩm kịch bản sân khấu, 4 tập truyện ngắn và tiểu thuyết... góp phần làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà.

Thơ Nguyễn Bính đến với bạn đọc như một cô gái quê kín đáo, mặn mà, duyên dáng. Và thơ ông luôn giản dị, chân quê nhưng hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc, hợp với phong cách và tâm hồn người Việt. Với tài năng và sự cống hiến của ông, năm 2000, Nguyễn Bính vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật./.

Lê Ngọc Toàn 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất