Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 2/11/2010 20:30'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy đàn tranh Việt Nam

Tiết mục hòa tấu đàn tranh “Việt Nam quê hương tôi” do các ban nhạc tham dự Hội ngộ đàn tranh toàn quốc 2010 tham gia biểu diễn. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Tiết mục hòa tấu đàn tranh “Việt Nam quê hương tôi” do các ban nhạc tham dự Hội ngộ đàn tranh toàn quốc 2010 tham gia biểu diễn. Ảnh: THÙY DƯƠNG

  • Đàn tranh ngày càng phát triển

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay, đàn tranh đang phát triển khá sâu rộng trong và ngoài nước. Những người học và chơi đàn tranh có già, trẻ, bé, lớn, đặc biệt có cả người nước ngoài yêu thích tiếng đàn tranh réo rắt độc đáo cũng tìm học. Chính vì thế, đến nay đàn tranh được giữ gìn và phát triển ở TPHCM, cùng nhiều tỉnh thành.

Theo nghệ sĩ Trà My (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), từ năm 2006 đến nay, với sự hỗ trợ của Quỹ SIDA, học viện đã chọn một số trường điểm để đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học. Từ đó, góp phần sớm phát hiện những tài năng âm nhạc, cũng như tạo nguồn cho công tác tuyển sinh sau này trong đó có đàn tranh. Ở TPHCM, ngoài “lò” đào tạo đàn tranh tại CLB Tiếng hát quê hương của Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan ở Cung Văn hóa Lao động, còn có các nơi: Nhà Thiếu nhi TPHCM, Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa…

Cô Bạch Liên, phụ trách lớp dạy ca múa nhạc dân tộc của Nhà Thiếu nhi TPHCM, cho biết trước đây hầu hết phụ huynh đều chỉ muốn gởi con em theo học những lớp dạy ca múa, rất ít và thậm chí là không có thiếu nhi nào chịu học nhạc truyền thống. Do vậy, Nhà Thiếu nhi TP quy định, nếu muốn vào học ca, học múa thì phải học đàn tranh (miễn phí).

Theo nghệ sĩ Lan Hương đến từ Học viện Âm nhạc Huế, hiện nay đàn tranh đang được rất nhiều người theo học, hiện có đến 80 sinh viên. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Cùng niềm vui này, nghệ sĩ Thanh Tú đến từ Khánh Hòa chia sẻ, nếu so với trước đây, số lượng người trẻ (lứa tuổi sinh viên) theo học đàn tranh ở Khánh Hòa ngày càng đông hơn. Chẳng những phát triển rộng khắp trong nước, đàn tranh cũng được nhiều Việt kiều và người nước ngoài ở Mỹ theo học.

Nghệ sĩ Việt kiều Vân Ánh cho biết, hiện nay nếu như nhận hết học viên để dạy thì con số phải lên đến cả trăm người, nhưng vì điều kiện có hạn nên cô chỉ nhận dạy 30 học viên…

  • Và những điều trăn trở

Tuy đàn tranh được hình thành và phát triển khá rộng nhưng cũng còn bộc lộ nhiều điều hạn chế. Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời (Nhạc viện TPHCM), trước giải phóng, âm nhạc dân tộc được đưa vào giảng dạy trong các trường học, rất bổ ích cho học sinh.

Nhưng sau giải phóng đến nay, âm nhạc dân tộc không còn được đưa vào giảng dạy phổ biến như trước đây nữa. Thậm chí, trong quy định của ngành giáo dục đối với các trường âm nhạc, khi học sinh học âm nhạc truyền thống bắt buộc phải học thêm loại nhạc cụ khác của nước ngoài: piano?!

Tại sao không quy định ngược lại, học sinh học nhạc cụ nước ngoài, nhất thiết phải học âm nhạc truyền thống? Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm, đã được kiến nghị nhiều lần nhưng cũng vẫn chưa có chuyển biến gì. Điều này vô hình trung chính ngành giáo dục chúng ta làm khó sự phát triển của âm nhạc truyền thống.

Cũng về những bất cập trong giáo dục âm nhạc truyền thống, nghệ sĩ Trà My (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nêu: “Trước đây, ở học viện đều giảng dạy âm nhạc dân tộc từ sơ cấp đến trung cấp, có nghĩa là tuyển sinh cả những em thiếu nhi từ 6 – 7 tuổi. Thế nhưng, mấy năm gần đây học viện chỉ được phép tuyển sinh từ trung cấp, có nghĩa là học viên phải ở độ tuổi 13 tuổi trở lên. Chính việc “điều chỉnh” này đã trở thành rào cản ngăn cách không cho các em nhỏ yêu thích nhạc cụ dân tộc vào học viện”.

Cùng bức xúc về giáo dục, đào tạo âm nhạc, cô Lưu Thị Hồng Loan (Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, TPHCM) bộc bạch: “Thời gian qua, chúng ta đã tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, nhiều em được đến trường học văn hóa. Nhưng hiện nay, Nhạc viện TPHCM chưa có tuyển sinh đối với học sinh khuyết tật. Tôi nghĩ, đây là một thiệt thòi rất lớn vì nhiều em có tật có tài, có em chơi được 3 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau!”.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ cũng đặt vấn đề về việc cần thiết sáng tác những bài bản mới cho đàn tranh. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời lưu ý: Đàn tranh muốn phát triển phải đi từ cái gốc của âm nhạc dân tộc mà ra. Cho nên, khi sáng tác mới, cũng cần phải biết dựa vào cái gốc ấy mà phát huy.

Còn về góc nhìn của một nhà tổ chức biểu diễn, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu muốn đàn tranh phát triển hơn nữa, cần phải biết làm sao cho đàn tranh hấp dẫn. Chẳng hạn, tại sao khi nghe GS-TS Trần Văn Khê diễn thuyết về đàn tranh, ai cũng say mê? Bởi ông có cách nói chuyện và phong cách trình diễn hết sức sinh động”.

Trong cuộc tọa đàm này, GS-TS Trần Văn Khê đã đúc kết, kể những kỷ niệm sâu sắc của ông khi có dịp nói chuyện và đưa cây đàn tranh của Việt Nam ra các nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo GS-TS Trần Văn Khê, đàn tranh là một loại nhạc cụ hết sức độc đáo và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. 


ĐỖ HẠNH-SGGP

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất