Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 8/4/2011 16:31'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, bởi bản sắc văn hoá dân tộc là tài sản vô giá, là hồn thiêng sông núi, được tạo dựng qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử; là sự biểu hiện trường tồn của giống nòi, là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Là lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đảm bảo sự thống nhất của nền văn hoá Việt Nam đa dân tộc. Theo Người, bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam hàm chứa những giá trị nhân văn của văn hoá các dân tộc anh em, nên các dân tộc trên đất nước ta “đều bình đẳng về mọi mặt”, “đều có quyền phát huy khả năng” của mình trong mọi hoạt động văn hoá, nghệ thuật, để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được bản sắc văn hoá các dân tộc.

Phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: đồng bào các dân tộc Việt Nam, miền xuôi cũng như miền núi, dân tộc Kinh cũng như dân tộc Tày, Nùng, H’Mông, Ba Na, Khơ Me, v.v.. phải đoàn kết, đồng tâm, góp sức trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ và có trách nhiệm chung để xây dựng và không ngừng nâng cao đời sống văn minh, tiến bộ. Làm được điều đó, cũng chính là thiết thực góp phần bảo vệ bản sắc văn hoá, phát triển trình độ văn hoá của dân tộc mình trong nền văn hoá chung của dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình”[1] trong văn hoá, nghệ thuật và các dân tộc “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”, phát huy những bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Hơn ai hết, Người thấu hiểu rằng: không có một nền văn hoá của dân tộc nào trường tồn lại tách rời khỏi những giá trị của truyền thống, đoạn tuyệt với những giá trị làm nên bản sắc độc đáo của một dân tộc nhất định (dù đó là dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số) và giá trị vượt không gian, vượt thời gian của mọi nền văn hoá, đó chính là chân, thiện, mỹ, là những giá trị được lưu truyền hàm chứa trong di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của mỗi dân tộc.

Truyện Kiều, thơ Nôm, điêu khắc Chăm, Việt, tranh khắc gỗ dân gian, tuồng, chèo, nhạc Cung Đình Huế, Quan họ, Ca trù, hay hát Xoan, thậm chí là hát Then,v.v.. cũng đều hàm chứa trong đó hồn cốt, bản sắc từng dân tộc, vì đã từng là sự giao thoa, cọ sát, khai thác lẫn nhau của các dòng văn nghệ, văn hóa khác nhau trên một maanhr đất Việt Nam “nghìn năm văn hiến”. Và không chỉ có vậy, còn áo dài, cái nón lá, tranh sơn mài, tranh lụa, sơn dầu; và thơ, tiểu thuyết, kiến trúc, cải lương, lễ hội tịch điền, Chùa Hương,… từ thuở “Đông Dương thuộc Pháp” tới một Việt Nam “Đổi mới và Hội nhập”, v.v.. cũng đều là những suối nguồn, mang đậm dấu ấn của bản sắc dân tộc.

Bản sắc văn hóa quốc gia, vùng miền nằm trong chiến lược đa dạng văn hóa toàn cầu, như đa dạng sinh học, là khái niệm được các nhà văn hóa học và các nhà hoạt động văn hóa quốc tế nêu ra, luôn đề cao yếu tố địa phương, bản địa. Đó chính là sự khác biệt, tính độc đáo, thậm chí là những di sản độc đáo của mỗi nước, mỗi vùng miền. Với người dân, đó còn là các thói quen ứng xử, tập tục, văn nghệ dân gian, lễ hội như: Tết Nhảy của đồng bào Dao Đỏ ở Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa); hội Sải Sán của đồng bào Mông ở Cán Cấu (Si Ma Cai); hội xuống đồng của người Tày (Bắc Hà), lễ hội “Lạn Trượng khai phá Mường Thanh” của dân tộc Thái Đen (T.P Điện Biên Phủ); lễ hội “Gạ ma thú” của dân tộc Hà Nhì, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé); lễ hội “Dòng họ Giàng” của dân tộc Mông (huyện Tuần Giáo, đặc biệt là lễ hội Ka-tê, một lễ hội mang tính cộng đồng cao, thể hiện rõ phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc của dân tộc Chăm, lễ hội Sayangva của đồng bào Châu Ro,…với những vũ điệu độc đáo và huyền bí, những làn điệu dân ca mê đắm lòng người, cùng những trò chơi dân gian giàu tính nhân văn,v.v..

Nhưng đối với các Chính phủ, thì đó phải là các chính sách, các biện pháp bảo vệ di sản, bảo hộ văn hóa, văn nghệ trong nước. Trên tinh thần đó, sau khi nước nhà giành được độc lập không lâu, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65/SL “Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam”, bảo tồn những di tích lịch sử, văn hoá là điểm tựa tinh thần khó thay thế của dân tộc. Cũng không dừng lại ở đó, từ buổi đầu xây dựng và củng cố nền dân chủ cộng hòa cho đến khi từ giã chúng ta trở về với cõi vĩnh hằng, một Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất đã luôn chắt lọc những kinh nghiệm, những tinh hoa của văn hoá truyền thống trong các dân tộc anh em, để trau dồi, bồi đắp cho một nền văn hoá Việt Nam đa dân tộc, đầy hương sắc tinh thần tinh tuý, bởi Người nhận thức sâu sắc rằng: Nền văn hoá Việt Nam có sự kết hợp hài hoà, phong cách của nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cùng chung một Tổ quốc, bản sắc văn hoá các dân tộc thể hiện rất đa dạng, rất phong phú, xuyên suốt và thấm đượm vào mọi mặt của đời sống xã hội, tồn tại trong văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của mỗi dân tộc anh em, nên cần phải bảo tồn, chấn hưng những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào tiếp thu và phát triển văn hoá Việt Nam hiện đại.

Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mỗi công dân Việt Nam là không thể thờ ơ, hoặc bỏ trống “trận địa văn hoá” và càng không thể tách rời việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc với việc phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Từ đó, Người đề ra mục tiêu của chính sách văn hoá trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá đối với các dân tộc miền núi là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau; là các dân tộc đều có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế và văn hoá. Đồng thời, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ những người chiến sĩ văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá các dân tộc miền núi; nhấn mạnh một trong những nguyên tắc cần phải thấm nhuần trong quá trình xây dựng nền văn hoá mới đa dân tộc, đó là tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng văn hoá của các dân tộc anh em. Trên cơ sở đó làm phong phú nền văn hoá dân tộc một cách tự nguyện, không gò ép, không nóng vội, làm bước nào chắc bước ấy, để bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc không tách biệt, không cô lập mà trở thành một thành tố góp phần làm nên một chỉnh thể văn hoá dân tộc Việt Nam đa dạng.

Xây dựng nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam được tích hợp, phát triển cùng chiều chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó không phải là một hằng số, là những giá trị bất biến, mà có những giá trị mới, được hình thành, bồi tụ trong quá trình hội nhập, tiếp biến giữa các nền văn hóa. Và để biến khát vọng bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần to lớn của văn hoá các dân tộc anh em, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, một mặt, phải tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phải từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, đi liền cùng đó là việc xoá mù, nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống mới, ngăn chặn và phòng chống các hủ tục lạc hậu, các đại dịch, v.v..mặt khác, phải thực hiện những nguyên tắc để bảo tồn và phát huy giá trị của các nền văn hóa thuộc các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc gom góp, sưu tầm, bổ sung các di sản văn hóa truyền thống và tổng kiểm kê các loại hình di sản văn hóa, mà còn phải thông qua các ấn phẩm văn hoá, các chương trình truyền hình, phát thanh về văn hoá, về lễ hội văn hoá dân gian của các dân tộc, bằng ngôn ngữ dân tộc để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá dân tộc, không làm mai một, không làm “nghèo nàn nền văn hoá các dân tộc Việt Nam”, làm cho những biện pháp hữu hiệu đó thực sự trở thành “sứ giả” của giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, tẩy trừ những thành kiến giữa cá dân tộc, đồng thời tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại…Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam đề hợp với tinh thần dân chủ”[2]. Vì vậy, theo chỉ dẫn của Người, thì cái gì bổ ích và cần thiết, cái gì tốt và hay, tất yếu phải học lấy, tiếp nhận, để làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú. Điều đó là rất cần thiết, nhưng không có nghĩa là mọi thứ mới lạ đều bổ ích. Trên tinh thần, "bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thụ có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác"[3], thì trong giao lưu và tiếp biến văn hóa: cái gì mới, mà hay thì tiếp thu, còn cái mới mà lai căng, xấu xa, thì cương quyết loại bỏ.

Bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc, chính là làm cho những vấn đề căn cốt nhất, nền tảng nhất “làm nên nét riêng của cộng đồng dân tộc này so với cộng đồng dân tộc khác”, thể hiện tâm thức của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam (cốt cách, lẽ sống, lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần tương thân tương ái, tính cần cù, sáng tạo, giản dị, nghệ thuật, v.v..) được hội nhập để, một mặt, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, làm giàu cho văn hóa dân tộc mình, mặt khác, giữ cho văn hóa Việt Nam “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam là làm cho tất cả những giá trị vật chất và tinh thần (bao gồm tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, y phục, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng,... ) được sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử ngày càng phát triển, để sự phát triển rực rỡ bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, sẽ càng làm phong phú nền văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự thống nhất trong đa dạng, là nét riêng, độc đáo của nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sẽ là phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộcanh em trong sự phát triển toàn diện, vững mạnh của đất nước, làm cho những giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam tỏa sáng trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, trên quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thong tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài. Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa”[4]./.

Ths. Trần Thanh Thủy

Đại học Luật Hà Nội



[1] Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, H, 1981, tr. 359

[2] Hồ Chí Minh về văn hoá. Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản. Hà Nội 1997, tr.30

[3] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 56

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.225

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất