Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/10/2010 18:1'(GMT+7)

Bảo tồn, phát huy văn hóa Khơ-me Nam Bộ

Một vở diễn của Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh mang đậm chất liệu văn hóa Khơ-me.

Một vở diễn của Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh mang đậm chất liệu văn hóa Khơ-me.

Hệ lụy của văn hóa ngoại lai

Khi được hỏi về việc các bạn trẻ trong đồng bào dân tộc Khơ-me giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Thạch Suông, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh bức xúc nói:

- Giới trẻ nói chung, thanh thiếu niên Khơ-me nói riêng, lãng quên các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Thay vào đó là các loại hình nghệ thuật hiện đại du nhập, lai căng đang thu hút họ.

Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này cho thấy, văn hóa Khơ-me trong những năm gần đây có xu hướng ngoại hóa nhiều hơn là phát huy, phục hồi văn hóa dân tộc mình. Trong lĩnh vực văn hóa lễ hội mang tính truyền thống được thể hiện rõ nhất điều này. Trước kia khi đám cưới, cô dâu, chú rể mang trang phục truyền thống, nhưng hiện nay cô dâu mặc váy, chú rể mặc comle, thắt cà vạt. Lý giải cho điều này, nhiều bạn trẻ cho rằng nên như vậy để tránh thủ tục rườm rà và hợp với xu thế hiện đại của tuổi trẻ ngày nay.

Ông Trầm Phương, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trà Cú giãi bày:

- Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa lâu năm, lại là người Khơ- me nữa, quả thật tôi rất buồn và lo lắng. Có lẽ thế hệ sau sẽ quên hết những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình nếu các bậc cha ông và chính quyền địa phương không có cách bảo tồn, phát huy.

Có lẽ cái sự buồn và lo lắng ấy không chỉ của riêng ông Trưởng phòng Văn hóa huyện, bởi thực tế hiện nay, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, văn hóa Khơ-me cũng như một số dân tộc khác đang đứng trước nguy cơ mai một. Biểu hiện rõ nhất đó là làm theo, học đòi theo những cái lạ. Trong đám cưới ít ai còn nghe thấy những bài hát (12 bài) với nội dung ca ngợi công lao dưỡng dục, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, ca ngợi tình yêu và chúc phúc cô dâu, chú rể. Giáo dục đức hạnh cho con cháu, tôn vinh vị thế người phụ nữ…Thay vào đó là nhạc sống, "rốc, ráp" và những bài hát thúc giục giới trẻ sống gấp, trái với nét truyền thống lâu nay của dân tộc.

Bảo tồn văn hóa Khơ- me, một câu hỏi lớn

Đồng bào Khơ-me 100% theo đạo Phật. Chùa là nơi bà con gửi gắm niềm tin, góp phần tạo sự gắn kết các tầng lớp nhân dân, đồng thời là nơi thể hiện lòng tự hào, tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa tại những nơi linh thiêng này cũng đang dần bị mai một, một số chùa được chỉnh sửa, xây mới chủ yếu chạy theo “mốt” nên không còn giữ được nét đặc trưng truyền thống nữa.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cũng có những khó khăn. Để phục dựng lại được môn hát Rầm (gần giống hát tuồng), đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, kinh phí và công sức. Đối với môn hát Rầm lại có cái khó là để hiểu được thì phải nắm chắc về lịch sử Phật giáo, tuồng tích. Thực tế không phải ai cũng biết về loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại là ghi hình, lưu giữ mà không truyền dạy, đào tạo cho con cháu và không được khai thác, giữ gìn, môn hát Rầm đang có xu hướng mai một và mất đi. Đoàn nghệ thuật Khơ-me “Ánh Bình Minh”, một trong những đoàn nghệ thuật là trung tâm sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đồng bào Khơ-me, nhưng do khó khăn về kinh phí và con người nên chủ yếu các tiết mục chỉ mang hơi hướng, chưa thật sự đi vào chiều sâu.

Từ năm 2005, với sự giúp đỡ tài trợ của Quỹ Ford, Cục Di sản văn hóa kết hợp với Bảo tàng tỉnh Trà Vinh đã mở lớp học văn hóa truyền thống Khơ- me đầu tiên tại chùa Lò Gạch (xã Lương Hòa, Châu Thành) đào tạo được 7 học viên. Hiện nay, Trà Vinh đang mở lớp thứ 2 với 14 học viên tham gia. Các thành viên tham gia lớp học này chủ yếu ở độ tuổi từ 14-16, học 5 buổi/tuần trong thời gian 5 tháng với khoảng 15 bài hát. Thạch Mỹ Phương, 15 tuổi, học sinh Trường THCS Lương Hòa, học viên lớp học nhạc cưới tâm sự:Cháu mong mình có thể học hỏi, tiếp thu kiến thức của các nghệ nhân một cách tốt nhất. Hy vọng sau này cháu có thể góp phần nhỏ bé gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”. Mong sao có nhiều lớp học, nhiều em được học như Phương.

Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa là đòi hỏi bức thiết. Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Khơ-me Nam Bộ rất cần những việc làm, cơ chế, chính sách, sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành và sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân./.

(Theo: Nguyễn Kiểm-Hà Khánh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất