Nhà phê bình Hoàng Nhuận Cầm có phần ngoa ngoắt khi cho rằng điện ảnh Việt Nam có quá nhiều phim hoa hậu, phim á hậu và nếu lấy thước đo nghiêm cẩn, có khi chỉ giống như những hoa hậu cao 1,4m với số đo ba vòng bằng nhau, lắm khi vừa nói lắp vừa nói ngọng!
Một năm Việt Nam (VN) chỉ sản xuất được dưới 10 bộ phim. Thực tế này đã tồn tại gần 10 năm qua và như lời nhà phê bình Hoàng Nhuận Cầm, cơ thể điện ảnh VN đang gầy còm đi về số lượng.
Khoan hãy bàn điện ảnh VN “chết” rồi hay chưa!
Có những ý kiến cho rằng điện ảnh VN đang “chết” dần bởi hàng năm số phim ra lò quá ít. Tỉ lệ sản xuất phim VN quá thấp so với khu vực: 1 triệu dân VN chỉ 0,14 phim, trong khi Malaysia là 1 triệu dân/1 phim. Hàn Quốc 1 triệu dân/2 phim...
Về vấn đề này, nhà phê bình Hoàng Nhuận Cầm cho biết: “Khoan bàn đến chuyện điện ảnh VN “chết” rồi hay chưa “chết” nhưng chắc chắn có 1 điều không thể nào phủ nhận được là cơ thể điện ảnh VN ngày càng còm cõi đi về mặt số lượng. Với mỗi liên hoan phim trong nước, hầu như tất cả các phim đã được sản xuất và mới được sản xuất đều được cấp tốc gửi đi dự thi. Bởi thế, chúng ta có quá nhiều phim hoa hậu, quá nhiều phim á hậu nhưng trên thực tế thì số hoa hậu và á hậu đó nếu lấy thước đo nghiêm cẩn của môn nghệ thuật thứ 7, có khi họ chỉ giống như những hoa hậu cao 1,4m, số đo ba vòng bằng nhau, lắm khi vừa nói lắp vừa nói ngọng!”
Điện ảnh VN có bề dày hơn nửa thế kỷ với những tác phẩm và thời kỳ đỉnh cao. Ngược dòng thời gian về trước, có những năm VN sản xuất được 20 bộ phim truyện nhựa. Thậm chí, năm 1992 còn sản xuất được hơn 30 bộ phim.
Thực tế là trong 10 năm qua, điện ảnh VN cũng có những khởi sắc. Từ 5 hãng phim quốc doanh, nay cả nước đã có hơn 40 hãng phim do tư nhân và các tổ chức xã hội khác quản lý, nhiều cụm rạp hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng, số người đến rạp xem phim từ năm 2003 đến 2008 đã tăng gấp hơn 2 lần, xã hội hóa trong sản xuất phim cũng đã đạt 50% về số lượng.
|
Điện ảnh Việt có những khởi sắc với Thời xa vắng... |
Bên cạnh đó, việc hợp tác làm phim với nước ngoài hay mời các nhà làm phim nước ngoài đến VN trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đã được duy trì thường xuyên và có những bộ phim thành công như: Thời xa vắng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội Hà Nội, Mùa len trâu, Huyền thoại bất tử, Dòng máu anh hùng…Tuy nhiên, việc chỉ sản xuất được dưới 10 phim/năm là hoàn toàn chưa tương xứng với nhu cầu xem phim của 86 triệu dân.
|
…Và Dòng máu anh hùng |
Theo ông Lê Ngọc Minh – Cục phó Cục Điện ảnh, nguyên nhân VN sản xuất được quá ít phim là do chưa có 1 thị trường điện ảnh đa dạng cho nội địa, chưa có hạ tậng cơ sở thỏa mãn nhu cầu làm phim và sáng tạo của các nghệ sỹ điện ảnh, kinh phí làm phim tăng rất nhiều trong khi số tiền Nhà nước đầu tư cho phim truyện nhựa trong nhiều năm qua không thay đổi. Ngoài ra, số phim ngoại tăng mạnh: 150 phim/năm so với 10 phim nội nên thị trường phim nội càng khó khăn khi tìm kiếm khán giả. Đặc biệt là đội ngũ làm phim điện ảnh ngày càng mỏng đi, đặc biệt là khu vực đạo diễn.
Làm sao để sản xuất hơn 10 phim/năm?
Việc tăng số lượng phim sản xuất trong năm là khẩn thiết và quan trọng nhưng không dễ trong một sớm một chiều. Có nhiều ý kiến trái chiều của các nhà làm phim, các đạo diễn về vấn đề này.
TS Lưu Trọng Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đưa ra những nhóm giải pháp ngắn hạn. Theo ông, trong vòng 10 năm tới thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước chỉ cần tập trung vào 2-3 phim/năm cho ra tấm ra món và ưu tiên cho phim lịch sử. Ông cũng cho rằng, trong 3-5 năm tới, Nhà nước nên đầu tư xây dựng khoảng 14 cụm rạp hiện đại trong cả nước ở những vùng “trắng” về rạp chiếu, tạo “thói quen xem phim văn minh” cho khán giả, và khẩn cấp tuyển chọn nguồn nhân lực để đưa đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải đặt ra chỉ tiêu tăng dần phim truyện nhựa sản xuất trong năm. Năm 2020, 36 - 40 phim truyện/năm. Phim hoạt hình, tài liệu 20 bộ/tháng...
|
Mỗi năm cần tập trung làm 2- 3 phim lịch sử cho ra tấm ra món |
Tuy nhiên, đạo diễn Lê Hoàng lại không đồng tình với những nhóm giải pháp này. Theo ông, ai cũng muốn làm phim ra tấm ra món, nhưng có 3 - 5 phim lịch sử đã cãi nhau om sòm. Về việc xây rạp, đạo diễn này cho biết, hãy để cho tư nhân xây, nếu có người xem, tư nhân ắt sẽ xây rạp và có thừa khả năng làm điều đó.
Theo ông, điều quan trọng nhất là làm thế nào để một khán giả VN bình thường mua vé vào xem phim và phim làm ra phải đáp ứng được nhu cầu bạn trẻ - khán giả chủ yếu của điện ảnh. Một nền điện ảnh chỉ sống được khi các bộ phim sống được và được đón nhận trong đất nước mình. Ông cũng thừa nhận, Nhà nước cần tập trung vào việc đào tạo nhân lực cho ngành điện ảnh và rộng rãi hơn trong khâu kiểm duyệt phim.
Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Hà Sơn cho rằng: Giải thưởng cao nhấtcủa một bộ phim là công chúng, chứ không phải giải thưởng ở các LHP. Cái thiếu nhất của điện ảnh VN là ý tưởng và công nghệ. Hãy kể những câu chuyện nói lên sự thật!
Đạo diễn Thái Hòa - GĐ Hãng phim Giải Phóng đề xuất một giải pháp khá thiết thực. Theo ông, thị trường điện ảnh VN muốn bán ra nước ngoài thì phải có thị trường điện ảnh trong nước đã, hiện chúng ta mới chỉ có mùa phim Tết. Chúng ta cần một hiệp hội điện ảnh cho các nhà sản xuất và hãng sản xuất để có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, quyền lợi…
Theo Lao Động điện tử