Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/10/2010 18:1'(GMT+7)

"Nên đầu tư vào con người làm văn hoá"

Toạ đàm "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Toạ đàm "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

“Con người là chủ thể chính của việc phát triển văn hoá. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ lĩnh vực này cũng quan trọng nhưng con người vẫn là trên hết. Những năm tới chúng ta phải có chiến lược đào tạo đội ngũ làm văn hoá. Có như vậy mới hy vọng thay đổi diện mạo nền văn hoá nước nhà”, nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

11 ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hoá và các Giáo sư đầu ngành về lĩnh vực này đã đánh giá đúng thực trạng nền văn hoá nước ta và kiến nghị những giải pháp nhằm thúc đẩy sự nghiệp văn hoá phát triển.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, văn hoá phải được xem như là một nhiệm vụ chiến lược đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội phát triển cường thịnh. “Trong các văn kiện, tôi tâm đắc nhất là cương lĩnh nói về văn hoá mà nói về văn hoá là nói về con người. Trước hết muốn xây dựng nền văn hoá phát triển phải đặt câu hỏi đang thiếu gì? cần cái gì? gặp khó khăn gì?. Theo tôi cái thiếu của nền văn hoá nước ta chính là hệ giá trị tiêu chuẩn con người”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

Đánh giá về thực trạng nền văn hoá Việt Nam hiện nay, nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch: “Chúng ta đang tụt hậu với chính chúng ta. Nền văn hoá Việt Nam đã có những thời kỳ hưng thịnh, điện ảnh, văn học và một số lĩnh vực nghệ thuật khác cũng có những thời kỳ vàng son với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong lòng độc giả trong và ngoài nước. Nhưng những năm gần đây nền văn hoá đang bị lệch chuẩn, hạ chuẩn. Nền văn học nghệ thuật hiện nay là nền văn học có tính tổ chức cao nên yêu cầu phải có tính chuyên nghiệp. Đầu tư cho văn hoá phải là nhiệm vụ chiến lược, nếu không được đầu tư thích đáng sẽ không làm được văn hoá”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại buổi toạ đàm

Để chứng minh cho một thời kỳ hưng thịnh của văn học Việt Nam, tại buổi toạ đàm, Giáo sư Hà Minh Đức đã trích dẫn một câu nói của một nhà văn Ba Lan “Tôi nghiêng mình cảm phục nền văn học cận đại Việt Nam”. Qua đánh giá của một độc giả nước ngoài về một lĩnh vực của văn hoá Việt, chúng ta thấy tự hào về cội nguồn văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của dân tộc.

“Văn học Việt đã có những tác giả lớn được thế giới công nhận như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi...Điều này chứng tỏ rằng nền văn hoá văn nghệ của Việt Nam không phải không có người tài. Tuy nhiên, khi bước vào nền kinh tế thị trường, nền văn hoá của chúng ta đã bị lâm vào thế bị động và không có sự chống đỡ kịp thời. Tôi nghĩ rằng, muốn phát triển lĩnh vực này thì phải có những cán bộ văn hoá có trình độ”, Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh.

Theo ý kiến của GS.TS Dương Phú Hiệp, nền văn hoá Việt Nam muốn phát triển phải tiếp thu, kế thừa những tinh hoa văn hoá nhân loại, ông cho rằng: “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến là cố gắng tiến lên cùng thời đại. Đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hoá đặc trưng của Việt Nam và không lẫn với các nền văn hoá khác. Nền văn hoá tiên tiến là giao lưu, hội nhập, hoà nhập với các nền văn hoá trên thế giới”.

Hầu hết những kiến nghị và đánh giá của các đại biểu tại buổi toạ đàm đều tập trung vào việc đầu tư, phát triển con người làm văn hoá bởi đây mới là chủ thể chính làm thay đổi diện mạo văn hoá đất nước./.
 
(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất